Chúng tôi đến Huổi Tụ vào ngày đầu xuân, vùng biên viễn này cao hơn 1.400m so với mực nước biển nên suốt ngày mây trắng giăng đầy. Chính vì vậy mà cánh rừng pơmu xanh tốt, vút thẳng lên trời xanh, mây trắng vây quanh tự như chúng được trồng trên mây. Anh Dềnh Bá Lồng, Chủ tịch UBND xã Huổi Tụ nói: "Rừng của Vừ Vả Chống đó. Anh ấy là một huyền thoại pơmu...".
Anh Vừ Vả Chống xởi lởi đón chúng tôi ngay cửa rừng. Đó là một người đàn ông da ngăm đen, trông khỏe mạnh và rắn chắc như cây pơmu. Ngồi bên ấm chè quyện khói, anh Chống kể cho chúng tôi nghe về chặng đường phục hồi rừng và làm kinh tế trang trại .
Xuất ngũ trở về địa phương, cùng thời điểm huyện Kỳ Sơn vận động người dân nhận đất sản xuất, trồng rừng, xóa bỏ cây Thu*c phi*n, anh Chống đăng kí nhận hơn 10ha đất đồi trọc. Anh tâm sự: "Năm 2000, tôi nhận đất rồi nhưng chưa biết trồng cây gì. Đang do dự thì trong đầu tôi hiện lên những cánh rừng pơmu thuở bé. Ngày xưa nơi đây pơ mu bạt ngàn nhưng ngày càng bị đốn trụi, rừng càng ngày bị cạo trọc. Tiếc lắm! Vậy là tôi nảy ra ý tưởng sẽ gây dựng lại rừng pơmu quý hiếm".
Nghĩ là làm, một mình với chiếc gùi trên lưng, anh Chống đi khắp các cánh rừng để tìm cây giống về trồng. Thế nhưng không hề đơn giản, nhiều khu rừng vẫn có cây pơmu nhưng cây con thì rất hiếm. Ai cũng bảo anh khùng, bởi tìm khi nào cho ra cây giống mà trồng, vả lại trồng loại gỗ này biết bao giờ cho thu hoạch... Mặc kệ tất cả những lời bàn tán, anh Chống âm thầm bán 3 con bò để thực hiện giấc mơ của mình. Hơn 3 năm trời kiên trì lặn lội khắp chốn rừng sâu núi cao, anh Chống cũng đưa được hơn 4.000 cây con giống pơmu về trồng. Tuy nhiên, sau một năm trồng chỉ non nửa số cây sống sót. Anh Chống rất buồn nhưng không hề nản chỉ, anh cứ nghĩ cây pơmu có hàng triệu quả, tại sao dưới gốc chỉ có một vài cây con, hoặc không có? Anh Chống mày mò tìm tài liệu khuyến nông nói về cách ươm hạt, nhưng không tìm ra tài liệu nào nói về cách ươm hạt pơmu. Có lẽ các hạt khác cũng vậy thôi. Nghĩ thế, anh Chống bèn đưa hạt pơmu thí nghiệm hết cách này sang cách khác trong nước nóng, lạnh ở các cấp độ rồi sau đó đem ủ... Khi thấy những hạt đầu tiên nảy mầm, anh nhảy cẫng reo lên vui sướng như một đứa trẻ. Sự kiên nhẫn miệt mài ấy dẫn đến ngày anh nắm chắc công thức làm cho hạt giống pơmu nảy mầm trên đất.
Với đà ươm hạt hiệu quả cho việc trồng rừng, đến nay anh đã có hơn 8.000 gốc cây pơ mu có độ tuổi từ 10-15 năm, đường kính gốc từ 30- 40cm. Điều đặc biệt nữa là gần 3ha cây chè tuyết shan anh Chống trồng dưới những tán pơmu rất tốt do nó làm cho đất tơi xốp, đủ độ ẩm, tránh bị rửa trôi. Thấy được hiệu quả của việc trồng cây pơmu trong vườn chè, nhiều bà con trong và ngoài xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và anh đã nhân giống bán với 15.000 đồng/cây, đây là một nguồn thu nhập không nhỏ của gia đình anh.
Không chỉ trồng pơmu giỏi mà anh Vừ Vả Chống còn là điển hình về chăn nuôi giỏi. Dưới rừng pơmu và tán chè tuyết shan xanh tốt là hơn chục con bò chọi và hàng trăm con gà đen và lợn rừng… mỗi năm cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng; tạo việc làm cho 4- 5 lao động địa phương.
Nhấp ngụm chè tuyết shan đặc sánh, anh Chống phấn khởi khoe: Chính 10ha đất này mà anh đã nuôi được các con ăn học tử tế. Người con đầu đã xong đại học, hiện là giáo viên, người con thứ đang học đại học, 2 người con sau hiện đang học trung học. Anh Chống chia sẻ gia sản lớn nhất của đời anh là những đứa con. Quả thực, các con anh không chỉ là gia sản lớn nhất mà đó còn là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc người Mông nơi đây. Ở vùng đất này học lên đại học như các con của anh quả là kì tích, là "phát đại bác" mà anh đã mở đầu cho sự khuyến học ở miền biên viễn 4 mùa mây giăng này.
Anh Chống cho biết 10ha cây pơmu anh đang sở hữu đã có nhiều người đã đến hỏi mua với giá hàng chục tỷ đồng nhưng anh quyết không bán cây nào. Anh Chống tâm sự: "Mấy năm trong quân ngũ, tôi đã học được rất nhiều điều, nhất là phải bảo vệ rừng. Khi thấy rừng đã bị phá hết, tôi tiếc lắm, nên tôi có tâm nguyện phải phục hồi lại rừng. Không những thế, tôi còn có khát vọng trồng lại tất cả những cánh rừng đã bị tàn phá trước đây trên địa bàn xã. Cần phải trả lại cho rừng những gì vốn có. Nếu cứ tàn phá rừng thì sẽ hủy hoại môi trường và làm mất cân bằng sinh thái, tác hại thật khó lường.".
Từ lâu, anh Chống đã là một tuyên truyền viên tích cực giúp chính quyền trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Lời anh nói bà con dân bản đều nghe và làm theo. Người mong muốn trồng lại rừng tìm đến anh ngày càng đông. Anh Chống trở thành người chuyên cung cấp hạt và cây giống pơmu cho không chỉ dân Kì Sơn mà còn từ các huyện, tỉnh lân cận. Nhiều cách rừng Pơ mu ở các địa phương đã mọc lên tươi tốt. Riêng Huổi Tụ đã có trên 50 ha pơmu đang kì phát triển. Đây là điều đáng mừng vì nhiều cánh rừng gỗ quý đã hồi sinh theo ý tưởng và việc làm của người cựu chiến binh này.
Hỏi về những dự định trong tương lai, anh Chống cho biết, vùng rừng hơn 10ha của anh hội tụ nhiều yếu tố về sơn thủy nên dự định sẽ tạo khu du lịch sinh thái. Anh Chống tâm sự: "Tôi tạo khu sinh thái này không nhằm bán vé kiếm tiền, tôi muốn dùng nó để thay đổi nhận thức của dân bản về rừng. Đơn giản là trồng, bảo vệ và giữ rừng cho tương lai con em chúng ta và cho tất cả cộng đồng".
Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ Dềnh Bá Lồng cho biết: “Cựu chiến binh Vừ Vả Chống là điển hình về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế trang trại có sức lan tỏa lớn. Hiện nay, xã chúng tôi có hơn 100 hộ học tập mô hình của anh Chống và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Vừa qua, anh Chống là một trong những điển hình của Kì Sơn vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua cựu chiến binh gương mẫu toàn tỉnh Nghệ An”.