Bạn nên biết hôm nay

Không chủ quan với tả ngoại nhập

Dịch tả đang diễn biến phức tạp tại Iraq, đến nay đã có ít nhất 2.200 người bị nhiễm bệnh (20% là trẻ em), trong đó có 6 trường hợp Tu vong.

Có thể gây biến chứng nặng nề nếu không được điều trị

Bệnh tả thể điển hình thường có khởi phát đột ngột sau thời gian nung bệnh vài giờ đến vài ngày, trung bình 3-5 ngày. Triệu chứng ở giai đoạn toàn phát gồm tiêu chảy cấp từ vài lần đến vài chục lần/ngày, phân toàn nước, đục lờ lờ như nước vo gạo, hoặc hơi xanh, trong phân có các hạt màu trắng xám như hạt gạo. Cùng với tiêu chảy là tình trạng mất nước, rối loạn điện giải nặng: da khô, mất tính đàn hồi, mặt hốc hác, lạnh đầu chi, chuột rút, thiểu hoặc vô niệu, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ và có thể có sốc. Bệnh nhân thường không sốt, da xanh hoặc tái nhợt, dấp dính mồ hôi lạnh, người mệt lả song tỉnh táo. Trẻ em có thể có co giật, bụng chướng và loạn nhịp tim. Bệnh có thể diễn biến nhanh dẫn tới Tu vong nếu không được bù dịch và điều trị sớm, đúng cách.

Bên cạnh các ca bệnh tả điển hình thường có nhiều trường hợp tả không điển hình, với biểu hiện có rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhẹ, triệu chứng nhiễm khuẩn hoặc mất nước không rõ. Trong một vụ dịch tả thường cứ mỗi ca bệnh tả điển hình có hàng chục tới hàng trăm trường hợp bệnh nhẹ hoặc người mang vi khuẩn không triệu chứng.

Ổ chứa và nguồn bệnh.

Người là ổ chứa vi khuẩn tả quan trọng và cũng là nguồn bệnh, bao gồm người bệnh mắc thể điển hình hoặc các thể nhẹ, không điển hình; và người mang mầm bệnh không triệu chứng (còn gọi là người lành mang trùng). Sau vụ dịch tả có một tỷ lệ nhỏ (khoảng 3% đến 5% bệnh nhân các thể) có khả năng mang vi khuẩn tả kéo dài một vài tháng, đôi khi kéo dài hàng năm nếu không được điều trị đặc hiệu đúng quy định.

Vi khuẩn tả cũng có thể tồn tại lâu dài dưới dạng tiềm sinh (thể ngủ) ở một số loài động vật thủy sinh, nhất là các loài nhuyễn thể (trai, sò, ngao...) vùng cửa sông hay ven biển. Đây là nguồn bệnh có thể gặp trong thời gian giữa các vụ dịch tả ở người và là nguyên nhân các ca bệnh tả tản phát giữa hai vụ dịch. Như vậy trên thực tế đã tồn tại các ổ chứa thiên nhiên của vi khuẩn tả, ngoài ổ chứa quan trọng là người.

Bệnh lây truyền thế nào?

Bệnh tả lây theo đường tiêu hóa, chủ yếu qua ăn uống. Vi khuẩn tả xâm nhập vào đường tiêu hóa của người lành từ 2 nguồn chính: thức ăn, nước uống ô nhiễm phân có phẩy khuẩn tả.

Bệnh tả lây mạnh nhất ở giai đoạn toàn phát của bệnh, thời gian thải vi khuẩn thường kéo dài khoảng 1 tuần sau khi hết tiêu chảy cấp. Một số ít bệnh nhân có thể gây nhiễm sau mắc bệnh nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng do khả năng đào thải vi khuẩn tả từng đợt theo phân.

Các yếu tố làm lây truyền vi khuẩn tả là nước, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến để nguội, ôi thiu; bàn tay; dụng cụ ăn uống; đồ dùng cá nhân và ruồi nhặng có ô nhiễm phẩy khuẩn. Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng lan truyền bệnh tả là mật độ dân cư đông đúc; đời sống kinh tế, xã hội và dân trí thấp; phong tục tập quán sinh hoạt lạc hậu; thời tiết nóng ẩm; nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh...

Khuyến cáo về kiểm soát dịch tả.

Bệnh tả là 1 trong 3 bệnh kiểm dịch quốc tế, vì vậy cần được áp dụng chế độ báo cáo khẩn cấp khi phát hiện ca bệnh tả (đã khẳng định qua xét nghiệm hay còn nghi ngờ). Báo cáo khẩn cấp cũng được thực hiện khi trong một khu vực nhất định có số lượng bệnh nhân tiêu chảy cấp tăng cao một cách bất thường, nhất là trong đó có những ca tiêu chảy tóe nước, phân như “nước vo gạo” kiểu tả.

Tổ chức giám sát liên tục, chặt chẽ ca bệnh và cách ly bệnh nhân. Trường hợp nặng được cách ly, điều trị tại bệnh viện, trường hợp nhẹ có thể cách ly điều trị tại y tế cơ sở hay tại gia đình. Bệnh phẩm của bệnh nhân, nhất là phân và chất nôn, phải được khử khuẩn, tẩy uế đúng quy cách. Hạn chế cao nhất việc di chuyển bệnh nhân ra khỏi vùng dịch. Hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa bệnh nhân và người lành. Nhân viên y tế phục vụ phải được huấn luyện kỹ và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, uống kháng sinh dự phòng.

Thực hiện vệ sinh phòng bệnh tiêu chảy thường xuyên, đặc biệt chú ý vệ sinh phân, nước, chất thải, vệ sinh cá nhân, xua diệt ruồi nhặng. Đối với nguồn nước máy cần thường xuyên kiểm tra để duy trì nồng độ clo dư thừa. Với nguồn nước giếng, nước bề mặt, nhất là vào các mùa nước lũ, khi có thiên tai thảm hoạ cần được khử trùng bằng Cloramin, để tối thiểu 60 phút trước khi dùng cho sinh hoạt. Dùng kháng sinh điều trị dự phòng khẩn cấp cho các đối tượng tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân tả, kể cả các nhân viên y tế phục vụ trực tiếp.

ThS. Hồng H&

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-khong-chu-quan-voi-ta-ngoai-nhap-21643.html)

Chủ đề liên quan:

tả ngoại nhập

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY