Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bình Phước, chúng tôi tìm về thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn (huyện Bù Đăng) gặp người CCB, thương binh hạng 4/4 Vũ Đình Luật. Sau chiến tranh, cũng như bao người lính khác, ông Luật phải lăn lộn, lo toan với cuộc sống đời thường. Thế nhưng, hàng chục năm qua, ông Luật vẫn miệt mài không biết mệt mỏi đi tìm mộ đồng đội, mộ liệt sĩ.
Trong ngôi nhà nhỏ của người lính Sư đoàn 968, chiến đấu trên mặt trận Khe Sanh – Quảng Trị năm xưa như vẫn đang sống cùng những đồng đội đã mất. Trên chiếc bàn khách, danh sách đồng đội hy sinh cùng những tấm bản đồ trận đánh cũ kỹ ngả màu ố vàng chất chồng chiếm hết mọi không gian.
Ông Luật cho biết, gia đình ông có 4 liệt sĩ (ông nội, bác và hai anh trai). Đồng cảm với bao gia đình có người thân hy sinh qua hai cuộc kháng chiến nhưng không tìm được hài cốt, tạm gác lại cuộc sống thường nhật, ông đã thực hiện hàng trăm chuyến tìm kiếm mộ. Việc làm của ông đã lan tỏa, thu hút 30 thành viên tham gia, họ là những CCB năm xưa, thân nhân liệt sĩ hay chỉ là những dân thường muốn góp sức vào công cuộc tìm kiếm. “Lúc đầu gian nan lắm, mọi thứ tự mình bỏ ra, có người cho là mình “gàn”, bị tàn tật, gầy yếu lại dám đi tìm hài cốt liệt sĩ nơi rừng sâu núi thẳm”, ông Luật chia sẻ.
Nói về quá trình đi tìm đồng đội của mình, ông Luật hồ hởi khoe: Năm 2013 nhận được tin báo của người dân xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn ( Bình Định) nghi ngờ có mộ liệt sĩ tập thể nằm trong một nghĩa địa được gọi là “nghĩa địa cộng đồng địch quân”, tổ tình nguyện do ông Luật làm trưởng đoàn đã lên đường. Tổ đã phối hợp chính quyền địa phương khai quật, quy tập 74 hài cốt liệt sĩ của lực lượng vũ trang Quân khu 5. Cùng thời gian đó, tiếp tục thu thập thông tin, mở rộng tìm kiếm, đoàn khai quật thêm 5 bộ hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn 968, hy sinh ở xã Tây Giang cùng huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Sau lần ấy, khí thế của tổ được đẩy lên cao, họ trở lại Bình Phước phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục cuộc hành trình đặc biệt này. Đến năm 2014, tổ cùng Đội K72 (Bộ chỉ huy quân sự Bình Phước) đã tìm được 22 hài cốt liệt sĩ tại ấp Cần Lê, thuộc xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh. “Cho đến nay, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia khảo sát và khai quật 238 điểm, góp phần tìm kiếm được 116 hài cốt liệt sĩ. Các phần mộ đều có xương cốt, di vật đầy đủ. Đó là bằng chứng hùng hồn để chứng minh đây là những người lính đã đổ máu xương, ngã xuống cho mùa xuân của Tổ quốc”, ông Luật phấn khởi nói.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, CCB Vũ Đình Luật trả lời: “Không có bí quyết gì, mà trước hết phải có lòng nhiệt tình, dám nghĩ dám làm, vượt lên hoàn cảnh, số phận, chia sẻ, đồng cảm với những gia đình bị mất mát, đau thương khi có chồng, con, người thân ngã xuống vì độc lập của dân tộc. Chúng tôi tìm kiếm hài cốt, mộ liệt sĩ đều dựa vào dân, các đơn vị quân đội, Hội CCB, đồng đội CCB chung đơn vị có đồng chí mình hy sinh. Không dựa vào ngoại cảm, hài cốt liệt sĩ phải có di vật, trên cơ sở tư liệu cụ thể…”.
Đã mấy chục năm trôi qua, ký ức về những năm tháng chiến đấu vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của vợ chồng người lính già Trương Xuân Tiêu, Võ Thị Niệm. Rời chiến trường, trở về địa phương, đã qua tuổi 70 nhưng vợ chồng CCB, Cựu thanh niên xung phong (TNXP) này vẫn đau đáu về những đồng đội đã hy sinh vẫn còn nằm lại ở các vùng đất nhiều bom đạn.
Khi còn tại ngũ, ông Tiêu phục vụ tại Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 và bị thương trong chiến đấu năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1973, ông được giải quyết xuất ngũ. Tuy nhiên, sau đó ông không về địa phương, mà lại tiếp tục chuyển sang lực lượng TNXP và làm Đại đội trưởng Đại đội 2711, Đoàn 559. Tại đơn vị mới, ông Tiêu một lần nữa bị sức ép của bom B52, bị bỏng ở ngực và chấn thương vùng đầu. “Trận đó 9 đồng chí hy sinh, trong đó có 4 đồng chí TNXP và 5 đồng chí bộ đội”, ông Tiêu nhớ lại.
Bà Võ Thị Niệm tham gia TNXP năm 1967 và được bổ sung vào Tổng đội 271 TNXP đường sắt, thuộc Bộ Giao thông vận tải. Thời điểm đó, do đã tốt nghiệp cấp ba, bà Niệm được cấp trên giao làm thống kê - kế toán đơn vị. Bà Niệm nhớ lại, một lần đơn vị giao đi nộp báo cáo cho Tổng đội TNXP đóng ở thành phố Thanh Hóa, trên đường về đến huyện Tĩnh Gia, máy bay Mỹ thả bom trúng hai xe của bộ đội chở gạo vào tuyến trong. Không chần chừ, bà băng trong đạn lửa, cõng được một đồng chí ra ngoài, rồi quay lại cõng tiếp người còn lại. Nhưng vừa chạy chừng mười mét thì bất ngờ một quả bom nổ gần đó, đất đá chụp lên cả hai người. Bà bị sức ép của bom, chấn thương ở lưng, hai đồng chí bộ đội lái xe bị thương quá nặng, nên đã hy sinh cách đó khoảng 500 mét.
Trở về đời thường, hai vợ chồng chọn xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) để lập nghiệp. Nhờ bản lĩnh người lính cụ hồ, không ngại gian khó, ông bà đã phát triển và ổn định kinh tế, sau đó dành hết thời gian tham gia công tác quy tập, tìm kiếm những đồng đội năm xưa.
Theo ông Tiêu, trong nhiều năm qua, hai vợ chồng ông bà tham gia hàng chục đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở khắp các mặt trận trên cả nước, chỉ cần có thông tin là hai vợ chồng lại lên đường. “Nếu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Bình Phước, hai vợ chồng tôi đèo nhau bằng xe máy, cứ sáng đi tối về, có đợt đi xa hơn 100 km. Còn ở ngoài tỉnh, chúng tôi phải chuẩn bị hành trang để ở lại nhiều ngày, có những hôm thời tiết thất thường, trời đang nắng gắt bỗng chuyển đổ mưa, vết thương cũ đau nhức, nhưng cả hai vợ chồng tôi vẫn quyết tâm đeo bám hiện trường để phục vụ công tác tìm kiếm…”, ông Tiêu nói.
Nói về chiến tích của mình, ông Tiêu cho biết thêm, qua 4 lần cùng Đội K72, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước tổ chức khai quật khu mộ tập thể tại vùng phụ cận sân bay Phước Bình (nay là Trung tâm thị xã Phước Long) đã phát hiện, cất bốc hàng chục mộ liệt sĩ. Hay như đợt ra huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cũng đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập 74 hài cốt liệt sĩ…
"Vợ chồng tôi sẽ vẫn còn đi, đi cho đến hết cuộc đời mình khi còn có thể. Tâm nguyện trong chúng tôi là chỉ mong tìm được anh em đồng chí, đưa họ về với quê hương gia đình được người nào thì mừng người đó. Hàng ngàn liệt sĩ vô danh còn lưu lạc trên chiến trường xưa luôn làm CCB, cựu TNXP chúng tôi ngày đêm trăn trở, và nhiều lúc thấy thắt lòng khi nghĩ đến các anh", ông Tiêu nói.
Ông Đỗ Văn Các, Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước cho biết, không chỉ tích cực tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, với tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp, trọn nghĩa trọn tình, vợ chồng CCB, cựu TNXP Trương Xuân Tiêu, Võ Thị Niệm, còn tâm huyết với công việc “tri ân liệt sĩ”. Bằng nguồn thu nhập từ vườn cà phê và điều của gia đình, hàng năm cựu TNXP Trương Xuân Tiêu, Võ Thị Niệm đã trích ra 30 triệu đồng ủng hộ, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ. Trong 3 căn xây tặng cựu TNXP, gia đình liệt sĩ khó khăn có sự đóng góp của vợ chồng cựu TNXP Trương Xuân Tiêu, Võ Thị Niệm. “Những việc làm nghĩa tình của hai ông bà được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao, thực sự là những gương sáng “Bộ đội Cụ Hồ”, thanh niên xung phong trên mặt trận mới.
Theo Đại tá Lê Thanh Song, Trưởng văn phòng đại diện Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam, hiện cả nước có gần 1.200.000 liệt sĩ, đã quy tập vào trên 3.000 nghĩa trang, với 934.000 liệt sĩ, trong đó có 300.000 liệt sĩ chưa có tên. Trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy. Đây là sự mất hy sinh quá lớn, hài cốt các anh vẫn còn ẩn khuất đâu đó chưa về với gia đình, người thân. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tích cực, đẩy mạnh việc tìm kiếm liệt sĩ, một công việc cấp thiết, lâu dài… |
Nguồnnongnghiep.vn
Link bàigốc
Copy linkhttps://nongnghiep.vn/hang-tram-chuyen-di-rung-sau-nui-tham-tim-dong-doi-d269066.html
Chủ đề liên quan:
Hàng trăm chuyến đi rừng sâu