Tháng 6/2004, Việt Nam trở thành nước thứ 15 và là nước đầu tiên ở châu Á được đưa vào Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) với chi phí ước tính 12 triệu USD/năm. Nhưng trong năm nay nguồn tiền này sẽ bị cắt 40% và dừng hoàn toàn vào sau năm 2018.
Thấy trước thách thức này, tại TPHCM, địa phương phòng chống HIV/AIDS tích cực nhất nước, năm qua có thêm 16 phòng khám ngoại trú mới đặt tại các bệnh viện quận, huyện được bảo hiểm xã hội (BHXH) ký hợp đồng khám chữa bệnh. Nhưng số bệnh nhân ARV đến đây chỉ… lèo tèo. Nơi thu hút nhiều bệnh nhân nhất là bệnh viện quận Thủ Đức với 156 ca, còn những quận còn lại chỉ từ 2 - 20 ca. Tại sao? Theo đại diện bệnh viện quận Thủ Đức, vì bệnh nhân ngại điều trị ARV tại bệnh viện do sợ lộ danh tính, mặt khác họ cũng không tin vào khả năng của bác sĩ ở đây. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT chỉ mới đạt mức 70% tại TPHCM, trong đó chỉ 37% dám sử dụng thẻ khi đi khám, chữa bệnh.
Tại phòng khám HIV/AIDS ngoại trú quận 10, TPHCM, ông K., 56 tuổi, trong khi chờ lãnh Thu*c ARV hàng tháng, tâm sự: “Tôi làm cho một công ty và có thẻ BHYT, nhưng khi đi điều trị ARV tôi không dám sử dụng vì sợ lộ tên tuổi, công ty biết chuyện sẽ sa thải tôi”.
Nhưng cũng lạ, trong khi mong muốn người có H tham gia BHYT như mục tiêu đề ra, thì BHXH lại gây khó khăn khi bắt đối tượng này mua BHYT theo hộ gia đình, hoặc người ngoài địa phương thì không mua được BHYT tại chỗ như trường hợp tỉnh Long An.
Đáng lo nhất là không ít người có H muốn tham gia BHYT nhưng lại không có cơ hội vì mất chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thậm chí không có bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào, phần lớn họ từ các nước láng giềng quay về nước sinh sống. BS Trần Nhật Quang, BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết số người này chiếm đến 20% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS kèm theo các bệnh hô hấp đang điều trị ở bệnh viện này.
Không thể phủ nhận thành công của chương trình phòng chống HIV/AIDS tại nước ta trong những năm qua, đặc biệt là chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, nhưng trong bối cảnh mới ngay cả một số chuyên gia lâu năm của lĩnh vực này cũng phải cảnh báo về nguy cơ “thất bại”.
Nỗi lo lớn nhất ở đây là việc mất dấu bệnh nhân điều trị ARV từ TPHCM chuyển gửi về các địa phương điều trị. Thống kê của BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho thấy từ tháng 11/2016 – 1/2017 có khoảng 7,3% bệnh nhân được bệnh viện chuyển đi, nhưng sau đó mất dấu không biết họ đi đâu.
Theo BS Nguyễn Thành Dũng, trưởng phòng khám ngoại trú bệnh viện này, nhân viên không thể liên lạc được vì họ đã thay số điện thoại, người nhận điện thoại không chịu cho gặp bệnh nhân, bệnh nhân tắt máy và không nhận điện thoại, hoặc bệnh nhân tự ý chuyển đổi phương thức điều trị mà không thông báo.
Tỷ lệ 7,3% chuyển gửi thất bại có thể là con số nhỏ, nhưng theo BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1 TPHCM, nếu người có H bỏ dở điều trị hoặc điều trị không nghiêm túc, nguy cơ kháng Thu*c và lây nhiễm cho cộng đồng là rất cao khi họ di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Một bác sĩ thuộc trung tâm Y tế quận 4, TPHCM, cho biết quản lý người có H là một việc rất khó khăn. Chị nói: “Hơn 20 năm làm công tác này, nhưng tôi thấy chưa bao giờ người có H được “chiều chuộng” như bây giờ. Nhà nước tạo nhiều điều kiện cho họ điều trị, nhưng thích thì họ trị, không thích thì thôi”.
Bác sĩ này dẫn chứng, mới tuần qua phòng khám quận này tiếp nhận một bệnh nhân đi mất biệt và bỏ điều trị ba năm nay, giờ quay lại điều trị vì mắc thêm bệnh lao. Chưa hết, bệnh nhân còn mang theo đứa con gái có H đang mang thai ba tháng. Chị nói thêm: “Do bỏ trị, nên bệnh nhân đã kháng Thu*c và phải chuyển sang phác đồ điều trị bậc 2, rất phức tạp và khó khăn”.
Một nỗi lo khác của “tảng băng chìm” HIV/AIDS là tình trạng lây nhiễm qua quan hệ T*nh d*c đồng giới đang gia tăng mạnh. Một bác sĩ làm công tác phòng chống HIV/AIDS tại quận 8, TPHCM cho biết trước đây tỷ lệ này chỉ khoảng 20% số ca lây nhiễm mới, nhưng nay là hơn 50%. Ông nói: “Rất khó quản lý, trong khi đối tượng quan hệ T*nh d*c nam (MSM) có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 19 lần so với bình thường”.
Theo cục Phòng chống HIV/AIDS, có khoảng 250.000 - 450.000 người thuộc nhóm MSM sống chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Vài năm qua, dù tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ nhiễm mới HIV trong nhóm MSM lại gia tăng mạnh mẽ.