Cụ thể: số thu NSNN tháng 1/2020 của toàn ngành hải quan đạt 25.446 tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán (338.000 tỷ đồng) và giảm tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái (32.500 tỷ đồng).
Trong tháng đầu tiên của năm 2020, tổng trị giá XNK hàng hoá của Việt Nam sơ bộ đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái (số ngày làm việc trong tháng chỉ có 16 ngày do nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD và trị giá nhập khẩu đạt 18,42 tỷ USD. Chỉ so với tháng 12/2019, tổng trị giá xuất khẩu giảm tới 19,4% và trị giá nhập khẩu giảm tới 17,4%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên năm 2020 có mức thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 1/2019.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình hình XNK với Trung Quốc giảm là Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi hoàn toàn vào tháng 1/2020. Thống kê cho thấy, tổng trị giá XNK với Trung Quốc trong tháng 1 sơ bộ ước đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% và NK đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.
Thống kê giá trị trung bình theo ngày làm việc (loại trừ 2 ngày nghỉ cuối tuần và ngày nghỉ lễ Quốc gia) trong tháng 1/2020, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 130,52 triệu USD/ngày, giảm 20,18% so với tháng 12/2019 trước đó nhưng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các chuyên gia thương mại, dịch bệnh nCoV đã tác động ảnh hưởng đối với hoạt động XNK của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, ảnh hưởng từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng. Một số tác động có thể chỉ ra như: Kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập); giao thương qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không giữa hai nước bị hạn chế; nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có một tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc. Việc xảy ra dịch nCoV đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động, đặc biệt Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao.
“Mặc dù thị trường xuất khẩu của ngành may mặc ít bị ảnh hưởng nhưng do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc có thể đóng cửa trong tháng 2, nên đầu vào - khâu cung ứng nguyên liệu - sẽ bị ảnh hưởng. Để ứng phó với tình huống xấu nhất, một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Braxin... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất”, ông Trương Văn Cẩm nói.