Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Đậu đen và những lưu ý khi sử dụng

Đậu đen tuy có nhiều lợi ích nhưng để tốt cho sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo nên dùng nước đậu đen như một thứ nước uống thưởng thức chứ không nên dùng loại nước này để thay thế cho nước uống hàng ngày.

Lợi ích khi uống nước đậu đen:

Nước đậu đen tốt cho những người bị thận yếu, mặt sưng phù, phong thấp tê liệt, thấp khớp hoặc các bệnh lở loét.

Người bị tiểu đường và huyết áp cao cũng có thể dùng đậu đen rang nấu nước uống để kiểm soát bệnh.

Đậu đen có chứa hàm lượng protein lên tới 24,4%, lipit 1,7%, glucid 53,3% và rất nhiều axit amin thiết yếu tốt cho cơ thể. Ngoài ra, đậu đen còn có nhiều vitamin quan trọng như vitamin A, B1, B2 và một số khác.

Khoáng chất vi lượng molypden - một thành phần của enzyme sulfile oxidate trong đậu đen rất hiệu quả để khử độc sulfates cho cơ thể. Hóa chất này có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn, gây đau đầu, tăng nhịp tim hoặc rối loạn chú ý.

Ngăn ngừa ung thư: Đậu đen là một trong những thực phẩm có khả năng giúp chống ung thư vì chứa 8 loại khác nhau của flavonoid, hợp chất thực vật có khả năng giảm thiệt hại của các gốc tự do, làm thay đổi tế bào, gây ung thư. Ngoài ra, vì đậu đen chứa nhiều chất xơ nên có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh ung thư ruột kết.

Hỗ trợ quá trình giảm cân: Thực phẩm giàu chất xơ làm tăng cảm giác no sau khi ăn và giảm cảm giác thèm ăn, khiến bạn no lâu hơn, do đó làm giảm lượng calo tổng thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tăng tiêu thụ thực phẩm thực vật như đậu đen làm giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim.

Làm đẹp da hiệu quả: Ngoài làm thuốc, đậu đen còn được dùng để chế biến thành một món nước có tác dụng làm đẹp da, cực kỳ phù hợp với phụ nữ. 10 loại axit amin thiết yếu có trong đậu đen đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sản sinh collagen. Do đó, uống nước đậu đen có thể giúp bạn duy trì làn da mịn màng, ngăn ngừa lão hóa.

Giúp xương khỏe mạnh: Canxi và phốt pho rất quan trọng trong cấu trúc xương, trong khi sắt và kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức mạnh và độ đàn hồi của xương và khớp. Sắt, phốt pho, canxi, magiê, mangan, đồng và kẽm trong đậu đen đều góp phần xây dựng, duy trì cấu trúc và sức mạnh của xương.

3 nhóm người không nên uống nước đậu đen

Những người thuộc nhóm cơ thể hàn lạnh

Đậu đen có tính mát nên không dùng cho người bị hư hàn, ví dụ như tứ chi lạnh, mệt mỏi, eo và chân đau do lạnh, tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng… Những người này nếu ăn đậu đen sẽ làm tăng thêm các triệu chứng, thậm chí dẫn đến các bệnh khác.

Những người đang dùng nhiều loại thuốc

Do đậu đen có tác dụng giải độc khi các thành phần protein và phốt pho hữu cơ, các kim loại nặng này kết hợp thành chất kết tủa, vì vậy chúng cũng có tác dụng phản ứng với các thành phần có liên quan trong thuốc, làm giảm hiệu quả của việc uống thuốc.

Người già, trẻ em, người có thể chất yếu ớt

Đậu đen thuộc vào nhóm thực phẩm có chứa nhiều phytat, chất này gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho… Nếu cơ thể kém hấp thu các vi chất trên sẽ dẫn tới thiếu máu, loãng xương. Phytat nhiều có thể ức chế một số enzyme tiêu hóa.

Để tốt cho sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo nên dùng nước đậu đen như một thứ nước uống thưởng thức chứ không nên dùng loại nước này để thay thế cho nước uống hàng ngày. Đối với người khỏe mạnh không thuộc 3 nhóm kể trên, ngày uống một ly là đủ. Người có bệnh lý tiêu hóa chỉ nên dùng tuần 1-2 ly. Trẻ nhỏ dưới một tuổi không nên sử dụng nước đậu đen, trên một tuổi sử dụng với mức vừa phải.

Một số món thuốc từ đậu đen

Đậu đen hầm thịt lợn: đậu đen bỏ vỏ 500g, thịt lợn 100g, muối 10g, mì chính 2g, nước dùng 750g, bột ướt 15g, mỡ lợn 50g. Công dụng: bổ dưỡng, rất tốt cho người suy nhược cơ thể.

Đậu đen nấu gà trống: đậu đen xanh lòng 100g, gà trống tơ đen 1 con, dừa gáo 1 quả, dây tơ hồng vàng 30g, gia vị vừa đủ hầm chín ăn. Công dụng: Bồi bổ tâm và thận, trị tất cả các chứng suy nhược, bổ máu, tê nhức ghẻ lở, mạnh âm lực, tăng dương sự, tỏ mắt, an thai, trị thận âm suy yếu.

Đậu đen tiềm cật heo: đậu đen xanh lòng 50g (ngâm nước sôi với 20g muối), cật heo 2 quả 200g, thăn heo 100g, tuỷ xương sống heo 50g. Gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: Bổ thận âm, lọc nước tiểu, trị các chứng đau lưng gối mỏi, da khô, khát nước, tai ù, mắt lòa. Trị chứng thận nhiệt nóng.

Thận dê tiềm đậu đen, thuốc bắc: thận dê 2 cái 200g, hạt sen 50 hạt, nhục thung dung 15g (rửa rượu, cắt mỏng), đậu đen xanh lòng 40g, nước gừng tươi 1 thìa canh, gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: Bồi bổ chứng thận âm hư, trong tinh dịch không có tinh trùng, hiếm muộn con. Trị đau lưng, mỏi gối, gân xương yếu, tiểu nhiều.

Thịt bò hầm ngũ đậu: thịt bò 150g, đậu xanh hạt 60g, đậu đỏ hạt 60g, đậu ván trắng 60g, đậu nành 60g, đậu đen 60g. Công dụng: Bồi bổ ngũ tạng, trị suy nhược cơ thể, thiếu máu, chứng tỳ dương hư, ra mồ hôi nhiều.

Phong Vũ

Theo Tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/dau-den-va-nhung-luu-y-khi-su-dung-27436/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY