Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở giai đoạn 1, các cơ quan chức năng và nhiều doanh nghiệp nhanh chóng đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong những tháng đầu năm 2020. Nhờ đó mà ngành du lịch đã được thắp lên “ngọn lửa hi vọng” đổi khác trong dịp hè năm nay.
Tuy nhiên, gần đây, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác, khiến người dân cũng như không ít doanh nghiệp luôn nơm nớp lo lắng. Bởi lẽ, trải qua nhiều tháng liền đối diện với cảnh “đắp chiếu” việc kinh doanh để phòng chống dịch bệnh, họ đã quá… “thấm đòn” do phải chịu nhiều thiệt hại.
Là một người từng có đến 16 năm làm về du lịch nhưng ông An Sơn Lâm – Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Buồm Đông Dương (TP.HCM) cũng phải lắc đầu ngao ngán, khi phải đau đáu tìm cách để tiếp tục “chèo lái” doanh nghiệp mình bước qua thời kỳ khốn khó hiện nay. Chưa kể, thời gian qua chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh, công ty ông cũng đã phải đối diện với cảnh “thiếu trước hụt sau”.
Theo ông Lâm, thiếu hụt là do mỗi tháng công ty ông dù có doanh thu hay không vẫn phải đóng đến 160 triệu đồng tiền bến bãi neo đậu tàu thuyền. Chi phí cao như vậy là do công ty ông dù hoạt động trong tuyến du lịch đường thủy nội địa, nhưng do không có bến bãi riêng nên phải neo đậu ở Cảng Sài Gòn và chịu mức giá ngang ngửa với các tàu quốc tế đến “tá túc” ở đây.
Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự hồi sinh sau đại dịch và phát triển của ngành du lịch thì các cơ quan chức năng cũng cần tính đến những “chiến lược dài hơi”. Trong đó, nên xem xét giúp các công ty du lịch “giải bài toán” về khoảng chi cố định.
“Riêng ở TP.HCM, về lâu về dài mong rằng chính quyền cần xem xét tách bạch bến bãi giữa tàu thuyền hoạt động trong tuyến nội địa và các tàu quốc tế, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí. Việc quan trọng không kém là cũng cần thúc đẩy du lịch nội thành để không chỉ giúp du khách “giải cơn khát” giữa mùa dịch, mà còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp có cái trang trải”, ông Lâm nói.
Liên quan tới việc du lịch nội thành ở "Hòn ngọc Viễn Đông", Thạc sĩ Phan Thị Ngàn – Trưởng Khoa Du lịch và Việt Nam học – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, tiềm năng về du lịch của TP.HCM là rất lớn.
Bởi lẽ, hiện có đến khoảng 13 triệu người dân đang sinh sống tại “Hòn ngọc Viễn Đông” nên nhu cầu đi du lịch để vui chơi, giải trí là rất cao. Mặt khác, tại TP.HCM vẫn còn nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn mà có thể nhiều người chưa biết đến.
Lấy ví dụ về sức hấp dẫn của việc du lịch nội địa ở TP.HCM, Ths. Ngàn cho biết, hồi tháng 7 vừa qua tham gia trải nghiệm trong tour gồm: Tham quan Khu du lịch Một Thoáng Việt Nam (Củ Chi), đi xe buýt mui trần ngắm thành phố, đi du thuyền “thả mình” trong ánh hoàng hôn trên sông Sài Gòn do Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt tổ chức, đã giúp chị phát hiện được thêm nhiều điều thú vị ở gần bên mình mà lâu nay không để ý đến.
Ths. Ngàn cũng cho rằng, việc dịch bệnh hoành hành trong thời gian dài khiến nhiều người cảm thấy bí bách và cần đi đâu đó để giải tỏa “cơn khát”, nhất là vào dịp nghỉ lễ 2/9 tới đây. Tuy nhiên, hiện tại du khách không thể và không nên đi du lịch nước ngoài. Thay vào đó, đi du lịch nội thành không chỉ giúp chúng ta giảm được stress, áp lực công việc… mà còn góp phần hạn chế được việc lây nhiễm dịch bệnh.
Vấn đề đặt ra là những đơn vị tổ chức tour du lịch cần phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình đưa du khách ở TP.HCM đi tham quan trong nội thành. Cụ thể là cần thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của ngành y tế như: yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt và yêu cầu du khách rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn,... trước khi đưa du khách vào đoàn đi tham quan. Trong quá trình đi tham quan cũng phải yêu cầu và thường xuyên nhắc nhở các du khách đeo khẩu trang, rửa tay....
Song song đó, các doanh nghiệp bên cạnh việc giảm giá để kích cầu du lịch nội thành, cũng cần phải đảm bảo chất lượng phục vụ để thu hút du khách. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết với nhau một cách phi lợi nhuận để cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Bởi lẽ, lâu nay các doanh nghiệp hay hô hào đẩy mạnh liên kết nhưng thực tế vẫn “mạnh ai nấy làm, hàm ai nấy nhai”.
Việc các doanh nghiệp khi đặt mối quan hệ liên kết thường yêu cầu chia chác phần trăm lợi nhuận đi kèm, khiến rất khó để thực hiện giảm giá nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Cho nên, thay vì chỉ nói, các doanh nghiệp nên đồng cảm với nhau và nhanh chóng hành động quyết liệt cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, cũng như các hiệp hội.
“Chỉ có hành động quyết liệt, đặc biệt là nâng cao vai trò của các hiệp hội trong việc liên tục kiến nghị với các cơ quan chức năng về giải quyết các vấn đề vừa nêu thì ngành du lịch mới sớm “chuyển mình”. Đồng thời cũng cần tăng cường kết nối, liên kết các doanh nghiệp tạo thành một chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn chỉnh thì lúc đó giá tour mới giảm xuống và chất lượng dịch vụ sẽ được giữ vững” - Ths. Ngàn nhận định.
Du ngoạn "Hòn Ngọc Viễn Đông" với giá chỉ bằng... 1 ly cà phê
Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa TP.HCM, Công ty Ảnh Việt Hop On - Hop Off giảm 70% vé xe buýt mui trần, chỉ còn 149.000 đồng/ người lớn và 99.000 đồng/trẻ em.
Trong khi đó, giá vé du ngoạn sông Sài Gòn trên tàu Hòn Ngọc Viễn Đông và Đông Dương 27 (của Công ty TNHH Thuyền Buồm Đông Dương) trong 90 phút, chỉ còn 100.000 đồng/người đã bao gồm một phần nước uống và thức ăn nhẹ (giảm 50% so với giá gốc).
Thêm nữa, tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (có tổng chiều dài 4,5 km, đi qua các quận 1, quận 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận) được Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn - Saigon Boat đưa vào khai thác cũng chỉ có giá đối với thuyền lớn là 280.000 đồng tour/người, khuyến mãi so với giá bình thường là 350.000 đồng.
Chủ đề liên quan:
các doanh nghiệp du lịch đã quá thấm đòn do phải chịu nhiều thiệt hại. Vì thế việc tìm các giải pháp để gỡ khó...