Chủ nhân của phát ngôn "xóc óc" và có thể khiến giới truyền thông Mỹ hết sức lấy làm khó chịu ấy, không ai khác là chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng, ông Donald Trump.
Không ngần ngại, không rào trước đón sau, ngày 26-4 (giờ Việt Nam), ông Donald Trump bất ngờ tuyên bố thẳng thừng trên Twitter "Mục đích tổ chức các cuộc họp báo tại Nhà Trắng là gì khi mà truyền thông xuyên tạc không hỏi gì ngoài những câu hỏi mang tính chất thù địch, rồi sau đó lại từ chối đăng tải những thông tin sự thật hoặc số liệu chính xác. Họ (báo chí Mỹ- PV) thu về cho mình lượt người xem kỷ lục nhưng người dân Mỹ lại không nhận được gì ngoài tin giả. Thật lãng phí thời gian và công sức!” (Nguyên văn: What is the purpose of having White House News Conferences when the Lamestream Media asks nothing but hostile questions & then refuses to report the truth or facts accurately. They get record ratings, the American people get nothing but Fake News. Not worth the time & effort!).
Cái gọi là "tốn thời gian và công sức" được xem là cách ông Donald Trump.lý giải về nguyên cớ mà cánh báo chí Mỹ đang xôn xao thắc mắc là tại sao vị Tổng thống của họ lại bất ngờ không tổ chức họp báo về Covid-19 diễn ra vào ngày hôm qua- thứ bảy 25/4, thay vào đó lực lượng đặc biệt chống Covid-19 của Mỹ chỉ họp riêng.
Cũng chẳng ngần ngại, cũng ngay trong đoạn Twitter của mình, Tổng thống Donald Trump đã cho thấy vì sao ông lại dùng những từ ngữ định danh nặng nề kiểu: "Lamestream Media"- truyền thông bẩn, truyền thông xuyên tạc, hay Fake News- tin giả.
Đơn cử, ông bức xúc, người ta bảo tôi muốn nói chuyện với bác sĩ Deborah Birx- điều phối viên lực lượng đặc biệt chống Covid-190 nhưng sự thật tôi muốn nói với các chuyên gia trong phòng thí nghiệm, không phải với Deborah, về virus corona và nhiều vấn đề liên quan khác. Đó là tin giả.
Sự bất thường trong "thái độ họp báo" của ông Donald Trump cũng được xem là đã bộc lộ trước đó một ngày. Cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 24/4 chỉ kéo dài trong 25 phút (thông thường thường diễn ra trong vòng 1 tiếng 45 phút thậm chí hơn). Cũng trong buổi họp báo 24/4, ông cũng không nhận bất cứ câu hỏi nào từ phóng viên.
Hai sự việc diễn ra trong liên tiếp hai ngày được xem là "thái độ ứng xử rất lạ" của người đứng đầu Nhà Trắng bởi từ đầu tháng 3/2020 đến nay, bởi những diễn tiến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng đến mức nước Mỹ không thể ngờ, Tổng thống Mỹ và Phó Tổng thống Mike Pence đã tổ chức hơn 50 cuộc họp báo "chuyên sâu về Covid-19", trung bình một ngày một cuộc họp báo, để cập nhật tình hình cũng như nhìn lại phương ứng đối phó của chính phủ Mỹ với đại dịch hiện đã khiến hơn 54 nghìn người thiệt mạng (tính đến sáng 26/4).
Nguyên cớ thực sự của "ứng xử lạ" hay "thái độ họp báo" bất thường của ông Donald Trump là gì, có lẽ ngoài ông Trump không ai có thể khẳng định được nhưng theo tờ The Guardian, việc ông chủ Nhà Trắng đột ngột bỏ họp báo là từ "cảnh báo" của các vị cố vấn của ông, rằng sự xuất hiện của ông đang gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử sắp tới.
"Sự bất lợi" này có thể xuất phát từ một số phát ngôn gần đây của ông Donald Trump tại các cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Đơn cử như việc có thể chữa trị bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 bằng cách chiếu tia cực tím hoặc một loại ánh sáng cực mạnh hoặc tiêm một thứ chất mà ông mô tả đại loại như "Thu*c khử trùng", "Thu*c tẩy rửa".
Các chuyên gia y tế của Mỹ ngày sau đó đã "hoảng hồn" ra sức đính chính lại bởi thực tế những điều này chưa hề được kiểm chứng. Thậm chí, nhiều chuyên gia y khoa, như giáo sư Paul Hunter (Đại học East Anglia, Anh) thì hết sức bất bình cho rằng “Đây là một ý tưởng cực kỳ điên rồ và nguy hiểm. Nếu tiêm chất khử trùng vào cơ thể, bạn có thể ch*t trước khi ch*t vì SARS-CoV-2”.
Phải có dễ đến mấy năm qua, chính xác là từ ngày lên nhậm chức, mối quan hệ giữa người đứng đầu Nhà Trắng với giới báo chí nước này gần như không lúc nào yên ả. Và cụm từ "Lamestream Media"- truyền thông bẩn, truyền thông xuyên tạc- đã được ông Trump nhắc đến từ cách đây hơn 3 năm.
Trong một trạng thái đăng tải trên Twitter hồi tháng 2/2017, ông Trump đã gọi truyền thông là kẻ thù của người dân Mỹ. “Truyền thông đưa tin bịa đặt không phải kẻ thù của tôi, mà là kẻ thù của người dân Mỹ”. Ông thậm chí còn chỉ đích danh những cái tên như New York Times, NBCNews, ABC, CBS, CNN...
Tháng 7/2018, ông lặp lại quan điểm này khi lên tiếng: "kẻ thù đích thực của người dân là truyền thông tin giả”. Chỉ một tháng sau, trong một loạt dòng trạng thái trên mạng Twitter ngày 5/8/2018, ông Trump lại viết: "Chính họ- giới truyền thông- đã cố tình tạo ra sự chia rẽ và ngờ vực lớn. Họ thậm chí có thể gây ra chiến tranh".
Phát ngôn này của ông Trump thực sự đã thổi bùng "ngọn lửa phản chiến" trong báo giới. Trung tuần tháng 8/2018, hơn 350 tờ báo trong và ngoài nước Mỹ, trong đó có nhiều tờ báo lớn như New York Times, Guardian, Philadelphia Inquirer, Chicago Sun Times, Boston Globe... đã đồng loạt đăng tải các bài xã luận lên án và cảnh báo cuộc tấn công nhắm vào báo chí của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, điều lạ là sau "cuộc phản chiến" ấy, nhìn nhận của ông Trump về báo chí không hề khác đi hay suy giảm độ... ác cảm. Mối quan hệ của ông Trump với báo chí cũng ngày thêm tồi tệ. Gay gắt nhất có lẽ mối quan hệ giữa ông Trump với The New York Times và CNN.
CNN thậm chí đã đệ đơn kiện Tổng thống Mỹ sau việc ông Trump yêu cầu tước micro và cấm cửa vào Nhà Trắng với ký giả kỳ cựu Jim Acosta của họ. Về phần mình, Tổng thống Mỹ thường xuyên công kích CNN là hãng “tin giả” hay “kẻ thù của người dân”, thậm chí ông còn có "ý tưởng" rằng nên thành lập một hãng tin do chính phủ vận hành nhằm chống lại những bài báo và thông tin “không công bằng” từ hãng tin CNN.
Với "bà đầm tóc bạc" The New York Times, cuộc đối đầu với vị Tổng thống cũng gay gắt không kém. Tổng thống Mỹ từng chỉ trích The New York Times là "hủy diệt cuộc sống người dân bằng thông tin giả", và rằng tờ báo nên đóng cửa. Mới đây, ngày 26/2/2020, Ban vận động tái tranh cử của ông Donald Trump đã đệ đơn kiện tờ The New York Times với cáo buộc tờ báo này đã cố tình xuất bản một bài viết trong đó có quan điểm cho rằng Nga và chiến dịch của ông Trump đã có một thỏa thuận bao quát trong cuộc bầu cử năm 2016. Ông Trump cũng cho biết The New York Times "đáng bị kiện" không phải chỉ bởi sự vụ này mà còn bởi "đã có rất nhiều sai phạm trong những năm qua”.
"Những tuyên bố của ông ta đã đi quá xa. Chúng không chỉ nguy hiểm mà còn đi ngược lại những giá trị của Mỹ, trong đó có tự do báo chí"- giới báo chí Mỹ bức xúc. Tuy nhiên, dường như ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng vẫn chẳng mảy may quan tâm đến những phản pháo ấy. Vì thế, cuộc chiến giữa ông và giới truyền thông, có lẽ chưa biết bao giờ mới kết thúc.