(HNNN) - Sân chơi là không gian cần thiết để trẻ em phát triển các kỹ năng về thể chất, cảm xúc, trí tưởng tượng và cải thiện khả năng phối hợp cũng như khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống. Chính vì thế, từ nhiều năm trước, sân chơi cho trẻ em đã là hạng mục không thể thiếu khi xây dựng công viên, trường học, khu dân cư tại các quốc gia phát triển...
Các chuyên gia tâm lý học, sinh học, sức khỏe và giáo dục đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu về vai trò của sân chơi đối với sự phát triển của trẻ. Số liệu đều chứng minh rằng, trẻ em lĩnh hội được nhiều kỹ năng khi tham gia các trò chơi như kỹ năng vận động, khả năng nhận thức, kỹ năng ngôn ngữ. Ngoài ra, sân chơi là một khía cạnh thiết yếu trong quá trình học tập. Nhiều khuyến nghị cho rằng, trẻ em nên có ít nhất 60 phút hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mẽ mỗi ngày và sân chơi là nơi hoàn hảo để thực hiện điều này.
Theo Madelyn Girardi - chuyên gia trị liệu tại Massachusetts (Mỹ): “Môi trường sân chơi mang lại sự tương tác xã hội phong phú cho trẻ em vì chúng thường được chia sẻ không gian bởi bạn bè ở nhiều lứa tuổi, giới tính và có khả năng khác nhau. Chúng tôi biết rằng trẻ em được hưởng nhiều lợi ích từ cơ hội quan sát và học hỏi hành động của người khác. Mỗi trò chơi có mô hình riêng và cách chơi khác nhau, do đó, có các kỹ năng phát triển khác nhau. Ví dụ, các cấu trúc trên cao như thanh xà ngang, có xu hướng thu hút trẻ từ 10 tuổi trở lên, khuyến khích vận động một cách độc lập và kiên trì. Trong khi đó, xích đu khuyến khích sự hợp tác giữa các trẻ vì chúng đòi hỏi kỹ năng thực hiện theo lượt, giao tiếp và làm việc theo nhóm. Cát và đất nặn thúc đẩy các kỹ năng tưởng tượng, sáng tạo”.
Thông thường, sân chơi được xây dựng theo hai nhóm cơ bản - sân chơi trong nhà và sân chơi ngoài trời. Khi lựa chọn thiết bị cho hai nhóm sân chơi này, chủ đầu tư tiến hành khảo sát kết cấu khu vực đặt sân chơi để từ đó lựa chọn thiết bị cho phù hợp theo mục đích sử dụng của trẻ. Ví dụ, với các khu ngoài trời, các thiết bị để xây dựng thường là chất liệu có độ bền cao, trò chơi cũng có độ liên hoàn và quy mô lớn hơn...
Tại Singapore, một trong những khu vui chơi ngoài trời được yêu thích là Jacob Ballas Children’s Garden. Đây là nơi trẻ có rất nhiều thứ để khám phá. Được thiết kế dành cho trẻ dưới 14 tuổi, khu vui chơi bao gồm rất nhiều hạng mục, từ vận động, thể thao như đu dây, leo thang hay mang tính giải trí như cầu trượt, bập bênh, đến các khu vực khám phá như mê cung, vườn cây ăn quả... Far East Organization Children’s Garden cũng là một khu vui chơi thường được nhắc tới tại quốc đảo này. Ngoài các trò chơi phổ thông mà trẻ em yêu thích, khu vực dành cho trẻ từ 6 - 12 tuổi còn có các trò chơi dưới nước. Khu cho trẻ mới biết đi (1 - 5 tuổi) có các trò leo trèo, cầu lắc đơn giản. Cảnh sắc của Far East Organization Children’s Garden gây ấn tượng gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm giác dễ chịu, thư thái.
Tại Australia, Wulaba Park là sân chơi được ví như “thế giới thần tiên” ở Sydney. Dù các trò chơi được bố trí tại đây chỉ là các hạng mục thường thấy như cầu trượt, đường hầm, xích đu, song điểm hấp dẫn là sự tinh tế trong cách thiết kế và màu sắc của các trò chơi. Đánh giá về sân chơi này, Seana Connell, một người dân Sydney cho biết: “Đây là nơi cung cấp không gian vui chơi đa dạng cho trẻ em, từ sân bóng đá, bóng ném và những ống trượt khổng lồ. Có thể phục vụ trẻ em nhiều lứa tuổi, cách bố trí sân chơi rất khoa học, có rào chắn ở những khu vực trò chơi dành cho trẻ em lớn tuổi để đảm bảo an toàn cho các bé ở lứa tuổi nhỏ hơn. Độ liên kết giữa các trò chơi giúp kích thích sự hứng thú liền mạch của các em từ khi bắt đầu chơi cho tới lúc kết thúc”.
Những năm gần đây, để nâng cao nhận thức của trẻ đối với môi trường, xã hội, nhiều tổ chức đã khuyến khích các em tham gia xây dựng sân chơi từ các vật dụng tái chế. Dù không được bóng bẩy như những sân chơi thông thường song sân chơi từ vật liệu, đồ dùng tái chế không kém phần hấp dẫn. Rural Studio Lion’s Park Playscape tại Alabama (Mỹ) là một mô hình sân chơi tái chế nhận được nhiều đánh giá tích cực. Đây là ý tưởng sáng tạo của nhóm sinh viên Auburn University. Từ hơn 2.000 thùng phuy sắt bỏ đi, các sinh viên đã sắp xếp chúng thành một mê cung, khiến trẻ em hứng thú khám phá bằng cách chạy, trốn, nhảy và leo trèo. Trong khi thiết bị vui chơi truyền thống được thiết kế để kích thích hoạt động thể chất, thì những chiếc thùng phuy được sắp đặt trong không gian ngoại ô rộng lớn giúp kích thích trí tưởng tượng và sự sáng tạo, đồng thời mang lại kỹ năng cơ bản của trẻ liên quan đến hình dạng và âm thanh phát ra từ những chiếc thùng sắt.
Theo chuyên gia giáo dục nổi tiếng của Anh, Tina Bruce: “Nghiên cứu về não bộ cũng như về các lĩnh vực khác đã cho thấy ngày càng rõ hơn về nhu cầu được vui chơi của trẻ. Chơi đùa đóng vai trò là cơ chế tiếp sức cho những suy nghĩ mang tính sáng tạo và rèn luyện bản lĩnh, sự nghiêm túc ở tuổi trưởng thành”. Chính vì thế, sân chơi đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ.