Thưa bác sĩ,
Cách đây hai tuần em có bị viêm họng sốt cao, nhưng bệnh khỏi hẳn sau đó một tuần. Mấy bữa nay cơ thể em rất bình thường, khỏe mạnh nhưng mấy ngày qua cứ tối là mũi em có xuất hiện máu khô trong ở cả hai mũi.
Em mới lên Gia Lai, không khí trên này khá lạnh vào ban đêm. Em không bị nghẹt mũi hay sổ mũi gì. Mong Mangyte giúp em tìm nguyên nhân để em khỏi lo lắng. Chứ tâm trạng của em bây giờ rất lo. Rất mong sự phản hồi của bác sĩ. Em xin cám ơn!
(Hoàng Long, 24 tuổi - Gia Lai)
Trả lời:
Hoàng Long thân mến!
Chảy máu mũi là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau: chấn thương mũi, viêm mũi xoang, sốt, rối loạn đông máu, tăng huyết áp...
Nếu lần đầu tiên bạn mắc triệu chứng này và triệu chứng nhẹ như vậy, có thể là chảy máu điểm mạch mũi, nằm ở vách ngăn mũi, cách cửa mũi trước khoảng 1-1,5cm (chảy máu mũi trước).
Nguyên nhân: khi bạn tới Gia Lai, nơi đây có thời tiết khô, lạnh và không khí loãng hơn hơn miền xuôi, cơ thể chưa thích nghi, nên niêm mạc mũi phải tăng cường hoạt động sưởi ấm, làm ẩm cho không khí trước khi vào phế quản và phổi. Nhất là về ban đêm thời tiết chuyển lạnh nhiều. Do đó dễ chảy máu mũi.
Bạn hãy giữ ấm mũi họng: ở nơi thoáng nhưng tránh gió lạnh, đeo khẩu trang, tập thể dục làm ấm cơ thể, tăng cường sức đề kháng đều đặn.
Khi chảy máu mũi lượng ít chỉ cần sự can thiệp tối thiểu. Thường gặp nhất là khi bệnh nhân bị cảm lạnh hoặc viêm xoang xì mũi mạnh và nhận ra có một ít máu lẫn vào trong chất tiết. Chỉ cần tránh xì mũi mạnh, hắt xì hoặc bóp mũi lại là đủ để làm tình trạng chảy máu không bị xấu thêm.
Trong trường hợp bị chảy máu nhiều, bạn có thể tham khảo cách xử lí sau đây:
- Bình tĩnh
- Ngồi thẳng cúi đầu về phía trước. (Ngửa ra sau chỉ làm cho bạn nuốt phải máu).
- Bóp cả 2 mũi lại với nhau bằng ngón cái và ngón trỏ trong vòng 10 phút.
- Nhổ ra tất cả máu chảy xuống miệng, nếu không làm vậy có thể bạn sẽ ói ra máu.
Nếu máu đã ngưng chảy, bạn cần làm việc nhẹ nhàng và nghỉ ngơi.
Nếu chảy máu liên tục không tự cầm, bóp 2 cánh mũi và nhanh chóng tới cơ sở y tế để các y bác sĩ nhanh chóng xử lý cầm máu và khám lâm sàng, cận lâm sàng giải quyết nguyên nhân.
Chúc bạn mau chóng bình phục sức khỏe!
BS-CK1 TMH Nguyễn Hồng Dũng