Kinh tế xã hội hôm nay

Xử lý các vấn đề nóng, Chính phủ đã cân nhắc tác động an sinh xã hội

Các vấn đề kinh tế - xã hội đang được dư luận và các cơ quan báo chí quan tâm trong những ngày qua về tăng giá điện, giá xăng; xử lý phương tiện mà đối tượng đang điều khiển sử dụng rượu bia;
Các vấn đề kinh tế - xã hội đang được dư luận và các cơ quan báo chí quan tâm trong những ngày qua về tăng giá điện, giá xăng; xử lý phương tiện mà đối tượng đang điều khiển sử dụng rượu bia; vấn đề đảm bảo an toàn lao động... Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ - Người phát ngôn của chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có văn bản trả lời cụ thể. Chúng tôi trích đăng một số nội dung.

Phóng viên (PV): Việc điều chỉnh đồng thời giá điện và giá xăng dầu cùng một lúc được nhận định là chưa hợp lý vì tạo sức ép gia tăng lạm phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Xin cho biết chính phủ có ý kiến gì về việc điều chỉnh này?

Ông Nguyễn Văn Nên: Điện và xăng dầu là hai mặt hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế; cơ chế quản lý, điều chỉnh giá phải tuân thủ quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo quy định của pháp luật. Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu đã cơ bản theo cơ chế thị trường; giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh trên cơ sở biến động giá xăng dầu thế giới, kết hợp với các công cụ điều tiết thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu cùng trong tháng 3/2015 vừa qua đã được các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc thận trọng, ngoài biến động các yếu tố chi phí đầu vào (có tăng, có giảm) còn đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đến kinh tế, xã hội, trên cơ sở đó lựa chọn phương án có tác động bất lợi thấp nhất và hỗ trợ người tiêu dùng điện ở mức phù hợp. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 ở mức thấp, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu này không ảnh hưởng nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô.

PV: Về đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ôtô, xe máy, xe điện sử dụng rượu bia của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ Công an, Tư pháp nghiên cứu đề xuất này, báo cáo Thủ tướng trước 31/3. Xin ông cho biết, Thủ tướng đã nhận được báo cáo chưa và chỉ đạo như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Nên: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng chính phủ: Đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là có cơ sở pháp lý, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp 2013 và được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, vận động tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và người dân. Vì vậy, tại thời điểm hiện nay, các bộ đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, chính phủ đã thảo luận và thống nhất chưa thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm này; giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 171/2013/NĐ-CP, Nghị định 107/2014/NĐ-CP, trên cơ sở đó, xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định này cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, trình chính phủ trong năm 2015.

PV: Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ T*i n*n lao động, điển hình như vụ ở Dự án Đường sắt trên cao (Hà Nội), Dự án Formosa Hà Tĩnh... Xin ông cho biết, phải chăng công tác quản lý, giám sát thi công của Việt Nam có vấn đề dù đã được cảnh báo từ lâu hay do các chủ đầu tư nhận thầu với giá thấp nên công tác thi công, an toàn không được bảo đảm?

Ông Nguyễn Văn Nên: Hệ thống văn bản pháp luật về an toàn lao động đã được ban hành khá đầy đủ. Theo chức năng nhiệm vụ, ngành lao động - thương binh và xã hội cùng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn thường xuyên kiểm tra an toàn lao động trên công trường. Chẳng hạn, tại Dự án Formosa Hà Tĩnh, trong năm 2014 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và Sở Xây dựng Hà Tĩnh đã nhiều lần kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động tại đây và đã xử phạt trên 1 tỷ đồng.

Theo pháp luật, trong mọi trường hợp, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn lao động, không phụ thuộc vào giá bỏ thầu.

Ngay sau khi xảy ra các sự cố, T*i n*n lao động ở Dự án đường sắt trên cao, sập đường hầm Thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng, Dự án Formosa Hà Tĩnh, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan tập trung khắc phục sự cố; kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân cụ thể để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường quản lý về chất lượng, hạn chế các sự cố, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng trình chính phủ xem xét ban hành Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, trong đó quy định cụ thể, chi tiết việc quản lý chất lượng công trình. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, chất lượng công trình.

Ngọc Thành (lược ghi)

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-xu-ly-cac-van-de-nong-chinh-phu-da-can-nhac-tac-dong-an-sinh-xa-hoi-8233.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY