Kinh tế xã hội hôm nay

Gia cảnh nghèo khó của anh ve chai trả lại 230 triệu đồng

Sáng 28/4, UBND xã Đức Nhận, huyện Mộ Đức tổ chức buổi nêu gương anh Duy, người mua ve chai trả lại 180 triệu đồng và 13 chỉ vàng trong chiếc tủ sắt phế liệu hai hôm trước.

Trước sự chứng kiến của nhiều người dân, ông Huỳnh Văn Ảnh, Chủ tịch UBND xã nói: "Việc làm của anh Duy đã thể hiện đạo lý đói cho sạch rách cho thơm, chính quyền và người dân xã Đức Nhuận đều cảm thấy cảm phục".

Nghe tin về hành động của anh Duy, nhiều người quê Quảng Ngãi đang sống ở TP HCM và các tỉnh cũng quan tâm, gửi quà về để hỗ trợ Duy. Cầm bó hoa và bằng khen, Duy bối rối dắt chiếc xe đạp cũ về lại nhà. Căn nhà nhỏ bên cánh đồng cũng chính là nơi "tập kết" phế liệu, công việc anh đã làm hai năm qua.

Duy là con duy nhất của vợ chồng bà Lê Thị Huệ, 73 tuổi. Năm 13 tuổi, Duy đang khỏe mạnh thì bỗng nhiên ốm, sốt, bà Huệ lo lắng mang con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng TP HCM rồi phát hiện con bị bệnh hở van động mạch chủ. Các bác sĩ khuyên bà chuyển con sang điều trị và phẫu thuật.

Sau nhiều năm thăm khám và điều trị, đến năm 2007, khi Duy 19 tuổi, việc phẫu thuật mới được tiến hành. Khi đó, vợ chồng bà Huệ chỉ mưu sinh bằng mấy sào lúa, tài sản lớn nhất là mảnh vườn hơn 100 m2 và căn nhà cấp 4 nhỏ.

Thổ lộ hoàn cảnh với họ hàng và chòm xóm, bà Huệ được mọi người cho vay mượn, nhưng phải bán thêm căn nhà với số tiền 25 triệu đồng mới đủ cho ca mổ.

Chữa bệnh thành công, sức khỏe của Duy khá lên, nhưng gia đình lại lâm cảnh không nhà, không tài sản. Họ chuyển hẳn sang nhà cậu của Duy (chủ nhà đã chuyển vào TP HCM) để ở nhờ.

Gia đình Duy khi đó thuộc diện hộ nghèo, nên được UBND xã bán ưu đãi cho một lô đất hơn 120 m2 để xây nhà, rồi cho vay vốn để mua bò. Dành dụm ba năm và thêm tiền hỗ trợ của hàng xóm, chính quyền xã, vợ chồng bà Huệ mới xây được nhà mới.

Khi cuộc sống dần ổn định, Duy nghĩ đến chuyện có vợ, sinh con như bao người khác. Nhưng vẫn băn khoăn vì tình trạng sức khỏe của mình, anh chỉ được cởi bỏ mối lo sau khi bác sĩ nói: "Cưới vợ được".

Tám năm trước, Duy cưới cô gái nhỏ hơn 4 tuổi, ở cùng xã, cũng có hoàn cảnh khó khăn như anh. Hai người sinh được hai con trai, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ 6 tháng tuổi. "Đứa lớn bị tăng động, chậm phát triển và suy dinh dưỡng, tôi đang lo không biết làm sao chữa bệnh cho cháu", anh tâm sự.

Mẹ cha mỗi ngày một già yếu, Duy phải tìm cách cáng đáng gia đình nhỏ của mình. Ngoài làm nông, anh còn xin việc thời vụ để kiếm thêm tiền. Anh từng xin làm bảo vệ cho công ty, nhưng rồi sức khỏe không đảm bảo bèn nghĩ cách đi thu mua ve chai để chủ động thời gian và có thể nghỉ ngơi khi chóng mặt, đau đầu.

Anh Duy gom ve chai ở khoảnh sân nhỏ trước nhà. Ảnh: Phạm Linh.

Trên chiếc xe đạp, Duy đi khắp vùng quê huyện Mộ Đức để thu mua phế liệu. Có người biết hoàn cảnh của anh đã thông cảm và ưu tiên bán rẻ đồ dùng cũ trong nhà, nhưng cũng có người không biết nên trêu chọc: Thanh niên mà đi mua ve chai kỳ quá.

Duy về nhà tâm sự với mẹ, rồi gạt tự ái cá nhân qua một bên, để tiếp tục đi mua ve chai, nuôi sống gia đình. Thấy nhiều gia đình có đầu đĩa, tủ lạnh, tivi cũ, anh nảy ra sáng kiến dùng loa để phát đoạn rao được ghi âm sẵn để thu gom bán lại cho các tiệm sửa điện lạnh, điện tử.

"Chỉ có đầu đĩa là không bán được vì giờ họ nghe nhạc trên mạng, nghe bằng USB hết rồi", Duy chỉ vào mớ đồ cũ không bán được, giờ trở thành đồ sưu tầm.

Mỗi ngày mua phế liệu, Duy bán cho chủ vựa, kiếm được 70-80 nghìn đồng, nhưng cũng ngày gần như về tay không. Dù vậy, Duy không tham lam khi phát hiện tài sản trong các món đồ ve chai. Anh từng nhiều lần trả lại các tài sản nhỏ do các gia đình bỏ quên trong đồ cũ.

Những ngày thực hiện cách ly xã hội, công việc thu mua ve chai của anh bị "đứt" nên phải ăn nhờ cơm mẹ, canh rau quanh vườn, chỉ tốn tiền mua thêm thịt cá. Gần mười ngày qua, khi Quảng Ngãi được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, anh vui mừng khởi động lại công việc của mình.

Anh Duy bên vợ và hai con trai. Ảnh: Phạm Linh.

Chiều 26/4, khi thấy chiếc tủ sắt cũ trước ngôi nhà đang sửa bên quốc lộ, anh đã hỏi mua từ người đàn ông với giá 20.000 đồng. "Lúc mang đi bán, chủ vựa bảo tôi đập tủ ra, đây là tình cờ vì những lần trước họ không bảo đập", anh Duy kể.

Khi phát hiện 180 triệu đồng và 13 chỉ vàng, anh rất lo sợ, vì chưa bao giờ thấy số tiền lớn như vậy. Nghĩ người bán tủ không phải là chủ nhân số tài sản, anh về báo với mẹ, sau đó mang tiền, vàng đến nhà Trưởng Công an xã nhờ tìm người bị mất trả lại.

Anh tâm sự, tuy gia cảnh khó khăn nhưng không thể lấy tiền của người khác để giải quyết việc của mình. "Tôi nghĩ nếu mình ở địa vị người mất số tiền sẽ rất khổ sở", anh trải lòng.

"Tôi rất cảm ơn anh Duy vì đã trả lại số tiền và vàng đã mất, đây là tài sản tôi dành dụm hơn 10 năm qua để sửa nhà nhưng chồng tôi không biết tôi cất trong tủ nên đem đi bán đồng nát", chị Đinh Thị Nữ, chủ tài sản được trả lại nói.

Theo VnExpress

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/gia-canh-ngheo-kho-cua-anh-ve-chai-tra-lai-230-trieu-dong-20200428204439838.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY