Theo TS.BS Đỗ Huyền Nga, Phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết, Bệnh viện K, ung thư máu phổ biến nhất, chiếm 1/3 trong tổng số trường hợp trẻ mắc ung thư hàng năm.
Đây là căn bệnh ác tính của tổ chức máu, gây nên hiện tượng rối loạn quá trình sinh sản và phát triển của dòng bạch cầu, lấn át dòng hồng cầu và tiểu cầu. Tuy nhiên, TS Huyền Nga khẳng định: “Các bệnh ung thư nói chung, ung thư máu nói riêng, có thể điều trị ổn định nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng theo phác đồ".
Ung thư máu ở trẻ em có xu hướng tiến triển nhanh hơn so với người lớn. Kết quả điều trị của phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện và mức độ nguy hiểm của bệnh. Khi được phát hiện ở giai đoạn sớm, trẻ càng có nhiều cơ hội chữa trị bệnh.
Ung thư máu là bệnh có thể điều trị ổn định nếu được phát hiện sớm, chữa kịp thời đúng theo phác đồ. Ảnh: Kids Cancer Care.
Với sự phát triển của nền y học hiện nay, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh có thể lên tới 80%, so với trước đây chỉ đạt 50-60%. Nhiều bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị ổn định, quay trở về cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc, thậm chí là có gia đình riêng và sinh con.
Bác sĩ Nga cũng cho biết: “Là bác sĩ điều trị chuyên ngành ung thư, chúng tôi rất lấy làm tiếc trước những trường hợp từ chối điều trị theo phương pháp y học hiện đại, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền tai nhau uống Thu*c nam hay thực dưỡng. Đây là điều chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tại bệnh viện và khoa điều trị để tâm lý người bệnh luôn ổn định, đặt niềm tin vào các bác sĩ".
Theo chia sẻ từ TS Huyền Nga, ung thư máu ở trẻ em không có những biểu hiện điển hình. Tuy nhiên, chúng ta có thể căn cứ vào một vài dấu hiệu để nhận biết sớm.
- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân: Trẻ có dấu hiệu sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, ra mồ hôi nhiều, đặc biệt là vào ban đêm.
- Xuất hiện các vết bầm tím trên da hoặc bị chảy máu mũi: Trên người bỗng xuất hiện các vết bầm tím hoặc ban đỏ không rõ nguyên nhân, chảy máu mũi thường xuyên, có thể là biểu hiện cảnh báo ung thư máu ở trẻ. Hiện tượng này xảy ra do khả năng đông máu kém, số lượng bạch cầu tăng cao, chèn ép tiểu cầu và hồng cầu.
Vết bầm tím trên da là dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ có thể bị ung thư máu. Ảnh: Kids Cancer Care. |
- Trẻ bị thiếu máu, da xanh xao: Ung thư máu khiến lượng bạch cầu tăng cao và hồng cầu suy giảm. Hồng cầu có chức năng đưa oxy đi khắp cơ thể. Khi bị thiếu hồng cầu, trẻ sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, da tái nhợt xanh xao, thở dốc,...
- Sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân: Khi mắc ung thư máu, các tế bào ung thư làm cho khu vực bụng của trẻ bị khó chịu, gây cảm giác chán ăn, sụt cân, cơ thể yếu ớt.
- Trẻ bị khó thở: Nguyên nhân trẻ mắc ung thư máu bị khó thở là các tế bào bạch cầu phát triển mạnh có thể tập trung ở quanh tuyến ức, gần khu vực cổ, khiến trẻ cảm thấy khó thở.
- Trẻ hay bị nhiễm trùng: Nhiễm trùng thường xuyên, dai dẳng là một trong những biểu hiện của ung thư máu như ho, sốt, chảy nước mũi,… Tình trạng này thường không thuyên giảm dù dùng Thu*c kháng sinh.
- Đau bụng, chướng bụng: Tế bào bạch cầu phát triển mạnh và tích tụ trong các cơ quan nội tạng như gan, thận, lá lách,… khiến trẻ bị đau, chướng bụng.
- Hạch bạch huyết sưng to: Khi trẻ bị ung thư máu, các hạch bạch huyết ở khu vực cổ, dưới cánh tay, bẹn sẽ bị sưng to, cứng do tích tụ nhiều tế bào bạch cầu.
- Đau nhức xương khớp: Máu thường được sản xuất trong tủy xương. Nhưng khi bị ung thư máu, lượng hồng cầu bị suy giảm (do bạch cầu tăng cao), sự tích tụ quá mức của bạch cầu sẽ chèn ép, tác động lên các mô xương gây đau nhức.
Điều trị bệnh ung thư máu là sự kết hợp phác đồ đa mô thức, những phương pháp điều trị như hóa trị, phẫu thuật,… Các bác sĩ cân nhắc tùy theo thể trạng sức khỏe, dạng bệnh và tuổi của trẻ.
Tuy nhiên, bác sĩ Nga cũng khẳng định: “Đừng vì cả tin mà bỏ dở điều trị, đi theo những lời khuyên hay phương pháp thiếu cơ sở khoa học và không có đích đến. Bởi để chiến thắng ung thư, không có phương pháp nào ngoài y học hiện đại và chính tâm lý lạc quan của người bệnh".
Theo Zing
Chủ đề liên quan:
chảy máu mũi