Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Khoá chặt các chùm bệnh, nguồn lây

Tranh thủ khung giờ vàng (48 giờ), Hà Nội đã tập trung cao độ, nhanh chóng truy vết các F1 nhằm cắt đứt nguồn lây, khóa chặt các chùm bệnh. Tại TP Hồ Chí Minh, công tác khoanh vùng, dập dịch cũng diễn ra hết sức khẩn trương. Hai thành phố lớn nhất đất nước và cũng là hai thành phố có nhiều ca Covid-19 đều chủ động, bình tĩnh và quyết liệt chống dịch.
Tại chốt giám sát y tế xã Vân Hà (Đông Anh) nơi giáp ranh Bắc Ninh - Hà Nội, chiều 1/6. Ảnh: Quang Vinh.

Mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử

Để nâng cao công tác phòng chống dịch Covid-19 thêm một mức, TP Hà Nội đã yêu cầu tất cả người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; những người đang trong ổ dịch; những người cách ly tập trung; những người đi qua vùng dịch hoặc đi từ vùng dịch trở về; những công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh có dịch và các tỉnh lân cận; những người đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; những người đi tàu bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe buýt tuyến đường dài trên địa bàn TP Hà Nội cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử.

Hà Nội: Tranh thủ từng phút, từng giờ khoanh vùng, dập dịch

Đó là phương châm được TP Hà Nội đặt lên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại thời điểm này. Việc tận dụng từng phút, từng giờ nằm trong khung giờ vàng để dịch bệnh được “khoanh vùng”, không có khả năng lây lan rộng.

Hiện thành phố còn 56 điểm phong tỏa, đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 26.000 trường hợp F1; hơn 27.000 cán bộ y tế và người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Đặc biệt, Hà Nội đã thành lập 13 cơ sở cách ly tập trung F1 với hơn 9.600 chỗ; đã rà soát được 43 cơ sở với gần 11.000 chỗ cách ly tập trung nhằm nâng công suất cách ly lên 30.000 trường hợp.

Tính đến 1/6, Hà Nội đã ghi nhận hơn 200 ca mắc ngoài cộng đồng tại 22 quận, huyện và trong khu cách ly tập trung Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ngoài ra, trên địa bàn cũng ghi nhận 229 ca mắc trong bệnh viện, 12 ca nhập cảnh đã được cách ly, 5 ca nhân viên y tế.

Trong 2 ngày gần đây, Hà Nội đã có 27 ca mắc là F1 trong các khu cách ly tập trung và 2 ca mắc mới liên quan đến tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Do đó sự khẩn trương, liên tục đã được lực lượng chức năng của Thủ đô vào cuộc mạnh mẽ.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mặc dù các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên trong những ngày qua vẫn ghi nhận các ca mắc là trường hợp F1 trong các khu cách ly tập trung, ngoài cộng đồng ghi nhận ca mắc liên quan đến khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nên thời gian tới, Hà Nội sẽ vẫn có thêm các ca mắc mới.

“Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đề xuất các đơn vị cần phải tranh thủ 48 giờ vàng, nhanh chóng rà soát các F1 của các ca F0, khẩn trương cắt đứt nguồn lây; siết chặt quản lý tại các khu cách ly tập trung, thực hiện giảm mật độ cách ly đối với F1, tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc với F1 để không lây nhiễm chéo; tiếp tục giám sát chặt chẽ người lao động tại các tỉnh đang là ổ dịch; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong trường hợp TP Hà Nội quyết định tổ chức kỳ thi vào lớp 10”- ông Hạnh nói.

Thực hiện nghiêm túc và khẩn trương chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ ngày 31/5, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa công dân sang khu cách ly tại trường Đại học FPT.

Ngày 1/6, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Đại tá Đoàn Vũ Thắng, Khung trưởng Khung quản lý cách ly tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, nhà trường đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp về việc giảm tải mật độ trong khu cách ly. Theo Đại tá Thắng, các bước tiến hành trong quá trình “san tải”, đặc biệt là việc di chuyển công dân từ Trường Quân sự sang Đại học FPT.

Chia sẻ với chúng tôi, chị N.T.H., công dân trong khu cách ly cho biết, đầu giờ chiều ngày 31/5, chị và các thành viên trong phòng đến lượt di chuyển. Mỗi phòng đi 1 ô tô, mỗi người một hàng ghế, giãn cách đúng quy định. Sang đến nơi, những thành viên trong phòng chị H. được chia vào các phòng với mật độ 4 người/phòng. Trong quá trình chuyển đổi, lực lượng chức năng luôn đảm bảo nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, hướng dẫn cụ thể.

“Đây là những hành động rất kịp thời của chính quyền để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo”- chị H. nói.

Thanh niên tình nguyện giúp người dân Gò Vấp (TP HCM) khai báo y tế để xét nghiệm.

TP Hồ Chí Minh: Người dân Gò Vấp bình tĩnh động viên nhau chờ hết dịch

Thay vì nháo nhào tìm cách rời thành phố về quê hay đổ xô tới các trung tâm siêu thị, chợ để mua đồ thực phẩm dự trữ, nhiều người dân ở quận Gò Vấp cho biết họ chấp nhận ở nhà, làm việc online, dành thêm thời gian cho bản thân, gia đình cũng như theo dõi thông tin trên truyền thông, mạng xã hội. Việc hạn chế di chuyển cũng như chấp nhận sống khép kín trong thời gian 2 tuần là cần thiết, cùng chung tay với lực lượng chức năng chống dịch.

Anh Nguyễn Văn Hoanh, 41 tuổi, luật sư chuyên tư vấn luật doanh nghiệp cho biết, thời gian gần đây dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc, thu nhập của anh. “Trước kia tôi thuê một văn phòng 28 mét vuông ở một chung cư trên địa bàn quận 3 cho tiện việc gặp gỡ khách hàng cũng như sử dụng làm nơi giao dịch. Từ hồi dịch bệnh bùng phát, tôi tạm trả mặt bằng, sử dụng chính chung cư mình đang ở tại đường Dương Quảng Hàm làm địa chỉ giao dịch. Ngoài 3 đồng nghiệp trong công ty, hầu hết công việc đều giao dịch trên mạng hoặc điện thoại, dù gặp nhiều bất tiện. Tuy nhiên trong giai đoạn dịch bệnh này, việc cắt giảm một số thứ là điều cần thiết. Hiện nay điều mong mỏi của tôi là chờ cho dịch bệnh qua đi để tính tiếp” - anh Hoanh chia sẻ.

Theo anh Hoanh, trước kia mỗi tuần anh có từ 3-4 buổi tư vấn luật tại các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP HCM cho công nhân, người nước ngoài. Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tư vấn bị chuyển qua hình thức trực tuyến trên hệ thống Zoom hoặc anh viết các văn bản tư vấn luật gửi cho đối tác để công ty phổ biến cho người lao động. Mong muốn của anh là sớm được tiếp cận với việc tiêm vaccine để có thể an tâm hơn trong cuộc sống.

Anh Đặng Văn Lượng (đường Thống Nhất, quận Gò Vấp) - giám đốc một công ty thiết kế phần mềm cho biết, do bình thường công việc của anh cũng chủ yếu làm trên mạng, online nên dù có chấp nhận ở nhà một thời gian cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên, với những người dân khác, đặc biệt là người thuê trọ tạm trú ở khu vực này thì lại không như vậy.

Người dân chủ động khai báo y tế điện tử.

“Gò Vấp là quận tiếp giáp trung tâm và ngoại ô nên có rất nhiều người dân ở miền Trung như Phú Yên, Bình Định vào đây mưu sinh. Họ thuê trọ ở trong các hẻm nhỏ rồi đi bán vé số, lượm ve chai, bán đồ ăn vặt cho các quán nhậu... Dịch bệnh phức tạp nên nhiều dịch vụ phải tạm ngừng công việc khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Ngoài việc kêu gọi hỗ trợ thực phẩm, chúng tôi cũng lên các nhóm cư dân phường 15, 16 hay của cộng đồng quận kêu gọi các chủ nhà trọ giảm giá phòng thuê, hỗ trợ tiền điện nước cho người thuê trọ. Với mong muốn mọi người cùng nhau vượt qua đợt dịch này” - anh Lượng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bốn, cán bộ quân đội nghỉ hưu cho biết, hầu hết người dân ở đường Nguyễn Thái Sơn nơi ông sinh sống đều có ý thức chấp hành chủ trương giãn cách rất tốt.

“Thay vì tập thể dục, ăn sáng, uống cà phê hay chơi cờ với mấy người bạn, thời gian này chúng tôi tự ở nhà, hay ra ngoài cửa ngồi chơi. Ai ở nhà nấy, tránh tiếp xúc gần. Tôi đọc báo thấy nhà nước có kế hoạch mua vaccine tiêm chủng toàn dân nên cũng an tâm, nói con cháu chỉ cố gắng bớt đi lại vài tuần cho dịch bệnh lắng xuống là an tâm. Công việc thì ai cũng có, cũng thấy cần thiết nhưng nghĩ lại thì sức khỏe quan trọng hơn. Mình ở nhà một vài tuần cũng không sao. Ngay cả con gái và cháu ngoại ở bên Bình Chánh kêu qua chơi tôi cũng không cho, bảo ở yên khi nào hết dịch thì qua thăm ngoại” - ông Bốn chia sẻ.

Sau nhiều ngày âm thầm lây nhiễm từ các thành viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến địa bàn quận Gò Vấp vẫn liên tiếp được ghi nhận. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng (gần như toàn bộ cư dân của quận) để tìm kiếm các mầm bệnh chưa bị phát hiện đồng thời phối hợp với lực lượng quân đội phun Thu*c khử khuẩn nhiều tuyến đường.

Người dân Gò Vấp cũng như người dân TP HCM bình tĩnh, quyết tâm, và tin tưởng vào việc thực hiện giãn cách để chống dịch.

Bằng mọi giá phải kiểm soát được nguồn lây, dập dịch trong 2 tuần

Ngày 1/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với UBND TP HCM về công tác phòng, chống Covid-19. Phó Thủ tướng yêu cầu, thành phố cần nhanh chóng dập dịch trong vòng 2 tuần. Phải xác định trọng tâm, trọng điểm, phương hướng, kiểm soát được nguồn lây. Cần đánh trúng mục tiêu, nhổ gai có độc để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về quản lý địa bàn cơ sở. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trong đó bao gồm chủ tịch UBND quận/ huyện, phường/ xã. Phó Thủ tướng cũng lưu ý về nguy cơ dịch bệnh xảy ra tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. TP HCM có khoảng 1,6 triệu công nhân, riêng khu chế xuất - khu công nghiệp có khoảng 280.000 người. Phó Thủ tướng cho biết, diễn biến dịch bệnh phức tạp, có thể xuất hiện nhiều ca nhiễm nhưng tình hình vẫn được kiểm soát.

Thanh Giang

Mạng Y Tế
Nguồn: Đại đoàn kết (http://daidoanket.vn/khoa-chat-cac-chum-benh-nguon-lay-5642701.html)

Tin cùng nội dung

  • Ngày 26/12, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Long họp khẩn để bàn giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện trên địa bàn xuất hiện các trường hợp từ nước ngoài trở về nhập cảnh trái phép và có nguy cơ lây nhiễm cao.
  • Trước sự lây nhiễm của 4 bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo: Thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.
  • Theo sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 vừa ban hành, Bộ Y tế yêu cầu thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính.
  • Ngày 3/12, Bộ Y tế ban hành “Sổ tay hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”.
  • (MangYTe) - Ứng dụng Bluezone được cài đặt trên điện thoại có thể giúp truy vết F1, F2 của các ca mắc COVID-19, từ đó ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
  • (MangYTe) - Cơ quan chức năng huyện Vân Đồn vừa phát đi công văn hỏa tốc, truy vết tất cả các trường hợp có tiếp xúc BN 950 khi người này đi du lịch ở Vân Đồn, Quảng Ninh.
  • Một trường hợp kết quả điểm phúc khảo chênh lệch đến khó tin: trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thí sinh Mai Chiến Thắng, đến từ Hội đồng thi THPT Gang Thép, tỉnh Thái Nguyên có điểm môn toán ban đầu là 0,5, sau phúc khảo là 9,75.
  • Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến trưa 18/8, Hà Nội còn 18.333 người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15/7 ở 14 quận, huyện chưa được lấy mẫu xét nghiệm. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần tích cực xét nghiệm PCR, đồng thời kết hợp xét nghiệm huyết thanh để tìm ra con vi khuẩn chứ không phải tìm ra kháng thể thì mới ngăn chặn được nguồn lây...
  • (MangYTe)- F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh và sẽ là nguồn phát tán virus khó kiểm soát nếu không được cách ly sớm.
  • MangYTe - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói Quảng Ngãi phải thần tốc truy vết F1, đây là yếu tố quyết định trong dập dịch COVID-19.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY