Mưu sinh bằng nghề tài xế công nghệ chưa bao giờ dễ dàng với chị em phụ nữ, thậm chí còn bôn ba hơn. Nhưng vì tình yêu với con cái, dù nắng làm da dẻ đen chị sạm đi nhiều, chị vẫn luôn hoàn thành mọi cuốc xe an toàn.
Căn phòng nhỏ chỉ 10m2 nằm sâu trong ngõ 39 phố Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đủ để một tấm đệm làm chỗ ngủ và vài đồ sinh hoạt lặt vặt, là nơi ở của chị Phạm Thị Thêm (35 tuổi, quê ở Phú Thọ). Chị Thêm ở một mình trong căn phòng đó và làm nghề tài xế công nghệ để có tiền nuôi sống bản thân và lo cho con cái ở quê nhà.
Chị rời quê xuống hà nội làm việc đã lâu, trước đây chị làm nhiều nghề như bán quần áo, đồ ăn… những công việc cần nhiều thời gian, lịch làm cố định. “tôi thích công việc tự do, không muốn ngồi một chỗ, nghe mấy người chạy công nghệ nói gojek nhiều cuốc và có thể chạy chở khách, giao đồ ăn hay giao hàng nên tôi đi đăng ký từ tháng 7.2020 và gắn bó đến bây giờ”, chị chia sẻ.
Chị Thêm chuẩn bị đồ để bắt đầu một ngày làm việc mới |
Vào nghề, chị không biết đường, khách đặt một điểm nhưng lại đứng ở điểm khác, tắc đường, khói, bụi… là những khó khăn ban đầu chị gặp phải khi chạy xe. “Đi làm tôi cũng gặp trường hợp người ta hay trêu, đặt xong lại huỷ, có những hôm cũng liều đi về muộn lắm vì chở khách về đến nhà an toàn thì mới tắt app nghỉ, lúc toàn 12 giờ đêm, 1 giờ sáng. Nhiều ngõ ngách tối, trộm cắp, thấy cũng ghê, nên bây giờ tôi tranh thủ chạy sớm không đi nhiều vào đêm nữa”, chị Thêm cho biết.
“Với con, tôi không muốn gì hơn ngoài việc mong cho các con được học giỏi, vui khỏe để mình yên tâm đi làm, kiếm tiền lo cuộc sống”
Chị Thêm tâm sự |
“Làm nghề này vui, buồn, cáu giận đều trải qua hết, lắm lúc khách đặt xong cứ huỷ, có gặp cảnh “bom” hàng phải mang đồ ăn về, lần nữa về nhà quên không tắt app thấy đơn lại phải đi. Dần dần mãi cũng quen nên giờ tôi thấy cũng bình thường”, chị Thêm tâm sự.
Ở một mình dưới thủ đô, ngày ngày chị Thêm cố gắng chạy xe với mong muốn kiếm được nhiều tiền để nuôi sống bản thân và gửi về lo cho con gái. Vì mưu sinh, chị phải xa 2 con gái, ở xa chị luôn nhớ và mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con.
“Với con, tôi không muốn gì hơn ngoài việc mong cho các con được học giỏi, vui khỏe để mình yên tâm đi làm, kiếm tiền lo cuộc sống”, chị Thêm tâm sự.
Dịch Covid-19 xuất hiện khiến thu nhập từ nghề chạy xe của chị Thêm cũng giảm |
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Thêm cho hay, làm nghề tài xế công nghệ chị phải cảnh giác, cẩn thận để không bị lừa. Cách đây khoảng hơn một tháng, chị nhận đơn hàng với phí là 60.000 đồng, đó là đơn to nhất hôm đấy nên chị rất vui, nhưng đến nơi người ta lại bảo chị ứng trước 500.000 đồng. Vì đơn hàng đó là 100 cái phong bì không nên chị bảo không có tiền, chị Thêm bảo các đồng nghiệp đi làm cũng hay chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Theo lời chị Thêm, nghề chạy xe mang lại thu nhập ngay và luôn, không như các việc khác phải chờ đến cuối tháng nên vì con, vì cuộc sống, chị luôn cố kiếm tiền mỗi ngày. Đi đường, chị cũng thỉnh thoảng trò chuyện với khách cho đỡ buồn, để quãng đường di chuyển cũng như được rút ngắn lại. “Có hôm ở nhà không mưa, nhưng ra đường lại tầm tã. Đông khách quá nên phải cố làm, thời tiết Hà Nội khắc nghiệt. Đi ngoài nắng nhiều da dẻ xấu hẳn đi, nhưng vẫn phải cố để kiếm được tiền”, chị kể.
Dịch Covid-19 xuất hiện khiến thu nhập từ nghề chạy xe của chị Thêm cũng giảm xuống |
Chị Đỗ Thị Thuỷ (38 tuổi, quê ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) chạy xe được gần 3 năm nay. Trước đây, chị vừa bán hàng, vừa chạy xe, nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chị chuyển hẳn sang làm nghề tài xế Gojek. “Thu nhập cũng giống làm thuê, nhưng chạy xe thoải mái, tiện thu xếp việc gia đình. Giỗ chạp về quê cũng được, mệt quá nghỉ cũng được, mưa rét đi muộn một tí cũng chẳng sao,” ” chị Thuỷ cho hay.
Chồng chị Thuỷ lái xe taxi, họ có 1 người con hiện đang ở quê với ông bà nội. Vợ chồng chị thuê trọ để tiện công việc, ngày ngày chạy xe từ 6 giờ sáng đến tối muộn. “Công việc này vất vả, cũng có cạnh tranh. Mát trời còn đỡ, chứ nắng mưa vất lắm. Trước kia chả có phụ nữ chạy xe mấy đâu, nhưng bây giờ thì có một số rồi. Nói chung nghề này không phải ai cũng làm được, phụ nữ phải có một tý bướng, phải cứng để không bị trêu đùa, đi xe “ôm” như người ta vẫn nói”
Chị Thêm thỉnh thoảng cũng trò chuyện với khách để có động lực, tiếp tục đi làm |
“Công việc này mang lại cho tôi thu nhập ổn định. Ai cũng bảo sao không chọn nghề gì lại đi chạy xe, nhưng thời buổi khó khăn nên đành phải cố. Nắng mưa, gió rét tôi vẫn làm, lúc ấy nhiều tài xế nghỉ, tôi cứ mặc áo mưa là có tiền”, chị Thuỷ tâm sự. “Đợt dịch Covid-19, khách giảm, có hôm chỉ được tầm trăm ngàn mà lòng buồn rười rượi. Nhưng nhiều lúc, đi đường nói chuyện với khách họ cũng quý cho thêm tiền, tôi lại có động lực để đi làm. Làm lâu nhưng may mắn thay tôi chưa bị “bom” hàng hay bị bùng tiền lần nào.”
Nghề tài xế chạy ngày nào có tiền ngày nấy, nên chị Thủy hầu như không có ngày nghỉ hay lễ Tết. “Ngày lễ cho chị em phụ nữ như 8.3 hay 20.10,… tôi cứ xem trên Facebook bạn bè đăng ảnh vui chơi, ăn uống với nhau, nghĩ cũng buồn nhưng cũng đành ngậm ngùi lướt qua. Tôi xác định chạy xe lâu dài, nên cứ tự động viên mình, mong ngày nào cũng có khách để cuộc sống đủ đầy hơn”, chị Thuỷ nói.
Chị Thuỷ đợi khách để chạy “cuốc” xe mới |
Với các nữ tài xế công nghệ gojek, niềm vui đến từ những thứ rất nhỏ. giao món ăn tới tay khách vẫn còn nóng sốt, nhận được vài lời chia sẻ, động viên từ khách, hay tìm được đường tắt, đường vắng để đưa khách đi đến nơi, về đến chốn là vui. đôi khi, trên đường gặp sự cố, một tài xế không quen mặc áo gojek dừng lại để hỏi han, giúp đỡ, thế là cũng đủ vui.
|
Chị Thuỷ trong một lần lấy hàng đi giao cho khách |
Ngoài thu nhập, các nữ tài xế luôn tự động viên mình để họ dù có khó nhọc, dù có xấu hơn một chút, cô đơn hơn một chút, thì vẫn nhìn vào mặt tích cực để vượt qua, tiếp tục công việc mưu sinh.
Đằng sau mỗi cuốc xe, mỗi đơn hàng không chỉ là miếng cơm, manh áo hằng ngày mà đó còn là sự hy vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn, một tình yêu bao la của người mẹ dành cho con.