Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Dự báo GDP tăng 4,9%

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trong kịch bản cơ sở được đưa ra, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý III và tăng trưởng cả năm 2020 dự báo đạt 4,9%.

Rủi ro trong ngắn hạn

Giám đốc WB Việt Nam nhận định, mặc dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19. Hiện tại còn quá sớm để nói về hậu quả của đại dịch tại Việt Nam và trên thế giới vì điều này còn tùy vào thời gian, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như phản ứng chính sách của Chính phủ và hành vi của người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng, tương tự các đợt dịch bệnh trước đây. Những rủi ro khác trong ngắn hạn là hoạt động kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm do Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất hiện nay trên thế giới.

Trong kịch bản cơ sở, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục từ giữa quý III, tăng trưởng GDP cả năm 2020 đạt 4,9%. Còn trong kịch bản kém hơn, nếu đại dịch kéo dài đến cuối năm, GDP có thể chỉ tăng 1,5%. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế sẽ bật lên sau đại dịch Covid-19.

Ứng phó phù hợp

Trong ứng phó với dịch Covid-19, ông Jacques Morisset – Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam- đánh giá cao các biện pháp giải quyết khủng hoảng y tế, bảo vệ doanh nghiệp và quản lý ngân sách của Chính phủ. Đặc biệt, việc có ngân sách dự phòng đã phát huy tác dụng trong tình hình hiện tại.

Dù vậy, đại diện WB cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn sẽ có thể làm tốt hơn nữa với việc quan tâm đến khu vực phi chính thức. Nhóm này không tiếp cận được các biện pháp hỗ trợ về thuế hay tín dụng. Vì vậy, Chính phủ có thể giảm tiền điện, nước, điện thoại hoặc tạo ra các việc làm cộng đồng; tiếp theo là tìm cách tăng ngoại tệ và ổn định hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong ngắn hạn có thể dùng chính sách thuế; trong trung hạn, cần tăng chi, phân bổ ngân sách cho các địa phương, ưu tiên cho dự án kích thích nhu cầu nhằm tăng hiệu quả lan tỏa.

Sau khi đại dịch chấm dứt, WB cho rằng, Việt Nam có thể quản lý được những rủi ro bên ngoài bằng cách đa dạng hóa thị trường thương mại và cải thiện năng lực cạnh tranh...

WB đang triển khai gói tài chính nhanh trị giá 14 tỷ USD nhằm tăng cường ứng phó dịch Covid-19 trên toàn cầu và rút ngắn thời gian phục hồi. Trong đó, Việt Nam có thể tiếp cận 50 triệu USD.

Nguyễn Hường

Mạng Y Tế
Nguồn: Công thương (https://congthuong.vn/du-bao-gdp-tang-49-135204.html)
Từ khóa:

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY