Chia sẻ về vấn đề áp dụng giá điện bậc thang còn nhiều bất cập tại Việt Nam hiện nay tại buổi tọa đàm “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao” diễn ra hôm nay 14.7, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN cho biết mức sử dụng điện bình quân của người dân những năm qua không ngừng tăng lên.
Cụ thể, nếu như năm 2016 mức sử dụng điện bình quân là 105 kWh/tháng thì hiện nay đã tăng lên 189 kWh/tháng. Nguyên nhân là do thu nhập người dân tăng lên nên nhu cầu dùng nhiều thiết bị điện hơn.
Ông Dũng khẳng định việc áp dụng biểu giá điện bậc thang có mục tiêu rõ ràng là khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Nếu hướng tới việc tiết kiệm điện và giúp đỡ người nghèo thì cần phải tiếp tục áp dụng giá điện bậc thang.
"Trên thế giới, gần như các nước đều áp dụng giá điện bậc thang. Đối với các nước càng giàu thì họ lại càng tiết kiệm nên họ đều hướng tới sử dụng giá điện bậc thang", ông Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, theo quy luật hàng năm, tới tháng 7 mới là thời gian lượng điện tiêu thụ lớn nhất. Tuy nhiên, ngay từ tháng 6.2020, sản lượng điện tiêu thụ đã ở mức rất cao, tiếp tục tăng cao so với tháng 5.2020. Đặc biệt, ngày 9.6, sản lượng tiêu thụ điện đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, là 89,2 triệu kWh.
Báo cáo của EVN cho biết trong tháng 6.2020, số yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện là 63.441 khách hàng, chiếm 5% tổng số yêu cầu. Sau khi EVN kiểm tra thì kết quả cho thấy số khách hàng phản ánh đúng là 419 trường hợp, chiếm 0,66% số yêu cầu liên quan đến tiền điện và chiếm 0,033% tổng số yêu cầu đến EVN.
Liên quan đến những nghi vấn xung quanh vấn đề công tơ điện, đại diện EVN cho rằng các nguyên nhân liên quan đến ghi chỉ số công tơ gồm: sai chỉ số định kỳ, chỉ số treo/tháo, khách hàng báo số sai, tạm tính hoặc do nhân viên nhập sai chỉ số. Việc sai sót là cá biệt, nhưng các đơn vị cũng đã kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý có liên quan việc ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện.