Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Gần 200 chương trình liên kết bị “tuýt còi”: Phải công khai để tránh chạy chọt

Cảnh báo nạn L*a đ*o chương trình liên kết đào tạo quốc tế

Hiện đào tạo liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài ngày càng được mở rộng. Có nhiều mô hình tốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên cũng có tình trạng liên kết chất lượng kém.

Vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin thời gian qua Bộ cho dừng gần 200 chương trình liên kết. Đây là minh chứng cho thực trạng liên kết đào tạo thì nhiều nhưng chất lượng thì không đảm bảo.

Vấn đề đặt ra hiện nay, có nên công khai gần 200 chương trình liên kết bị dừng lại hay không. Việc công khai có tác dụng như thế nào đối với việc liêm chính trong giáo dục và tránh tình trạng dùng bằng cấp kém chất lượng rồi “chui sâu, leo cao”.

Theo nhiều chuyên gia thì việc công khai danh sách gầm 200 chương trình liên kết là rất cần thiết.

Vì như vậy mới minh bạch được các trường nào, chương trình nào bị dừng, từ đó tạo điều kiện cho xã hội giám sát. Biết trường nào thực sự vì giáo dục còn trường nào làm việc vì mục đích vụ lợi trong giáo dục hơn là vì chất lượng của nền nhân lực quốc gia.

Trước đây, khi Mỹ công bố danh sách trường đại học “ma” thì đã phát hiện được nhiều trường đại học ở Việt Nam đã liên kết đào tạo với những trường này. Nhiều người học “tiền mất, tật mang” khi theo học.

Chính vì sự nguy hại đó nên việc công khai danh sách những chương trình liên kết với các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài kém chất lượng là cần thiết.

Cũng là cách để dư luận giám sát tránh tình trạng sử dụng bằng cấp không đúng chất lượng để tiến thân.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, trong thời gian qua có tình trạng một số trường đại học trong nước liên kết với các trường ở nước ngoài để đào tạo và có những trường hợp đào tạo kém chất lượng, chỉ có cấp bằng thôi mà dạy thì không ra gì.

Do đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho dừng gần 200 chương trình liên kết đó là sáng suốt. Khi thấy những chương trình liên kết không có hiệu quả thì cho chấm dứt là đúng.

Tuy nhiên, hiện Bộ vẫn chưa có công bố danh sách gần 200 chương trình liên kết đó. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Cần phải có công khai, công bố để cho báo chí, nhân dân và các trường đại học được biết.

Tôi cho rằng, không công bố là không minh bạch và dễ dẫn đến tiêu cực. Một số trường có thể lo lót để được tiếp tục liên kết và sẽ tạo một sự mất công bằng đối với một số trường khác.

Đến thời điểm này cần có một sự công bố rõ ràng minh bạch. Còn nếu Bộ không công bố thì phải nêu được lý do tại sao không công bố.

Nếu không công bố phải giải thích được lý do. Cái này rất cần được công khai, minh bạch, tạo sự công bằng giữa các trường với nhau”.

Trước đó, trao đổi với Báo Nhà báo và Công luận, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc mở ngành liên kết đào tạo nhưng sau đó cho dừng là lỗi không chỉ của các trường đại học mà còn có lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ quan chủ quản được quyền cấp phép.

Hồ sơ liên kết đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể. Muốn được chấp thuận phải qua thẩm định nghiêm ngặt.

Trong đó, một chương trình liên kết muốn được phê duyệt phải đáp ứng các tiêu chí về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nội dung chương trình… từ phía các trường đại học trong nước và các trường đại học nước ngoài.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Tất cả những quy định trên phải được thực hiện một cách nghiêm túc chứ không phải liên kết rồi mượn cái danh các trường quốc tế sau đó muốn làm gì thì làm. Những yêu cầu trên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định rõ ràng.

Quy định là như vậy nhưng vấn đề có tiến hành thẩm định một cách nghiêm túc hay không là vấn đề.

Khi đã tiến hành thẩm định chương trình tại sao có chuyện phê chuẩn đào tạo, triển khai trên thực tế nhưng  nay lại đánh giá chương trình đó không đạt chuẩn để phải dừng đào tạo”.

Qua việc cho dừng gần 200 chương trình liên kết có thể thấy sai không chỉ ở các trường liên kết mà ngay cả các cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm trong chuyện này chứ không phải không có trách nhiệm.

Vị này còn cho rằng, khi đã dừng hàng loạt chương trình liên kết như vậy cần thiết phải công khai danh sách để tránh thiệt thòi cho người học.

Nếu không công khai thì khác gì đánh lừa người học. “Tránh trường hợp bị dừng rồi nhưng vẫn đào tạo nên phải công khai, minh bạch” – tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu ý kiến.

Bàn luận về việc các trường đào tạo chuyên về ngoại ngữ, kỹ thuật lại đua nhau đi đào tạo các chuyên ngành kinh tế, tài chính, vị này cho rằng đây là một bất cập.

Việc cho mở “tạp nham” các chương trình liên kết như vậy là lỗi của cơ quan quản lý. Các trường có cơ chế tự chủ mà cấp phép cho đại học thành viên là lỗi của các đơn vị tự chủ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội  khóa 13 - bà Bùi Thị An cho rằng, khi đã cho dừng gần 200 chương trình liên kết thì nên công khai danh sách.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành ra soát chất lượng để đưa ra quyết định ở góc độ nào đó cũng đáng hoan nghênh. Mạnh mẽ “tuýt còi” thì cũng nên mạnh dạn công bố danh sách.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai danh sách các chương trình liên kết là để phụ huynh và học sinh biết để tránh.

Trinh Phúc

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/gan-200-chuong-trinh-lien-ket-bi-tuyt-coi-phai-cong-khai-de-tranh-chay-chot-post87929.html)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY