"Tiếng hát vượt thời gian" thuở nào đã về với thiên thu và người đời yêu mến Thái Thanh giờ đây chỉ còn biết lục lại những album nhạc cũ, ôn lại nhiều câu chuyện về bà.
Thái Thanh sinh năm 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Danh ca Thái Thanh được cho là sở hữu giọng hát “vượt thời gian”, từng bị dư luận vẽ ra đủ thứ giai thoại về bí quyết học nhạc. Còn có tin đồn, Thái Thanh hát hay như thế nhờ chui đầu vào chum để tập phát âm.
Phải biết rằng, dù Thái Thanh không theo học bất cứ trường lớp nào về nhạc lý nhưng bà vốn là con nhà nòi âm nhạc, có chị gái là ca sĩ Thái Hằng, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và sau này, con gái bà là ca sĩ Ý Lan.
Thân phụ của Thái Thanh chơi đàn nguyệt, còn thân mẫu chơi đàn tranh và đàn tỳ bà hay nổi tiếng ở đất Bắc. Vì vậy mà, niềm đam mê nghệ thuật đã nằm sẵn trong huyết quản của bà.
Bà đi hát từ năm 14 tuổi và được anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy chỉ bảo về nhạc lý và kỹ thuật, đồng thời tự luyện tập, trau dồi kỹ năng xướng âm. Theo đó, bà tự học nhạc bằng cách đặt mua các sách luyện thanh bằng tiếng Pháp. Danh ca Thái Thanh sở hữu giọng light lirico soprano (nữ cao trữ tình mảnh).
Điều làm nên sự khác biệt trong giọng hát của Thái Thanh chính là sự ảnh hưởng từ các ngón nghề nhạc cụ dân tộc của cha và mẹ. Giai điệu của đàn nguyệt, đàn tranh và đàn tỳ bà khiến cô bé Thái Thanh luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo. Tiếng hát của bà vì lẽ ấy mà vừa có sự tinh tế trong cách luyến láy của các làn điệu dân tộc vừa có sắc thái biểu cảm của dòng nhạc bác học phương Tây.
Nghệ thuật phát âm khiến mỗi chữ do Thái Thanh hát đều đẹp đến mê hồn. Người nghe có cảm tưởng như mỗi âm mà nữ danh ca phát ra là sản phẩm của một quá trình chuyển động của toàn bộ khoang miệng. Chính vì vậy mà thanh âm cất lên nghe mãnh liệt, chuẩn xác và vô cùng tròn trịa.
Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nữ danh ca đã nhận về không thể kể hết những mỹ từ ca tụng từ khán giả và cả những định danh, công nhận, tôn vinh của người trong nghề.
Khánh Ly gọi bà là “ngọn hải đăng” của đời mình, còn Lệ Thu - “giọng ca vàng mười” của tân nhạc - quả quyết: “Chúng tôi không là giọng ca vượt thời gian được, nếu nói vượt thời gian chỉ duy nhất dành cho danh ca Thái Thanh mà thôi”.
Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu – cả ba đều nổi tiếng, đều là những giọng ca lẫy lừng bậc nhất của tân nhạc, với những sắc vị riêng, những thanh âm riêng. Nhưng như chính sự công nhận của hai danh ca còn lại: Nếu phải xếp ở vị trí số một, chỉ có Thái Thanh là xứng đáng.
Thái Thanh không phải một mỹ nhân sắc nước hương trời nhưng bà sở hữu đôi mắt đầy biểu cảm và đôi bàn tay đẹp đến phụ nữ cũng phải trầm trồ. Danh ca Khánh Ly từng nói với Thái Thanh: “Nếu cháu là chồng của cô, cháu đành phải để cô đi hát trước khán giả, nhưng cháu sẽ giữ hai bàn tay cô ở lại nhà, cháu không cho ai được nhìn thấy hai bàn tay ấy khi cô hát”.
Ngoài giọng ca đẹp cùng phẩm chất nghệ sỹ đáng trọng, Thái Thanh còn được nhắc đến như một người có nghi lực sống vô song. Bà từng bị tai biến mạch máu não năm 2000, mất trí nhớ, không còn nhận ra người thân. Nhưng nhờ nỗ lực tuyệt vời, bà dần khôi phục trí nhớ, đã có thể nhớ được chút ít lời bài hát. Năm 2004, trong ngày “Lễ của mẹ” (Mother’s day) Thái Thanh đã lên sân khấu trình diễn “Ngày xưa Hoàng Thị” với phong cách trẻ trung như nữ sinh.
Tiếng hát của Thái Thanh như chính câu hát của Phạm Duy mà bà đã nhiều lần cất lên: “Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Tiếng hát có mọi dư vị của đời người, có đủ hỷ nộ ái ố. Tiếng hát mà khi trầm khi bổng, khi cao khi thấp, khi buông khi nắm, khi rắn khi mềm đều có hấp lực đối với người nghe.
Nhà phê bình Thụy Khuê cũng từng nhận định: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu trời xanh tiếng hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang”.
Khi mất đi, ngoài di sản là giọng hát, Thái Thanh còn truyền lại niềm đam mê âm nhạc cho các thế hệ sau. Hai con gái Lê Thị Ý Lan và Lê Thị Quỳnh Dao của Thái Thanh sau này trở thành ca sĩ nổi tiếng Ý Lan, ca sỹ Quỳnh Hương. Các cháu ngoại của bà cũng có nhiều người đi theo con đường ca hát như ca sỹ Mai Linh, Ý Thi, Thanh Hương, Quỳnh Trang...
Nhà thơ Đỗ Trung Quân mới đây đã viết những dòng trên trang cá nhân: “Giọng hát này không chỉ một vài dòng ngắn ngủi mà xong được. Nó phải nghìn trang. Chia tay bà một danh ca không cần ai phong tặng, không ai đủ tư cách phong tặng ngoài thời gian”.