Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Gánh nặng tâm lý từ việc thi trượt lớp 10: cha mẹ phải là điểm tựa cho con lúc này

Kết quả kỳ thi tuyển sinh 10 đã được công bố, chắc hẳn bên cạnh những nụ cười vui sướng khi đạt được nguyện vọng, ở đâu đó, sẽ có sự áp lực hoặc những giọt nước mắt tiếc nuối của các bạn vì đã trượt kỳ thi.

Không chỉ dừng lại ở tiếc nuối, chắc hẳn tâm trạng của các thí sinh khi nhận kết quả không như mong muốn lúc này sẽ còn là mặc cảm, tội lỗi, hoặc xấu hổ. Ngoài ra, có rất nhiều bạn cảm thấy lo lắng vì không biết nên đối diện với sự thất vọng của phụ huynh như thế nào. 

Một thí sinh bộc bạch, sau khi biết được kết quả không như kỳ vọng thì cha mẹ bạn rất tức giận, không ngần ngại mắng bạn là “đồ vô dụng” - “điều này khiến em cảm thấy rất buồn, xấu hổ và vô cùng áp lực” là những gì mà bạn chia sẻ.

Có không ít bậc cha mẹ khi biết con thi trượt tuyển sinh mà đã không tiếc lời mắng nhiếc, chửi rủa con. Điều này vô cùng nguy hại, có thể tạo thành gánh nặng hay thậm chí là tổn thương tâm lý cho các bạn trước “cú ngã đầu đời”, và dễ xảy ra nhiều hậu quả khó lường trước (Ảnh: Internet)

Cha mẹ chính là điểm tựa lớn nhất của con cái ngay lúc này

Hơn cả sự thất vọng của cha mẹ, ngay lúc này, người đau buồn nhất sẽ chính là các thí sinh. Các bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như buồn vì mình đã làm không tốt, xấu hổ vì thua kém bạn bè, tội lỗi vì phụ đi sự mong đợi của gia đình,... Vì thế, thay vì tạo thêm áp lực cho các bạn, phụ huynh hãy trở thành điểm tựa của con, xoa dịu con và cùng con bước qua khoảng thời gian khó khăn này.

Dẫu biết rằng cha mẹ luôn mong mỏi điều tốt đẹp nhất cho con, vì vậy những kỳ vọng của cha mẹ là chính đáng. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tùng Lâm - chuyên gia Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng: giữa kỳ vọng và năng lực thực sự của các bạn là hai khái niện hoàn toàn khác nhau, do vậy, cha mẹ không nên đặt ra những mục tiêu quá tầm với cho các bạn. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn khi biết con mình thi trượt, cha mẹ vẫn nên “kìm nén” những kỳ vọng này lại.

Bên cạnh đó, ngừng so sánh với “con nhà người ta” nhằm tránh gây áp lực tâm lý, khiến con tủi hổ hoặc phẫn uất mà dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc. Sẽ có em phản kháng lại cha mẹ, đòi bỏ nhà ra đi. Nhưng cũng sẽ có em giấu nỗi buồn vào trong lòng, lâu dần dẫn tới trầm cảm, u uất, có hành động dại dột như tự kết liễu đời mình.

Thời gian vừa qua, xã hội đã tiếp nhận quá nhiều thông tin đau lòng, nguyên nhân phần lớn là vì các con không chịu nổi áp lực từ sự kỳ vọng hoặc so sánh của cha mẹ. Thực chất, các con vẫn chỉ đang từng bước hoàn thiện mình, mỗi một kỳ vọng lớn lao của cha mẹ lại sẽ khiến con đường con đi thêm nặng nề. Sau cùng là xảy ra những hậu quả đau thương. Đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn bộ các bậc cha mẹ rằng tâm lý của con trẻ cũng là điều mà chúng ta cần quan tâm.

Cha mẹ cần hiểu, tài sản lớn nhất của mình vẫn là con cái, phải chấp nhận con cái trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nhất là trong hoàn cảnh gặp vấp ngã, thất bại thì hơn lúc nào hết, các con lại càng cần tới điểm tựa là bố mẹ, gia đình (Ảnh: Internet)

Điều mà các bậc phụ huynh nên làm ngay lúc này chính là an ủi, chia sẻ và cùng định hướng con về kế hoạch tiếp theo, hoặc cùng con lựa chọn ngôi trường phù hợp nhất. Nếu con không đỗ nguyện vọng 1 thì sẽ có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Nếu không đỗ trường công thì có thể học trường tư. Điều đó cho thấy, dù thế nào thì vẫn còn rất nhiều “cảnh cổng” khác đang đón chờ các bạn. Phụ huynh hãy lựa chọn những gì phù hợp nhất với sức khỏe và khả năng của con mình, động viên con tiếp tục học. Hành động này sẽ như tiếp cho các bạn một ý chí, nghị lực để làm tốt hơn lần sau.

Nhìn chung, việc thi trượt kỳ thi tuyển sinh 10 lần này là kết quả không ai mong muốn, đặc biệt là các bạn thí sinh. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá đặt nặng vấn đề đỗ hay trượt mà tạo ra áp lực nặng nề cho các bạn. Hãy ở bên cạnh để an ủi con nhiều nhất có thể vì lúc này, chỉ có cha mẹ mới là điểm tựa cho các con, giúp các bạn có động lực để tiếp tục tiến bước.

Xem thêm: Lý do bạn không nên để điện thoại trong phòng ngủ

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/ganh-nang-tam-ly-tu-viec-thi-truot-lop-10-cha-me-phai-la-diem-tua-cho-con-luc-nay-35310/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY