Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Điệp khúc “ngậm” của trẻ

Dỗ dành, nịnh nọt, thậm chí quát tháo, dọa nạt... nhưng ngậm vẫn hoàn ngậm, điệp khúc này khiến hầu hết các bà mẹ đều thấy mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, thậm chí bị ám ảnh mỗi khi cho con ăn.

Ảnh minh họa

Nhiều bà mẹ đã lên diễn đàn chăm sóc mẹ và bé than phiền, “cầu cứu” sau khi đã tìm đủ cách mà bé con vẫn bướng bỉnh, không chịu… nuốt. Mẹ bé Bông gòn than thở: “Hu hu các mẹ ơi! Bông gòn nhà em dạo này ngậm cháo ghê quá! Mỗi bữa ăn kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Cháu chỉ ăn được vài thìa sau đó lại là điệp khúc "Ngậm ơi, mình thân nhau nhé!". Ngồi xe ăn thì cứ nhảy tưng tưng, trốn thìa. Vật ra võng thì đạp mẹ huỳnh huỳnh. Ngậm hơn 10 phút một ngụm cháo, mỏi mồm quá thì khóc òa lên, cháo, nước lèo phèo đầy miệng; hoặc ngậm xong rồi phun phì phì làm tóc tai, mặt mũi lem luốc hết. Đã thế lại còn nhe răng cười mới “ghét” chứ. Hôm nào ăn xong cả mẹ cả con cũng phải thay quần áo. Mẹ nào có kinh nghiệm chỉ giúp em với. Ngày nào cũng thế này em mệt mỏi quá rồi”.

Mẹ cu Tí thì kêu ca: “Từ khi bắt đầu ăn dặm đến giờ (2 tuổi), cu Tí có thêm biệt danh “lì” vì tật ngậm hoài mỗi khi ăn. Lựa mãi mới bón cho cu cậu được một miếng thì phải đi rong dọc hành lang khu tập thể, nhiều khi quay lại nơi để bột, cu cậu vẫn… chưa chịu nuốt. Lưng bát con cháo mà phải hâm nóng vài lần mới hy vọng hết được non nửa”.

Trước thực tế này, bác sĩ Hoàng Minh Thu (Trưởng Khoa Nhi - BV Xanh Pôn) cho biết: “Thức ăn khi ngậm lâu trong miệng sẽ được men tiêu hóa trong tuyến nước bọt chuyển thành đường, có vị ngọt nên trẻ càng thích ngậm hơn, lâu ngày sẽ dẫn tới sâu răng. Ngoài nguyên nhân biếng ăn, thì thói quen vừa ăn vừa chơi cũng khiến trẻ thích ngậm. Có thể thời gian đầu, việc này sẽ giúp trẻ ăn dễ hơn nhưng lâu dần trẻ sẽ mải chơi quên nhai nuốt thức ăn”.

Ảnh minh họa

Để con không ngậm

- Xem thức ăn chế biến có phù hợp với độ tuổi, hàm răng, sở thích của bé không. Không ít các bà mẹ, con đã 2, 3 tuổi mà vẫn cho ăn cháo xay, cháo hạt nấu kỹ… vô tình càng làm trẻ trở nên lười nhai, lười nuốt. Ngược lại, khi cho bé ăn cơm quá sớm cũng sẽ gây khó nhai, khó nuốt, kết quả là bé sẽ ngậm.

- Thức ăn cho trẻ nên được thay đổi hàng ngày, chế biến với nhiều màu sắc và mùi vị hấp dẫn để kích thích bé thèm ăn. Đôi khi, thay vì ăn cơm hay cháo như mọi lần, có thể cho con ăn bún, miến, bánh mì… để thay đổi khẩu vị.

- Có thể kèm một muỗng nước canh, hay nước trái cây với một muỗng cháo, hoặc cơm để bé dễ nuốt hơn.

- Nếu bé mải xem tivi, hay quảng cáo mà quên nhai nuốt, phải tắt tivi để bé tập trung vào việc ăn uống hơn.

- Vừa làm mẫu vừa hướng dẫn cho bé cách nhai và nuốt.

- Khuyến khích và khen ngợi khi thấy bé chịu nuốt hay ăn ngoan hơn. Ví dụ như: "Bé của mẹ ngoan nào. Con nuốt cơm xuống bụng đi, cơm sẽ giúp con chạy nhanh hơn, thịt cá sẽ làm cho chân con cứng chắc để con leo cao hơn, giống như các anh siêu nhân đây này".

- Bạn cũng có thể “dọa” bé, kiểu như: "Con mà cứ ngậm như thế thì con sâu sẽ ăn luôn răng của con đấy, con sẽ không còn răng để ăn bim bim, hay kẹo nữa đâu".

- Cho bé ăn cùng bữa với gia đình hoặc sang hàng xóm để bé ăn cùng những đứa trẻ khác, rồi khuyến khích bé thi đua xem ai ăn nhanh hơn.

- Tập cho bé tự xúc ăn, khi đó bé nhai nuốt dễ dàng hơn.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/diep-khuc-ngam-cua-tre-22966/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY