Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Hơn 90% doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM đã tạm ngừng hoạt động

Đến thời điểm này đã có khoảng 90% - 95% doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch về hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, đến thời điểm này đã có khoảng 90% - 95% doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý công nợ với đối tác, khách hàng. Nhân viên phải luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không lương đến khi hết dịch.

Đối với các cơ sở lưu trú, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, hàng loạt đơn đặt phòng trong tháng 7, tháng 8 ở khách sạn đa số bị hủy. Hầu hết hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng quy mô 30 khách trở lên cũng bị hủy. Điều này khiến kết quả kinh doanh và tình hình nhân sự của các khách sạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số khách sạn bắt đầu cắt giảm nhân sự, chia ca làm việc 2-3 ngày trong tuần.

Công suất phòng ở các khách sạn hiện giảm 91,5% so với cùng kỳ; số lượng lao động giảm 61% từ nghỉ không lương hoặc ngừng việc…

Hơn 90% doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM đã tạm ngừng hoạt động - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên và nhân viên công ty du lịch ở TP HCM tham gia bán hàng để tăng thu nhập trong giai đoạn dịch Covid-19.

Trong khi đó, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong ngành du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Sở Du lịch TP.HCM cho biết qua phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành, do không có tài sản thế chấp nên họ rất khó tiếp cận các gói vay tín chấp của ngân hàng. Trong khi du lịch được đánh giá là ngành rủi ro cao, không có khả năng trả nợ do không có nguồn thu, trong khi vẫn phải tốn chi phí hoạt động cao như thuê mặt bằng, trả lương nhân viên.

Hầu hết người lao động, doanh nghiệp lữ hành nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. "Tình hình áp dụng chính sách tại mỗi địa phương có những đặc thù riêng; các quy định, điều kiện được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể đối với nghề hướng dẫn viên nên phải thực hiện nhiều thủ tục xác nhận chuẩn hộ nghèo, chứng minh thu nhập trước khi mất việc, xác nhận lao động ở quê…" - lãnh đạo Sở Du lịch nói.

Trước tình hình này, Sở Du lịch TP.HCM đã đưa ra 2 kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Kịch bản 1, trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 9-2020, Sở Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển và điểm tham quan… để có sản phẩm mới, hấp dẫn, an toàn và cạnh tranh. Tiếp tục rà soát đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và các bộ ngành.

Kịch bản 2, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV-2020, bên cạnh các nhóm giải pháp trên, Sở Du lich TP.HCM sẽ tập trung nhóm giải pháp tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành; hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách và xây dựng sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động khi dịch được khống chế…

Sở Du lịch TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận được các gói hỗ trợ; có chính sách cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT trong năm 2020 khoảng từ 6-12 tháng; giảm 50% thuế TNDN và thuế GTGT trong năm 2020; giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ internet…

Theo Người Lao Động

Copy link

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/hon-90-doanh-nghiep-lu-hanh-o-tphcm-da-tam-ngung-hoat-dong-20200823164933046.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY