Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Dịch bệnh gia tăng ở Quảng Nam, Đà Nẵng

Ngoài sốt phát ban, rubella đang diễn biến phức tạp thì thủy đậu, tay chân miệng cũng đang gia tăng và lây lan nhanh tại Quảng Nam, Đà Nẵng.
Mặc dù đã đề phòng lây nhiễm bệnh từ hai con, chồng và một số đồng nghiệp, chị Nguyễn Thị Hồng Ánh - cán bộ Phòng NNPTNT huyện Điện Bàn (Quảng Nam) vẫn bị lây sốt phát ban. Do ít được kiêng khem lại ngại đến bệnh viện thăm khám nên đã 3 tuần khởi bệnh, đến nay chị Ánh vẫn ho, chán ăn, mệt mỏi.

Tương tự, cháu Lê Thị Trà Mi (12 tuổi, Điện Ngọc, Điện Bàn) cũng lây bệnh từ bạn học trong lớp, đến nay đã 7 ngày, em vẫn còn sốt, ho, phải nghỉ học. Theo chị Nguyễn Thị Công (mẹ cháu Mi), cách đây 10 ngày, cháu có dấu hiệu nổi mẩn đỏ, rát họng, chán ăn… gia đình đưa đi khám bác sĩ tư và mua Thu*c điều trị, nhưng đến nay cháu vẫn chưa khỏi. Hiện, cháu Lê Công Anh (5 tuổi) cũng có dấu hiệu lây bệnh từ chị.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Điện Bàn, năm nay bệnh sốt phát ban và rubella ở Điện Bàn tăng đột biến. Từ sau Tết đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 1.700 ca sốt, trong đó phần lớn bị sốt phát ban và rubella.

Điều đáng ngại là nhiều người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng bệnh này không nguy hiểm, nên khi có triệu chứng sốt, nổi mẩn đỏ, thường tự ý mua Thu*c về uống hoặc đến khám tại các phòng khám tư. Chính vì thế mà có nhiều trường hợp bị biến chứng, ho, viêm phổi kéo dài cả tháng trời.

Thành phố Đà Nẵng đang gia tăng sốt phát ban, thuỷ đậu... Theo Sở Y tế thành phố, từ tháng 2 đến nay có 1.800 ca sốt phát ban và thuỷ đậu, tập trung ở cả trẻ em và người lớn. Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, rét kéo dài nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ em và người già cũng tăng cao, khiến nhiều bệnh viện và trung tâm y tế các quận, huyện cũng như các phòng khám tư ở thành phố Đà Nẵng trở nên quá tải.

Ngày 15.4, trao đổi với NTNN, bác sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng, cho biết, hiện đã vào mùa nắng nóng, một số loại dịch bệnh như tay-chân-miệng, viêm não bắt đầu xuất hiện trở lại tại nhiều tỉnh miền Trung.

Dịch cúm A-H1N1 cũng đang diễn biến phức tạp, đã có 1 trường hợp Tu vong tại Quảng Nam. Vì thế, sự chủ động ứng phó với dịch bệnh là việc làm thường xuyên không chỉ của riêng ngành y tế, mà của cả cộng đồng. Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi có biểu hiện của các bệnh truyền nhiễm này thì đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn tư vấn, cách ly.

Theo Vũ Vân Anh - Dân Việt

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-dich-benh-gia-tang-o-quang-nam-da-nang-9319.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY