Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Hãy cứu lấy biển, những bức ảnh xé lòng người xem

Nhân dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Đại dương thế giới (8/6), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Đại sứ Đại dương xanh, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) tổ chức triển lãm ảnh rác thải nhựa “Hãy cứu biển” (S.O.S) diễn ra từ 4 - 9.6 tại 29 Hàng Bài (Hà Nội).

>>Phật giáo và môi trường 

Hôm nay 5-6 là ngày môi trường thế giới. Ngày này thực ra cũng chẳng khác gì 364 ngày còn lại trong năm, ngoại trừ việc người ta gán cho nó một cái tên với mong muốn nhắc nhớ chúng ta về những vấn đề còn rất nhức nhối của môi trường mà mỗi chúng ta đều là người có một phần lỗi, một phần trách nhiệm và một phần công việc để cứu lấy chính chúng ta!

Bài liên quan

3.000 bức ảnh về hành trình gần 7.000 km 'săn rác' của nhiếp ảnh gia Hà thành!

Mình đã được xem bộ ảnh rác mà anh Nguyễn Việt Hùng chụp khắp đất nước trên facebook của anh, nhưng hôm qua, khi mình và Daisy được dự buổi khai mạc triển lãm HÃY CỨU BIỂN, được xem những bức ảnh này xếp cạnh nhau, rác chồng lên rác, rác nối tiếp rác trên những bờ biển, cửa sông, kênh rạch, bên cạnh các em bé đang chơi đùa, cạnh người lớn đang mưu sinh... hai mẹ con cùng cả trăm vị khách đều thực sự suy nghĩ và tự đặt ra cho mình những câu hỏi liên tiếp:

- Chuyện gì đang xảy ra thế này?

Và,

- Bao giờ thì những hình ảnh trên tường này, ở những tỉnh thành xa xôi này, sẽ là cuộc sống của chính chúng ta? Của mình và gia đình mình? Của tất cả mọi người?

Chúng ta vẫn nói với nhau cũng nhiều về việc bảo vệ môi trường, nhưng có vẻ nghe thì vẫn xa xôi lắm! Nếu ô nhiễm là thứ chưa xảy ra ngay bên cạnh ta, thì việc bảo vệ môi trường có vẻ là trách nhiệm của mọi người nhưng cũng chẳng là trách nhiệm của ai cả!

Nếu có thể, mời bạn hãy dành ra chưa đến một tiếng đồng hồ trong nhịp sống bận rộn của bạn hôm nay, để cùng bạn bè, gia đình, cùng các em bé của bạn, ghé thăm và chứng kiến cuộc sống ngập trong rác của những người dân Việt Nam, ở những khu vực tưởng xa xôi nhưng cũng không cách chúng ta là mấy đâu... Hy vọng rằng sẽ có ít nhiều cảm xúc đọng lại và mong muốn từ chính nơi bạn, rằng chúng ta, cùng với nhau, sẽ phải làm điều gì đó!

Hãy cứu biển cho thấy muôn mặt sống chung với rác thải. Ở đó, chim và rùa cũng kiếm ăn trên bãi rác. Có những bức ảnh, con người thản nhiên quăng rác xuống sông, biển rồi lại sử dụng chính dòng nước đó.

Cách đây gần 5 năm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Hùng Lekima) đã lang thang nhiều giờ trên mạng sau khi biết mẹ bị ung thư. Anh cứ đọc đi, đọc lại về nguyên nhân gây ra căn bệnh này. “Khi đó, tôi mới biết hạt vi nhựa có thể gây ra ung thư. Tôi cũng ngỡ ngàng khi biết VN đứng thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương. Là một nhiếp ảnh gia và dạy nhiếp ảnh, tôi hiểu giá trị của từng bức ảnh qua sự chân thật, thông tin và cảm xúc chúng mang tới. Ảnh có thể thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động của người xem. Chính vì vậy, tôi quyết định lên đường”, Hùng chia sẻ về ý tưởng hành trình chụp rác.

Chuyến đi chụp rác của anh sau đó kéo dài một tháng rưỡi, qua 28 tỉnh, thành. Anh đã đi tổng cộng gần 7.000 km, trong đó có 3.260 km bờ biển từ bắc chí nam bằng xe máy. Giờ đây, những hình ảnh của chuyến đi hồi tháng 8, 9 năm ngoái có mặt trong triển lãm Hãy cứu biển - Save our seas diễn ra từ 4 - 9.6 tại 29 Hàng Bài (Hà Nội). Triển lãm này do anh và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đồng tổ chức. “Hãy cứu biển có hơn một trăm ảnh. Nhiều ảnh tôi chưa từng công bố. Nhưng quan trọng nhất, mỗi bức ảnh nằm trong câu chuyện tổng thể của chuyến đi. Nó gợi mở việc giảm thiểu rác thải nhựa ở VN”, anh nói.

MC Minh Trang

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/hay-cuu-lay-bien-nhung-buc-anh-xe-long-nguoi-xem-d35322.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY