Trong cuốn sách Trẻ em là thiên tài, GS Makoto Shichida bàn về khả năng trực giác của trẻ. Trực giác bao gồm 5 khả năng: thần giao cách cảm, nhìn xuyên thấu, chạm cảm nhận, di chuyển đồ vật bằng ý nghĩ và khả năng linh cảm.
Khả năng trực giác, vốn được gọi nôm na là “giác quan thứ sáu”. Mơ hồ nhưng nhiều người đã từng được trải nghiệm. Bỗng dưng thấy bồn chồn lo lắng không rõ nguyên nhân. Khi giao tiếp, có thể cảm nhận được người khác có chân thành hay không, buồn hay vui. Hoặc có linh cảm một điều không hay sắp ập đến.
Trong cuốn sách Trẻ em là thiên tài, GS Makoto Shichida cho rằng giác quan thứ sáu này “Bộc lộ rõ nhất từ giai đoạn trẻ còn là thai nhi, sẽ ngày càng giảm dần theo độ tuổi. Nếu cha mẹ nuôi dưỡng thì sẽ giúp trẻ duy trì khả năng trực giác này suốt cuộc đời”.
Phát triển khả năng trực giác không khó nếu thực hành theo phương pháp giáo dục Shichida. Cuốn sách Trẻ em là thiên tài hướng dẫn cha mẹ “dành 3-5 phút/ngày rèn luyện cho con”. Các trò chơi giáo dục cũng hết sức đơn giản. Ví dụ như bỏ 5 quả bóng vào hộp, cho trẻ đoán xem bóng trong hộp có màu gì. Hoặc là úp những thẻ hình xuống, cho trẻ đoán xem thẻ in hình gì.
Còn nhiều hoạt động khác theo phương pháp giáo dục Shichida giúp bồi dưỡng khả năng trực giác cho trẻ. Các hoạt động đều cần bám theo các nguyên tắc mới phát huy hiệu quả. Nguyên tắc như cách chơi, số lượng, thời lượng, tốc độ… đều được đề cập cụ thể trong cuốn sách.
Nếu phát triển khả năng trực giác còn mơ hồ với nhiều người, thì phát triển khả năng ghi nhớ, khả năng ngôn ngữ, thẩm âm, khả năng tính toán tốc độ cao… lại khá thiết thực và gần gũi với nhiều bậc cha mẹ. Tác giả hướng dẫn trò chơi cho trẻ để cha mẹ vừa chơi vừa phát triển não bộ cho con.
Gìn giữ khả năng thiên tài không hề quá sức đối với các bậc cha mẹ. GS Makoto Shichida khuyến khích “chỉ cần 30 phút mỗi ngày”. Mức thời gian này là có thể thu xếp ổn thỏa ngay cả với những người bận rộn nhất.
Có hai điểm quan trọng được lưu ý trong cuốn sách Trẻ em là thiên tài. Thứ nhất là thời gian chất lượng. Dù chỉ 30 phút nhưng sử dụng hiệu quả thì sẽ đạt được kết quả tốt. Thậm chí tốt hơn là một người mẹ mệt mỏi do suốt ngày quanh quẩn bên con. Thứ hai là sự kiên trì. Cha mẹ cần duy trì hàng ngày tới khi con vào cấp một.
Ngoài ra, trong phương pháp giáo dục Shichida, nghi thức 10 phút trước khi học là rất cần thiết. Nó bao gồm: Thiền tập – Hít thở sâu – Gợi ý tích cực – Tự tưởng tượng hình ảnh thành công. Cuốn sách không hướng dẫn chi tiết nghi thức này. Một số người cùng con theo học ở Viện Shichida từng trải qua nghi thức này mỗi buổi học. Họ cho biết nó có hiệu quả trong việc giúp trẻ tập trung vào bài học sau đó.
Thiên tài, thần đồng, khả năng siêu việt, khả năng trực giác… có phải là điều hão huyền hay không? Ngay tại Việt Nam, nhiều trẻ em bộc lộ khả năng đặc biệt trong giai đoạn 0-6 tuổi. Nhiều câu chuyện “thần đồng” được xác thực hiện tượng, dù không rõ nguyên nhân. Cậu bé “thần đồng” Phạm Tuấn Minh 4 tuổi, được báo chí tìm gặp và “thử thách”. Chỉ cần hỏi một ngày bất kỳ trong năm, Minh sẽ cho biết chính xác ngày đó là thứ mấy. Cậu có thể quy đổi sang ngày âm chỉ trong vài giây. Gần đây, báo chí cũng đưa tin cậu bé vẫn giữ phong độ của mình trong học tập. Thật là điều đáng mừng.
Trong cuốn Trẻ em là thiên tài, GS Makoto Shichida dẫn lại câu chuyện kỳ diệu về những trẻ em Nhật Bản, minh họa cho quan điểm giáo dục của mình. Cuốn sách không đưa ra công trình nghiên cứu khoa học nào để chứng minh. Chẳng phải thế giới vẫn đang tồn tại vô số điều lạ lùng mà nhân loại chưa lý giải được? Những người có khả năng kỳ lạ, những sự việc hiện tượng mà khoa học chưa thể làm rõ được. Cuốn sách dành cho những người có lòng tin. Tin vào những điều kỳ diệu mà vũ trụ đã sắp đặt.
Đồ gì trên khay: Đặt 3 món đồ trên khay, phủ khăn lại. Mở khăn ra vài giây cho trẻ nhìn rồi lại phủ khăn. Hỏi trẻ đồ gì trên khay. Từ từ tăng số đồ trên khay.
Cặp bài trùng: Đưa trẻ nhìn 3 tấm hình thẻ rồi úp thẻ xuống. Đưa tiếp 3 thẻ tương tự, yêu cầu trẻ đặt bài trùng lên trên. Tăng dần số thẻ. Trẻ có thể nhớ 10-28 cặp bài.
Xếp khối gỗ: Chồng các khối gỗ có kích thước và màu khác nhau lên thành hai tầng, mỗi tầng ba khối. Cho trẻ nhìn trong vài giây rồi làm đổ đi. Để trẻ tái lập khối gỗ xem có giống mẫu hay không.