Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Hội chứng Buồng trứng đa nang: Thủ phạm gây vô sinh, hiếm muộn ở nhiều phụ nữ

Buồng trứng đa nang (PCOS) là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng phụ nữ bị vô sinh ngày một gia tăng. Để ngăn ngừa nguy cơ bị vô sinh hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, mỗi chúng ta cần nắm được buồng trứng đa nang là gì và những dấu hiệu thường gặp để điều trị sớm.

1. Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

Hội chứng PCOS là một trong những nguyên nhân gây vô sinh hàng đầu ở phụ nữ - (Ảnh: Internet).

Hội chứng buồng trứng đa nang PCOS là một vấn đề với nội tiết tố ảnh hưởng đến phụ nữ trong những năm sinh sản (từ 15 đến 44 tuổi). Có đến 26,7% phụ nữ trong độ tuổi này bị PCOS. Ngoài ra, có rất nhiều phụ nữ mắc PCOS nhưng không hề hay biết, ước tính có tới 70% phụ nữ mắc PCOS không được chẩn đoán.

Đa nang có nghĩa là nhiều nang, những nang này chứa đầy chất lỏng và trứng chưa trưởng thành, vì vậy không thể kích hoạt quá trình rụng trứng. Việc trứng không rụng làm thay đổi nồng độ estrogen và progesterone (các hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt), hormone kích thích nang trứng FSH và hormone tạo hoàng thể LH (hormone kiểm soát sự rụng trứng), mức progesterone thấp hơn bình thường, trong khi mức androgen cao hơn bình thường. Các kích thích tố nam bổ sung làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy phụ nữ bị PCOS có kinh nguyệt ít hơn bình thường, giảm khả năng sinh sản (dẫn đến vô sinh) và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang

Hiện nay, giới y học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra PCOS. Tuy nhiên, có một số yếu tố tác động gây ra tình trạng này như lượng hormone nam cao ngăn cản buồng trứng sản xuất hormone và tạo ra trứng bình thường. Các yếu tố di truyền, kháng insulin và viêm nhiễm đều có liên quan đến việc sản xuất androgen dư thừa.

Di truyền

Các nghiên cứu cho thấy PCOS có tính di truyền trong gia đình, nhiều phụ nữ bị buồng trứng đa nang cũng có mẹ hoặc chị em mắc hội chứng này.

Kháng insulin

Có tới 70% phụ nữ bị PCOS bị kháng insulin, nghĩa là các tế bào của họ không thể sử dụng insulin đúng cách. Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất để giúp cơ thể sử dụng đường từ thực phẩm để tạo năng lượng.

Khi các tế bào không thể sử dụng insulin đúng cách, nhu cầu insulin của cơ thể tăng lên. Tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để bù đắp. Insulin bổ sung kích hoạt buồng trứng sản xuất nhiều nội tiết tố nam hơn, gây ra hội chứng buồng chứng đa nang.

Viêm

Phụ nữ bị PCOS thường bị tăng mức độ viêm trong cơ thể. Thừa cân cũng có thể góp phần gây viêm. Các nghiên cứu đã liên kết tình trạng viêm quá mức với nồng độ androgen cao hơn.

3. Các triệu chứng phổ biến của PCOS

Kinh nguyệt không đều là triệu chứng điển hình của hội chứng buồng trứng đa nang - (Ảnh: Pexels).

Một số phụ nữ bắt đầu thấy các triệu chứng vào khoảng thời gian của kỳ kinh đầu tiên. Những người khác chỉ phát hiện ra họ bị PCOS sau khi họ đã tăng nhiều cân hoặc họ gặp khó khăn khi mang thai.

Các triệu chứng PCOS phổ biến nhất là:

- Kinh nguyệt không đều: Sự thiếu rụng trứng khiến niêm mạc tử cung không thể rụng hàng tháng. Một số phụ nữ bị PCOS có ít hơn 8 kỳ kinh một năm hoặc không có kỳ kinh nào.

- Chảy máu nhiều: Niêm mạc tử cung hình thành trong một thời gian dài, vì vậy kinh nguyệt của bạn có thể nặng hơn bình thường.

- Lông rậm: Hơn 70% phụ nữ bị tình trạng này có lông mọc rậm hơn bình thường trên mặt và cơ thể - bao gồm cả trên lưng, bụng và ngực.

- Mụn: Nội tiết tố nam có thể làm cho da tiết dầu hơn bình thường và gây ra mụn trên các vùng như mặt, ngực và lưng trên.

- Tăng cân: Có đến 80% phụ nữ bị PCOS bị thừa cân hoặc béo phì.

- Hói đầu: Tóc trên da đầu mỏng hơn và có thể rụng, dẫn đến hói.

- Sạm da: Các mảng da sẫm màu có thể hình thành thành các nếp nhăn trên cơ thể như ở cổ, ở bẹn và dưới ngực.

- Nhức đầu: Sự thay đổi hormone có thể gây đau đầu ở một số phụ nữ.

PCOS cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe trong cuộc sống sau này, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2 và mức cholesterol cao.

4. PCOS ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?

Việc có nồng độ androgen cao hơn bình thường có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và các khía cạnh sức khỏe khác của bạn.

Vô sinh

Để có thai, bạn phải rụng trứng. Những phụ nữ không rụng trứng thường xuyên sẽ không phóng ra nhiều trứng để thụ tinh. PCOS là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ.

Hội chứng chuyển hóa

Có đến 80% phụ nữ bị PCOS bị thừa cân hoặc béo phì. Cả béo phì và PCOS đều làm tăng nguy cơ:

- đường trong máu cao

- huyết áp cao

- cholesterol "tốt" HDL thấp

- cholesterol “xấu” LDL cao

Các yếu tố này kết hợp với nhau được gọi là hội chứng chuyển hóa và chúng làm tăng nguy cơ:

- Bệnh tim

- Bệnh tiểu đường

- Đột quỵ.

Chứng ngưng thở lúc ngủ

Tình trạng này gây ra tình trạng ngừng thở lặp đi lặp lại vào ban đêm, làm gián đoạn giấc ngủ.

Ngưng thở khi ngủ phổ biến hơn ở phụ nữ POCS bị thừa cân, béo phì. Nguy cơ ngưng thở khi ngủ ở những phụ nữ này cao gấp 5 đến 10 lần so với những người không bị PCOS.

Ung thư nội mạc tử cung

Trong thời kỳ rụng trứng, niêm mạc tử cung sẽ rụng. Nếu bạn không rụng trứng hàng tháng, lớp niêm mạc có thể tích tụ. Niêm mạc tử cung dày lên có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Trầm cảm

Cả những thay đổi nội tiết tố và các triệu chứng như mọc lông không mong muốn đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của bạn. Nhiều người bị PCOS phát triển chứng trầm cảm và lo lắng.

5. Mang thai và PCOS

PCOS làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt bình thường và khó mang thai hơn. Từ 70-80% phụ nữ bị PCOS có vấn đề về khả năng sinh sản.

Tình trạng này cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ. Phụ nữ bị PCOS có nguy cơ sinh non cao gấp đôi phụ nữ không bị. Ngoài ra, họ cũng có nhiều nguy cơ bị sẩy thai, cao huyết áp và tiểu đường thai kỳ.

Tuy nhiên, phụ nữ bị PCOS có thể mang thai bằng cách sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản giúp cải thiện quá trình rụng trứng. Giảm cân và giảm lượng đường trong máu có thể cải thiện cơ hội mang thai khỏe mạnh.

6. Điều trị buồng trứng đa nang

Sau đây là những phương pháp điều trị buồng trứng đa nang kịp thời để không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em:

- Điều chỉnh thói quen lối sống và giảm cân hiệu quả: Hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng, lo âu...

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện và hạn chế nguy cơ các bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp...

- Sử dụng thuốc để kích thích rụng trứng: Nếu đang cố gắng để có thai, có thể cần một loại thuốc để kích thích rụng trứng. Có rất nhiều loại thuốc khác nhau từ đường uống đến đường tiêm. Bác sĩ sẽ xem xét từng trường hợp bệnh nhân để có chỉ định loại thuốc nào phù hợp với bạn.

- Phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi buồng trứng là một trong những lựa chọn điều trị đa nang buồng trứng. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng mở ổ bụng để tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng (phẫu thuật đốt điểm buồng trứng) làm giảm mức độ kích tố nam và tăng cường sự rụng trứng. Tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời nhưng khoảng 50% phụ nữ mang thai trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật.

- Thụ tinh trong ống nghiệm: Nếu không còn phương pháp điều trị nào phù hợp với bạn thì thụ tinh trong ống nghiệm được xem là phương pháp tối ưu. Để thực hiện phương pháp này, trước tiên bác sĩ sẽ lấy trứng và tinh trùng để tiến hành quy trình thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Sau đó, phôi được đưa vào tử cung của người phụ nữ để phôi có thể phát triển thành thai nhi. Tỷ lệ mang thai phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản của chị em.

6. Lời khuyên về chế độ ăn uống và lối sống để điều trị PCOS

Chế độ ăn từ thực vật tốt cho người bị PCOS - (Ảnh: Internet).

Điều trị PCOS thường bắt đầu bằng thay đổi lối sống như giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục.

Chỉ giảm 5 đến 10 phần trăm trọng lượng cơ thể có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và cải thiện các triệu chứng PCOS. Giảm cân cũng có thể:

- cải thiện mức cholesterol

- giảm insulin

- giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường

Bất kỳ chế độ ăn kiêng nào giúp bạn giảm cân đều có thể giúp ích cho tình trạng của người bệnh. Tuy nhiên, một số chế độ ăn kiêng có thể có lợi thế hơn những chế độ ăn kiêng khác. Các nghiên cứu so sánh chế độ ăn kiêng cho PCOS đã phát hiện ra rằng chế độ ăn ít carbohydrate có hiệu quả cho cả việc giảm cân và giảm mức insulin.

Chế độ ăn kiêng có chỉ số đường huyết thấp (GI thấp), chế độ ăn nạp carbohydrate từ trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt tốt hơn chế độ ăn kiêng giảm cân thông thường.

Một vài nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 30 phút tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 3 ngày một tuần có thể giúp phụ nữ mắc PCOS giảm cân. Giảm cân bằng tập thể dục cũng giúp cải thiện quá trình rụng trứng và mức insulin.

Tập thể dục thậm chí còn có lợi hơn khi kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn kiêng cộng với tập thể dục giúp bạn giảm cân nhiều hơn so với chỉ áp dụng 1 trong 2 và nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Hội chứng Buồng trứng đa nang có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như vô sinh, và các vấn đề sức khoẻ khác nếu không điều trị từ sớm. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các chị em trang bị những kiến thức cơ bản như: đa nang buồng trứng là gì, nguyên nhân và một số dấu hiệu của bệnh. Từ đó, các bạn sẽ chủ động chăm sóc sức khỏe và có biện pháp xử lý kịp thời khi mắc bệnh.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/hoi-chung-buong-trung-da-nang-thu-pham-gay-vo-sinh-hiem-muon-o-nhieu-phu-nu-31593/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY