Kinh tế xã hội hôm nay

Đầu Xuân- đến Thiên Cấm Sơn ngắm cảnh và uống nước thốt nốt

(MangYTe) - Những ngày đầu Xuân, du khách đến với núi Cấm- đến với những đặc sản rất riêng của vùng đất An Giang sẽ có những trải nghiệm thật tuyệt vời và thú vị vô cùng.

Những ngày đầu Xuân, những dòng người kéo về Núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) luôn trong tình trạng quá tải.

Tuy nhiên, khí hậu ở đây dù nắng nhưng tương đối dễ chịu nên cũng bớt đi cái vất vả cho những du khách về đây mỗi khi đợi chờ ở khu vực cáp treo hay tản bộ đến các ngôi chùa trên núi. Điều thú vị nhất là từ trên cáp treo nhìn ra khu vực Bảy Núi ở xung quanh thật đẹp và lãng mạn.

Những vườn cây, cánh đồng bát ngát xanh tạo nên một nét đẹp rất riêng cho khu du lịch Núi Cấm. Đặc biệt, khi xuống núi được ghé vào một quán nước ven đường uống ly nước thốt nốt mát lạnh, ngọt lịm sẽ cảm nhận được một hương vị rất riêng khi đến với vùng đất này.

Những hàng cây thốt nốt và núi Cấm nhìn từ xa (Ảnh: Khánh Văn)

Cảnh sắc đầy chất thơ và chất thiền

Từ thành phố Long Xuyên, dọc theo quốc lộ 91 và rẽ vào tỉnh lộ 948 khoảng hơn 60 km là đến với khu du lịch Núi Cấm. Nằm ở độ cao trên 700m so với mực nước biển, núi Cấm sở hữu dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối quanh năm xanh tươi.

Núi Cấm linh thiêng - nơi vẫn còn truyền tụng những câu chuyện huyền bí về những đạo sĩ lên núi tầm sư học đạo, bốc Thu*c cứu người và là nơi sinh sống của nhiều loài rắn khổng lồ. Đặc biệt là câu chuyện chúa Nguyễn Ánh đã có thời gian lưu lạc và đến đây nương náu khi bị quân Tây Sơn truy đuổi.

Ngày này, núi Cấm trở thành một nơi du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, là nơi nghỉ dưỡng cho nhiều khách thập phương khi đến với vùng đất này.

Ngày xuân, khám phá “ngọn đồi 2 triệu đô la” ở An Giang

Đến với núi Cấm, du khách có thể đi bằng cáp treo và có dịp được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp từ trên đỉnh núi nhìn xuống những cánh đồng xanh mát, những hàng cây thốt nốt đang vươn mình tỏa bóng hiện hữu khắp mọi nơi. Hay ngắm nhìn những đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ trên những cánh đồng…

Đặc biệt là núi Cấm có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc đã và đang hoàn thành, những núi non hùng vĩ, những thảm cây bạt ngàn trên các triền núi. Du khách có thể khám phá các hang động, tắm suối, viếng chùa và thưởng thức nhiều món ẩm thực của người dân nơi đây.

Nhiều điểm nhấn của khu du lịch núi Cấm như cáp treo gồm 16 trụ cáp, 89 cabin và 2 nhà ga được nối từ chân núi lên đến đỉnh núi. Nếu du khách đi bằng cáp treo chỉ mất 15 phút là lên đến đỉnh núi, nếu không có thể lên núi bằng các dịch vụ xe ô tô, xe máy với giá cả phù hợp.

Trên núi Cấm có nhiều danh lam, thắng cảnh tiêu biểu như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm ...

Có lẽ điểm nhấn đầu tiên trên núi Cấm phải kể đến chùa Vạn Linh tọa lạc ở độ cao 535m trên lưng chừng núi Cấm, khuôn viên trải rộng đến 3.000m2, với kiến trúc cổ truyền mang đậm sắc thái của người Á Đông.

Ngôi bảo tháp trước chùa Vạn Linh

Trước chùa là ngôi bảo tháp uy nghi cao tới 9 tầng, chiều cao của tháp là 35m. Đứng trên ngôi bảo tháp này, du khách có thể ngắm được toàn cảnh khu vực xung quanh.

Chánh điện của chùa là một tòa nhà rộng lớn, có điện Phật bày trí tôn nghiêm, các tượng thờ được tạc bằng nhiều loại đá quý khác nhau. Xung quanh chùa có rất nhiều loài hoa kiểng, tạo nên một phong cảnh đầy chất thơ và đậm chất thiền.

Một điểm nhấn khác nữa là Hồ Thuỷ Liêm- một hiện tượng “hồ trên núi” có diện tích 60.000 mét vuông mặt nước, có sức chức 300.000 mét khối nước. Xung quanh hồ được trồng hoa và có một cây cầu bắc qua lòng hồ đã tạo cảnh quan thơ mộng. Điều đáng chú ý là hồ nước lúc nào cũng trong vắt và cá thì nhiều vô kể.

Những ly nước thốt nốt ngọt lịm, mát lạnh ven đường

Một người dân đang bổ trái thốt nốt để lấy thịt

Ven chân núi Cấm có rất nhiều những quán nước và bán các đặc sản từ cây thốt nốt của đồng bào Khmer cũng thu hút một lượng lớn khách dừng chân ghé vào sau khi đã tham quan núi Cấm suốt nhiều giờ đồng hồ.

Cây thốt nốt không chỉ là nét đặc trưng, mà còn là một đặc sản của người dân cung quanh núi Cấm. Điều thú vị là cây thốt nốt dường như được người dân tận dụng tất cả để phục vụ cho mục đích của con người.

Lá cây thốt nốt có thể dùng để lợp nhà, thân có thể dùng trong xây dựng, trái thốt nốt có phần thịt ngọt thanh, giòn dẻo nên có thể làm mứt và bỏ vào nước uống. Riêng phần hoa có thể cho nước để làm nước giải khát hoặc nấu thành đường thốt nốt.

Những sản phẩm được làm từ hoa, trái thốt nốt

Khi du khách đến với núi Cấm, vào một quán ven đường gọi một ly thốt nốt lạnh rồi thả mình nằm xuống võng đu đưa cho đỡ mệt và thưởng thức cái ngọt thanh của nước thốt nốt thì có lẽ mọi mệt nhọc sau nhiều giờ leo núi cũng tan biến hết.

Cái vị nước thốt nốt ngọt ngào, thơm thơm cùng vị ngọt thanh, giòn dẻo của thịt trái thốt nốt trong ly nước khiến cho du khách cảm thấy thích thú vô cùng.

Trong những ngày đầu Xuân, du khách đến với núi Cấm- đến với những đặc sản rất riêng của vùng đất An Giang sẽ có những trải nghiệm thật tuyệt vời và thú vị. Bởi tiết trời mát mẻ, nắng nhè nhẹ được hòa quyện trong cảnh sắc dân dã, nguyên sơ và cái tình chân chất của người dân nơi đây thật thú vị làm sao.

KHÁNH VĂN

Mạng Y Tế
Nguồn: Giáo dục (https://giaoduc.net.vn/van-hoa/dau-xuan-den-thien-cam-son-ngam-canh-va-uong-nuoc-thot-not-post206521.gd)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY