(HNMCT) - Dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp. Số ca xét nghiệm dương tính vẫn tiếp tục tăng trong những ngày qua khiến nhiều người lo sợ mình có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, để tránh lo lắng thái quá, mỗi người cần hiểu rõ về dịch Covid-19, cả về cơ chế lây nhiễm, cách phòng bệnh, nhận biết nhóm có nguy cơ cao, cách xử lý tình huống đúng đắn khi mắc bệnh hoặc có dấu hiệu của bệnh...
Hiện nay, hầu hết các ca bệnh do nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại nước ta là xâm nhập từ nước ngoài và lây trong cộng đồng. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) khẳng định, những đối tượng có nguy cao nhiễm Covid-19 là người đi từ vùng dịch trở về. Khi người đi từ vùng dịch về bị nhiễm vi rút SARS CoV-2 thì những người tiếp xúc gần với họ như: Người cùng chung sống, sinh hoạt với người bệnh; những người đi cùng máy bay, ô tô, tàu... thuộc diện có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Ngoài ra, nhân viên y tế trong bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19; những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu thường xuyên phải tiếp xúc với khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là những người đến từ vùng dịch hoặc mới tới nơi có dịch trước khi vào Việt Nam... cũng thuộc nhóm có thể bị lây nhiễm nếu không thực hiện các biện pháp phòng bệnh Covid-19 một cách nghiêm ngặt.
Thông tin về dấu hiệu của bệnh, ông Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi mắc bệnh do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, ở người bệnh xuất hiện các triệu chứng phổ biến về hô hấp như sốt, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, đau mỏi người, đặc biệt là khó thở, suy hô hấp. Người bệnh nặng hơn sẽ bị tổn thương phổi. Những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, tiểu đường, huyết áp, tim mạch... có nguy cơ Tu vong cao hơn bệnh nhân khác.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, cũng chưa có Thu*c điều trị đặc hiệu đối với bệnh này. Chính vì vậy, tất cả chúng ta đều không hề có miễn dịch với nó. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (thành phố Hồ Chí Minh), khi tất cả đều chưa có miễn dịch thì nguy cơ lây bệnh là như nhau. Khi mắc bệnh, những đối tượng có sức đề kháng kém, người cao tuổi, người đang có sẵn bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, bệnh phổi, tiểu đường...) sẽ nặng hơn, dễ có biến chứng hơn. Theo nghiên cứu trên thế giới, nhóm dễ Tu vong vì loại bệnh này là những bệnh nhân trên 70 tuổi.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, theo tổng kết của các chuyên gia y tế Trung Quốc, có đến 80,3% số trường hợp mắc Covid-19 ở thể nhẹ, không cần can thiệp y tế; 10% cần phải nhập viện, trong đó có khoảng 5% số bệnh nhân ở mức nguy kịch và 2 - 3% có thể Tu vong. Việt Nam đã phòng, chống dịch Covid-19 rất thành công trong giai đoạn đầu, tuy nhiên, hiện dịch đã lan ra toàn cầu nên chúng ta đang bước vào giai đoạn mới với nhiều khó khăn hơn. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, đầu mối giao thương, giao lưu về nhiều mặt với các quốc gia trên thế giới và vì vậy, nguồn bệnh từ nước ngoài vào Hà Nội là rất cao. Dù vậy, chúng ta không nên hoang mang, lo lắng thái quá mà cần tin tưởng vào những biện pháp phòng, chống dịch đang được Chính phủ triển khai. Thay vì suy nghĩ tiêu cực, hoảng sợ, tích trữ lương thực, việc mỗi người cần làm bây giờ là thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Chính phủ, ngành Y tế.
Hiện Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang tăng cường hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị thực hiện cách ly những người trở về từ vùng dịch, ưu tiên xét nghiệm đối với những trường hợp về Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng từ vùng dịch, người có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Khi những người này có kết quả âm tính, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương sẽ thông báo cho người liên quan biết để tránh tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc.
Trong tình hình hiện nay, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo với cộng đồng về những việc cần làm để phòng dịch cũng như cách xử lý tình huống đúng đắn khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở... Từ đó, mỗi người chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chủ động thông báo, phối hợp với nhân viên y tế để được theo dõi, cách ly, điều trị khi xuất hiện triệu chứng của bệnh.
Cụ thể, ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, người dân cần đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà mình và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà đủ để giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng tay áo, khăn vải hoặc khăn giấy; bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng.
Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là sau khi che miệng do ho, hắt hơi hoặc thực hiện động tác thải bỏ khẩu trang, khăn giấy đã dùng. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát, đũa... Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người nếu không cần thiết. Khi bị bệnh hoặc cần phải cách ly thì thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan; gọi điện theo đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn, khám và điều trị.