Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại tại xã Bàu Cạn, H.Long Thành (Khu xử lý (KXL) chất thải ở xã Bàu Cạn) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long làm chủ đầu tư đã ngưng tiếp nhận và xử lý rác sinh hoạt từ tháng 1-2020.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát Khu xử lý chất thải xã Bàu Cạn năm 2019. Ảnh: L.An |
Nguyên nhân là do KXL này chưa đảm bảo điều kiện về môi trường và giảm tỷ lệ chôn lấp rác theo yêu cầu của tỉnh. Hiện tại KXL này đang tồn tại nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Dự án KXL chất thải ở xã Bàu Cạn là dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ. Dự án được cấp phép đầu tư tháng 4-2012, quy mô diện tích hơn 94ha, vốn đầu tư gần 295 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Sau điều chỉnh, dự án còn quy mô hơn 31ha, vốn đầu tư hơn 393 tỷ đồng và công suất xử lý 700 tấn chất thải/ngày.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, tại thời điểm kiểm tra tháng 6-2020, KXL chất thải ở xã Bàu Cạn chưa chấp hành nộp phạt theo quy định, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được nghiệm thu, chưa có biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho công nhân. DN đã ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt theo chỉ đạo của tỉnh. |
Theo cam kết của chủ đầu tư, toàn bộ chất thải (sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại) đưa về KXL sẽ chuyển hóa thành nhiệt, điện, nguyên liệu, phân bón nhờ công nghệ xử lý hiện đại và tiên tiến. Tuy nhiên, thực tế, quá trình hoạt động DN này chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về môi trường và yêu cầu của tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, năm 2015, dự án hoàn thành giai đoạn 1 đúng tiến độ và được Tổng cục Môi trường cấp phép tiếp nhận rác sinh hoạt, rác công nghiệp thông thường, rác tồn lưu và rác nguy hại về xử lý. Quá trình hoạt động từ năm 2015 đến nay, KXL để xảy ra nhiều tồn tại. Chẳng hạn như DN xây dựng thêm một số hạng mục, công trình nằm ngoài quy hoạch chi tiết được duyệt; về môi trường, DN có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có thực hiện quan trắc nhưng còn để rác ở ngoài trời, không có che chắn, không phun hóa chất khử mùi gây mùi hôi và nước rỉ rác thải tràn ra ngoài phạm vi KXL. Ngoài ra, DN chưa có biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất; chưa thực hiện nghĩa vụ khắc khục môi trường, trồng rừng thay thế.
Bộ TN-MT đã ban hành quyết định về xử phạt vi phạm hành chính và kinh phí giám định mẫu chất thải tổng cộng gần 600 triệu đồng nhưng đến tháng 6-2020 DN chưa thực hiện nghĩa vụ.
Đại diện Sở TN-MT cho biết thêm, đến cuối năm 2019, KXL chất thải ở xã Bàu Cạn thực hiện thu gom, xử lý, tái chế trung bình 286 tấn chất thải công nghiệp thông thường/ngày; thu gom xử lý gần 5 tấn chất thải nguy hại/ngày; thu gom khoảng 200 tấn rác sinh hoạt/ngày (ở 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch). Rác thải công nghiệp và sinh hoạt cơ bản được phân loại xử lý, tuy nhiên, 100% rác thải sinh hoạt thu gom về chôn lấp, không đúng với cam kết của DN và không đảm bảo yêu cầu của tỉnh là giảm chôn lấp xuống dưới 15%. Trên cơ sở đó, tỉnh yêu cầu và DN đã ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt từ tháng 1-2020. Các loại chất thải khác DN vẫn tiếp nhận bình thường nhưng chủ yếu tiếp nhận rác ngoài tỉnh về xử lý. Điều này bất hợp lý vì KXL rác nằm trên địa bàn tỉnh lại không tiếp nhận và xử lý rác của tỉnh.
Trên thực tế, việc quy hoạch một KXL chất thải trên địa bàn mỗi huyện là cần thiết để xử lý triệt để nguồn chất thải tại chỗ, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường thứ phát trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, hiện tại KXL chất thải ở xã Bàu Cạn đã ngưng hoàn toàn tiếp nhận rác sinh hoạt ở 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch, gây khó khăn cho một số địa phương.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho rằng, việc ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt tại KXL ở xã Bàu Cạn khiến rác thải sinh hoạt của huyện phải chuyển đến Nhà máy xử lý rác thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Quãng đường vận chuyển xa hơn, chi phí xử lý rác cao hơn và địa phương khó kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải sau khi về nhà máy.
Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Trương Công Niễm, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn (H.Long Thành) cho rằng, người dân ở ý kiến là trên địa bàn xã có 2 khu xử lý rác quy mô, hằng ngày có hàng trăm tấn rác thải các loại được vận chuyển về đây xử lý nhưng rác sinh hoạt của bà con lại phải đưa đi xử lý ở nơi khác; KXL rác thải ở xã Bàu Cạn từ khi ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt đã bớt mùi hôi, nhưng vẫn còn rác thải rơi vãi ra đường trong quá trình vận chuyển.
“Xã Bàu Cạn hiện tại có gần 20 ngàn dân, nhưng trong 5-10 năm tới, có thể tăng lên 50 ngàn dân. Nhiều khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư trung và cao cấp hình thành ven sân bay Long Thành mà để 2 bãi rác như vậy có hợp lý? Đó là chưa kể nguy cơ ô nhiễm môi trường, T*i n*n giao thông xảy ra trong quá trình vận chuyển rác” - ông Niễm đặt vấn đề.
Tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, phải rà soát, đánh giá lại tổng thể quy hoạch, tiến độ xây dựng; công nghệ xử lý; nhu cầu sử dụng đất; việc tuân thủ các điều kiện về môi trường của KXL. Cần thiết phải kiến nghị điều chỉnh quy hoạch KXL cho phù hợp với thực tế phát triển vùng phụ cận sân bay và mục tiêu giảm chôn lấp rác thải tại các KXL chất thải tập trung của tỉnh. “Các sở, ban, ngành, địa phương phải làm việc nghiêm túc, đề xuất phương án phù hợp để vừa tạo điều kiện cho DN hoạt động vừa đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Chủ đề liên quan: