Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 2 con đường cơ bản để lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đó là: Lây truyền trực tiếp qua việc tiếp xúc với người bệnh mà không bảo vệ và lây nhiễm gián tiếp qua bề mặt trung gian đã nhiễm virus.
Chính vì vậy, việc đeo khẩu trang có thể coi là biện pháp ngăn ngừa giọt bắn chứa virus xâm nhập vào đường hô hấp hiệu quả nhất. Đối với người bệnh, người trong giai đoạn ủ bệnh, việc đeo khẩu trang có tác dụng cản trở phát tán của virus ra ngoài.
Thời gian gần đây, có một loại khẩu trang mới đang được rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn đó là khẩu trang nhựa trong suốt.
Loại khẩu trang mới đang được rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn đó là khẩu trang nhựa trong suốt.
Về tính thẩm mỹ: Loại khẩu trang này được đánh giá là khá đẹp, tinh tế và nhẹ nhàng. Có khả năng mở khóa face ID trên điện thoại và tránh làm phai lớp trang điểm. Dễ sử dụng, có thể lau rửa qua khi dùng.
Về chất lượng: Theo lời quảng cáo, chiếc khẩu trang nhựa trong suốt này được nhiều người bán cho rằng có tác dụng ngăn giọt bắn và vi khuẩn 100%, không sợ mưa nắng, chống tia UV, vệ sinh nhanh chóng bằng xà phòng hoặc cồn sát khuẩn. Đặc biệt, chất liệu để sản xuất loại khẩu trang này là nhựa TPU dùng trong y tế & thực phẩm.
Trên mạng xã hội, một chiếc khẩu trang trong suốt này được bán với mức giá trên dưới 200 nghìn đồng/chiếc, thế nhưng rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu một chiếc khẩu trang được đánh giá là "đa năng" như vậy. Có những thời điểm, khẩu trang trong suốt còn "hot" đến mức không có hàng để bán.
Tuy nhiên, loại khẩu trang mới này có thật sự thần thánh như lời đồn?
Bàn về loại khẩu trang trong suốt đang "hot" thời gian gần đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng I) cho biết, để có thể đảm bảo loại khẩu trang này có thực sự lọc được giọt bắn hay không chúng ta cần phải chờ các nghiên cứu, kiểm định và kết luận của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên theo bác sĩ, người dân sử dụng loại khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn đã được kiểm định sẽ an toàn hơn. Còn loại khẩu trang mới chưa chắc chắn về độ an toàn, chưa có giấy kiểm định chất lượng thì không nên sử dụng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – Bộ Y tế), để bảo vệ mình trước dịch bệnh, người dân có thể sử dụng khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường, khẩu trang 3M... đều có thể ngăn giọt bắn từ những người xung quanh như ho, hắt hơi, nhầy mũi, khạc nhổ. Riêng đối với người chăm sóc, điều trị bệnh nhân và những người đi vào ổ dịch mới cần thiết phải sử dụng khẩu trang N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.
Tuy nhiên, khẩu trang chỉ phát huy tác dụng phòng dịch bệnh nếu được sử dụng đúng cách. Đeo khẩu trang sai cách không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn làm mất đi tác dụng bảo vệ, tăng nguy cơ lây bệnh.
- Không được đeo khẩu trang ngược mặt.
- Đối với khẩu trang y tế, đeo mặt có màu sẫm hơn ra ngoài, mặt có màu nhạt hơn t hướng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên. Khi đeo phải che kín cả mũi lẫn miệng.
- Không dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo. Không bỏ khẩu trang khi giao tiếp, khi ho, hắt hơi nơi công cộng.
- Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.
- Đối với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Đối với khẩu trang vải, nên giặt khẩu trang hằng ngày bằng xà phòng để dùng cho lần sau.