Kinh tế xã hội hôm nay

Góc nhìn về công tác dân vận ở Campuchia trong thời kỳ số hóa

(MangYTe) Công tác dân vận là một công tác cơ bản của Đảng, nhân tố quan trọng góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trước yêu cầu đổi mới, nhiệm vụ chính trị, công tác dân vận cần tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động, xứng đáng là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, phát huy sức mạnh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Dân vận là thước đo của một xã hội phát triển, một nhà nước pháp quyền, một nền dân chủ và một hệ thống chính trị đổi mới. Dân vận góp phần quan trọng trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy dân chủ, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; giữa nhân dân với Đảng, chính quyền.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Do vậy, nên dùng cụm từ “Dân vận” thay cho các khái niệm về vận động quần chúng hay công tác quần chúng vẫn dùng từ trước tới nay. Bởi cách dùng như vậy mới thấy hết công tác dân vận của Đảng phải tiến hành rộng lớn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn với tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; với quần chúng ngoài Đảng và đảng viên ở trong Đảng.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng về xây dựng Đảng trong điều kiện hiện nay là “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, công tác dân vận của Đảng phải được triển khai hiệu quả, vươn tới được từng người dân Việt Nam, không phân biệt người ở trong hay ngoài nước, bao gồm cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động ở ngoài nước bởi đây luôn là một “bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng” góp phần xây dựng Tổ quốc, quê hương và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Trên thực tế, nhận thức được vai trò quan trọng, những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội Đảng XII tin tưởng giao phó, ngày 6/12/2016, Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2021.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra ngày 18/1/2017, Báo cáo tổng kết của Ban Đối ngoại Trung ương và một số tham luận cho thấy, công tác đối ngoại nhân dân tăng cường hơn nữa sự phối hợp thống nhất giữa các đoàn thể, tổ chức nhân dân Việt Nam trong hoạt động đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước nhằm phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp và tối đa hóa lợi ích của quốc gia trong quá trình mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại nhân dân cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; chủ động tăng cường đấu tranh với các quan điểm, luận điệu sai trái thù địch chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thực tế địa bàn Campuchia

“Dân vận” là khái niệm chỉ công tác vận động nhân dân tham gia làm cách mạng, hay còn gọi là công tác vận động quần chúng. Dân vận không chỉ ở con người và tổ chức mà còn là một hoạt động, bao gồm cả tuyên truyền, giảng giải, thuyết phục, hướng dẫn, tổ chức. Mục đích của dân vận là làm cho người dân trưởng thành cả ý thức dân chủ và năng lực làm chủ.

Bài viết xin đưa một góc nhìn về công tác “Dân vận” cần được vận dụng khéo léo và phù hợp với điều kiện công tác tại địa bàn của người làm công tác phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia.

Hiểu một cách nôm na, “Dân vận” chính là công tác truyền thông. Thông tin không những cần NHANH, ĐÚNG, TRÚNG, HAY như tiêu chí truyền thống trong mỗi thông tin của Thông tấn xã Việt Nam mà còn phải được đưa tới đúng đối tượng, độc giả để đảm bảo hiệu quả của thông tin.

Thực tế địa bàn Campuchia, với những nguyên nhân lịch sử, hàng chục nghìn kiều bào, người gốc Việt kể cả có giấy tờ hợp pháp lẫn không giấy tờ đang sinh sống trên nước bạn. Từ công tác phóng viên, tiếp xúc với rất nhiều kiều bào, người viết nhận thấy rằng đa số kiều bào hầu như rất thiếu thông tin và hiểu biết về quy định về bảo hộ công dân như cấp/đổi hộ chiếu, giấy tờ hành chính hoặc các hoạt động có tính giúp đỡ như trợ cấp tài chính cho công dân.

Đã có rất nhiều trường hợp kiều bào tại Campuchia, chỉ qua tiếp xúc với phóng viên TTXVN thường trú tại địa bàn, mới biết rằng họ có thể được cấp/đổi hộ chiếu (trường hợp hết hạn), hoặc sẽ được Phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia bảo vệ trong những trường hợp nào, hoặc sẽ được tư vấn một cách tốt nhất trong những khi xảy ra rắc rối với pháp luật nước sở tại hoặc những vấn đề liên quan tới visa.

Vậy nên, việc truyền thông cho bà con kiều bào hiểu về công tác lãnh sự là một phần của công tác ngoại giao, tuyên truyền cho các chính sách định hướng đúng đắn, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, pháp nhân và công dân Việt ở nước ngoài; mở rộng quan hệ lãnh sự với các nước, tạo môi trường thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác thương mại, văn hóa, du lịch với nước ngoài; vận động cộng đồng người Việt ở nước ngoài hướng về quê hương.

Công tác dân vận phải không ngừng đổi mới, sáng tạo

Do điều kiện kiều bào Việt Nam tại Campuchia thường phải bươn chải với cuộc sống sinh nhai, việc hội họp tuyên truyền theo phương pháp truyền thống để đưa các thông tin hữu ích tới bà con là vô cùng khó khăn. Vậy nên, công tác dân vận phải không ngừng đổi mới, sáng tạo mang tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.

Việc sử dụng mạng xã hội hiện rất phổ biến tại Campuchia. Việc mạng 3G, 4G phủ sóng hầu hết các tỉnh thành tại quốc gia này tạo điều kiện cho người dân bản địa nói chung và kiều bào nói riêng có thể thoải mái kết nối Internet, tương tác trên Facebook một cách dễ dàng với chi phí khá rẻ. Việc sử dụng một cách có kiểm soát (kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải) Fanpage, Facebook của Đại sứ quán, hay cụ thể là Phòng Lãnh sự của sứ quán là cách tốt nhất để mọi kiều bào có thể tiếp cận thông tin chính thống, chính xác về các quyền lợi của công dân, trả lời mọi thắc mắc hoặc những câu hỏi trong thực tế chưa có tiền lệ.

Điều này càng làm tăng sự tương tác, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt công tác công tác tiếp dân, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền trong việc đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời các kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo quốc tế (https://baoquocte.vn/goc-nhin-ve-cong-tac-dan-van-o-campuchia-trong-thoi-ky-so-hoa-121009.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY