Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và các địa phương khác liên quan đến Đà Nẵng vẫn đang có xu hướng tăng. TP Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp trong đó quyết liệt truy tìm F1 để ngăn chặn đường lây truyền COVID-19.
PGS -TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng nhận định, hiện tại COVID-19 chưa có vacine phòng bệnh, cũng như chưa có Thu*c điều trị đặc hiệu.
Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt đứt đường lây truyền, để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng.
Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19.
Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn.
Việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.
Truy vết, cách ly toàn bộ F1 là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc chiến COVID-19. ẢNH: TUẤN DŨNG
Theo ông Dương, muốn phát hiện sớm không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Và một trong cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là phải truy vết.
“Truy vết F1 một cách thần tốc, đó là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng, nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus. Lúc đấy, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trung đông người. Lúc đó dịch sẽ không ngăn chặn được nữa” ” – ông Dương nói.
Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng yêu cầu tất cả các trường hợp F1 phải được cách ly tập trung, tuân thủ quy định của Bộ Y tế. Không để xảy ra trường hợp ngoại lệ nào là F1 cách ly tại nhà.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hướng dẫn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung, trong đó có đối tượng F1.
Trong hướng dẫn đã có những quy định rất chi tiết cho từng đối tượng như người quản lý khu tập trung, người cách ly... Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung.
Vì ở những nơi này, các F1 là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, lây nhiễm virus, cho nên vào khu cách ly, việc sắp xếp từ phòng ốc, đồ dùng sinh hoạt đến việc cách ly thế nào đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế và được thực hiện bởi cơ quan quản lý. Theo dõi y tế phải được tiến hành bởi nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung đó.
Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo bệnh (nếu có) sang nhau.
Với tư cách là Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng và là người có kính nghiệm “lăn lộn” ở các điểm nóng, PGS - TS Trần Như Dương hi vọng người dân hiểu đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn dân, trong đó “mỗi gia đình là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ”.
Mỗi người đều phải có trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội, mình vì mọi người, mọi người vì mình.