Pháp luật hôm nay

Liên tiếp bắt giữ sản phẩm động vật “khủng” nhập lậu

Chỉ trong vòng hơn 2 tuần từ ngày 13-26/8 tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), lực lượng liên ngành liên tiếp phát hiện...
Chỉ trong vòng hơn 2 tuần từ ngày 13-26/8 tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), lực lượng liên ngành liên tiếp phát hiện, tạm giữ một lượng “khủng” thu giữ gần 3,9 tấn ngà voi, 122,5kg sừng tê giác và 4 tấn vảy tê tê, ngà voi, sừng tê giác nhập lậu. Đây là vụ buôn lậu lớn nhất từ trước đến nay, dư luận đang băn khoăn là vì sao hàng động vật hoang dã nghiêm cấm xuất nhập khẩu này lại dễ dàng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam như vậy?

Thủ đoạn ngụy trang vô cùng tinh vi

Theo ông Nguyễn Quang Lãng - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng, số hàng hóa vi phạm pháp luật kể trên được cất giấu, ngụy trang với thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là lô hàng nhập khẩu về từ châu Phi, hàng hóa khai báo là đá cẩm thạch dạng khối, trọng lượng 40 tấn, chứa trong 2 container bốc dỡ hàng tại cảng Đà Nẵng vào ngày 10/8. Lô hàng này của Công ty Vạn An (địa chỉ lô 2A-10.2, đường 2 tháng 9, quận Hải Châu) hàng được phân luồng xanh (hàng chỉ kiểm tra sơ bộ hồ sơ, sau đó thông quan).

Cũng theo ông Lãng, các lô hàng nói trên được Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát phòng, chống buôn lậu (Bộ Công an) nghi ngờ, theo dõi và lập chuyên án đấu tranh từ trước. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã tạm dừng hàng hóa qua khu vực kiểm soát và nhiều lần mời Công ty Vạn An đến xuất trình hồ sơ và hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra. Tuy nhiên, công ty này không đến mà còn gửi văn bản xin hủy tờ khai. Chi cục không đồng ý hủy tờ khai và phối hợp với các cơ quan liên quan dùng máy soi kiểm tra thì nghi vấn hàng không đúng như khai báo. Ngoài ra, một số container được Công ty Vạn An nhập về từ châu Phi nhưng công ty này không làm thủ tục để thông quan, không khai báo hải quan.

Trong 3 vụ vận chuyển hàng cấm động vật hoang dã qua cảng Tiên Sa, 2 vụ chủ hàng là Công ty Vạn An. Đối với 2,2 tấn ngà voi, qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện được ngụy trang trong 63 bao nilông, xếp lẫn vào mặt hàng gỗ xẻ đựng trong 3 container. Lực lượng chức năng cũng phát hiện thủ đoạn cất giấu sừng tê giác và ngà voi được ngụy trang trong các khối đá giả. Mỗi khối giả đá chứa từ 10 đến 25 ngà voi và sừng tê giác, tổng trọng lượng gần 1 tấn.

Riêng lô hàng bị phát hiện vào chiều 25/8 là hơn 1 tấn ngà voi và hơn 4 tấn vảy tê tê giấu lẫn cùng các bao đậu đỏ đứng tên là Công ty Hùng Huy Bảo (địa chỉ k99/2, đường 3 tháng 2, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Toàn bộ số hàng này được nhập về từ Malaysia hôm 13/8 qua cảng Đà Nẵng. Theo bảng lược khai hàng hóa, lô hàng này có 220 bao đậu đỏ, khối lượng 19,8 tấn, chứa trong 1 container. Điều lạ là số điện thoại ghi trên hóa đơn hàng hóa của Công ty Hùng Huy Bảo lại trùng số điện thoại của Công ty Vạn An từng bị phát hiện nhập lậu ngà voi trước đó.

Sau khi tổ chức giám định tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng, được biết tất cả các mặt hàng này đều thuộc Phụ lục I, Công ước CITES danh mục những loại động vật, thực vật hoang dã đe dọa bị tuyệt chủng nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái nhập khẩu. Số tang vật này sẽ bàn giao cho Cục Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để hoàn tất hồ sơ vụ án và có hướng xử lý tiếp theo.

Sớm khởi tố xử lý nghiêm theo pháp luật

Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý động vật hoang dã CITES Việt Nam, lý do để Việt Nam trở thành nước trung chuyển mẫu vật hoang dã lớn nhất thế giới là do pháp luật của Việt Nam còn lỏng lẻo, chỉ phạt hành chính rồi thả ra nên chưa đủ tính răn đe.

Đối với vụ việc trên, ông Trịnh Xuân Tuyên, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung cho biết, theo quy định của pháp luật, những vụ việc như vậy đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Cơ quan hải quan là đơn vị đầu tiên phát hiện vụ việc nên theo hồ sơ ban đầu cũng như củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án hình sự sẽ chuyển qua cơ quan điều tra của công an thụ lý để đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra phòng, chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian qua, ngành hải quan đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung và động vật hoang dã nói riêng. Đặc biệt, xây dựng các đầu mối trao đổi thông tin thường xuyên trong nước và quốc tế về tội phạm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ trong việc xác minh thông tin, điều tra vụ việc. Chiến công này là do đơn vị vẫn thường xuyên trao đổi thông tin trong nước và quốc tế.

Trần Trọng – Huỳnh Long

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-lien-tiep-bat-giu-san-pham-dong-vat-khung-nhap-lau-16785.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY