Chiều 1.9, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Nội vụ, Sở Thông tin - Truyền thông, Văn phòng UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) có 2 quốc tịch.
Chủ trì buổi họp báo là ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Hà Phước Thắng - Chánh văn phòng UBND TP.HCM.
Toàn cảnh vụ đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp |
Ngay sau khi có thông tin, TP.HCM đã khẩn trương thực hiện quy trình kiểm tra, làm rõ. Trong ngày 25.8, ông Phạm Phú Quốc có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và đơn thôi làm Tổng giám đốc Công ty IPC.
Trước đó, Hãng tin Al Jazeera (Qatar) đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được, gọi là “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Cyprus), cho biết chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp) cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này.
Những người này sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa. Theo Al Jazeera, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua “hộ chiếu vàng” (golden passport) này từ cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm Al Jazeera thu thập được hồ sơ), trong đó có ông Phạm Phú Quốc.
Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty TNHH MTV Bến Thành.
Ngày 4.12.2019, ông Phạm Phú Quốc được UBND TP.HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.