Thẩm mỹ hôm nay

Thẩm mỹ trực tiếp thúc đẩy tâm lý, làm tăng năng suất lao động, nhưng nó còn tham gia nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò chủ yếu của nó vẫn là làm giàu có cho đời sống tinh thần của con người.. Vai trò của những thước đo thẩm mỹ trong đời sống tinh thần cũng tương tự như vai trò của những thước do đạo đức trong đời sống xã hội.

Không ngại khổ, chỉ sợ mất học trò

Năm học 2018 – 2019, đặt chân đến cổng trường Tiểu học Mường Típ 1 chuẩn bị cho khai giảng, cô Nguyễn Thị Thu Hiền òa khóc nức nở khi chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của bão lũ. Cô không sợ khó, không sợ khổ, 10 năm dạy học ở đây, không biết bao nhiêu lần cô cùng đồng nghiệp tự nhủ phải cố gắng lên. Điều duy nhất cô sợ là sợ mất học trò…

Mười năm trước, cô cũng đã khóc khi đến nhận công tác tại trường Mường Típ 1, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Một cô giáo trẻ, là con gái thành phố Vinh, vượt hơn 250km lên vùng sâu, vùng xa nhất dạy học, không khóc mới lạ! Lần đầu tiên cô đến “khu vực biên giới”, đi trên con đường dốc đá cheo leo, lởm chởm. Trước mắt chỉ núi và núi cao hơn nữa, một bên là sông, qua bên kia sông đã là nước bạn Lào. Lần đầu tiên cô biết đến cảm giác mất hết liên lạc với xung quanh: Không sóng điện thoại, không điện, không cả biết giao tiếp với ai, xung quanh là đều là bà con dân tộc thiểu số, chỉ rất ít người nói được tiếng Kinh.

Sau đó thì cô không khóc nữa. Cô quen dần với cuộc sống tối giản, không đầy đủ tiện nghi. Cô đọc và nhớ dần tên của các bản làng, phân biệt đâu là bản người Thái, bản người Khơ Mú và bản Mông. Cô cũng quen dần từng gương mặt học sinh. Những đứa trẻ lam lũ, đen nhẻm, lấm lem đất cát. Khi cười nhe hàm răng sún và đôi mắt thì trong veo.

Đôi chân cô đã quen với những con đường rừng cheo leo, để lên tận rẫy bắt trò về đi học. Cô tìm thấy niềm vui khi dạy chúng biết đọc, biết viết, biết chào hỏi lễ phép và thích đến trường. Mỗi một lớp trẻ hoàn thành chương trình học, được lên lớp, rồi lên học cấp 2 là cô phấn khởi vô cùng. Thấy mình đã đem lại được điều gì đó ý nghĩa cho những đứa trẻ vùng cao này, giúp chúng biết ước mơ xa hơn một chút, khỏi bản làng rẻo cao này. Mỗi năm học mới, cô lại mong chờ, hi vọng. Từ xuôi lên cô đem nào giấy bút, sách vở quần áo đem tặng cho học sinh.

Nhưng năm học này, vào đến trường, cô lại bật khóc. Cô khóc không phải vì sợ hãi và bỡ ngỡ, tủi thân của cô gái hơn hai mươi tuổi cách đây 10 năm, mà vì thương học trò, vì sự tàn phá kinh khủng của lũ quét đã gây ra. “Trước mắt tôi tất cả mọi thứ bị cuốn trôi và ngập trong những đống bùn dày đặc. Cổng trường bị chặn ngang bởi đất đá sạt lở hơn 1m. Phòng học của học sinh bị cuốn trôi, hư hỏng. Những ngôi nhà mà giáo viên người xuôi lên đây công tác nay chỉ còn là bãi đất trống… Tôi bị nghẹt thở… Chúng tôi không thể kiềm chế được lòng mình. Tôi phải làm sao đây. Khi mà năm học mới gần đến. Mọi trường trên cả nước đang nô nức chào đón năm học mới thì chúng tôi chỉ biết nghẹn ngào không nói nên lời”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền trải lòng: Một số người, chỉ một số ít thôi, nói chúng tôi dạy ở miền núi, vùng biên giới, có lương cao còn kêu ca cái gì. Họ nói trên mạng xã hội, khi cô kể về trận lũ tan hoang vừa qua, khi cô mốn kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ giúp đỡ cho thầy – trò và người dân tuyến Ải – Típ. Cô im lặng, không muốn giải thích gì. Bởi có nhiều người thực sự hiểu và thông cảm, quan trọng nhất, là đồng nghiệp hiểu cho nhau, phụ huynh và học sinh thương thầy cô là đủ rồi.

“Nếu để kiếm tiền, thiếu gì cách. Về xuôi, về thành phố, đầy việc để làm. Nhưng đây là nghề mà mình đã lựa chọn. Thật sự là vì yêu nghề, vì học sinh thôi, không phải riêng mình tôi đâu, các thầy cô giáo khác ở trường chúng tôi cũng như vậy. Giống như con cái mình sinh ra, thì mình phải yêu thương nó, nghề dạy học mình đã chọn thì làm sao mình bỏ được”? Cô nói, mà giọng như nghẹn lại.

Chồng của cô Hiền là bộ đội, những năm trước đóng quân trong tận đất mũi Cà Mau. Mấy năm lại đây, anh lại được điều ra bắc nhận nhiệm vụ. Vợ một nơi, chồng một nơi, biền biệt cả năm gặp nhau được mấy lần. Hai con gái, một cháu năm nay 6 tuổi, một cháu lên 3, được chia ra đứa ở với bà ngoại ở TP Vinh, đứa ở với ông bà nội ở huyện Con Cuông.

Cô không thể đưa con đi theo cùng lên Mường Típ, Kỳ Sơn được. Nơi ở của cô cũng chỉ là gian nhà ký túc xá tạm bợ, chồng thì ở xa, làm sao vừa đi dạy, vừa một mình xoay xở chăm sóc cả hai đứa. Đành vậy, mỗi tháng lại chịu khó tàu xe đi lại, về thăm con, được đứa này lại vắng đứa kia. Chỉ có dịp hè, hoặc lễ tết là cả mấy mẹ con đoàn tụ đủ quân số.

Năm nay, con gái đầu của cô cũng bắt đầu vào lớp 1. Cháu ở với bà ngoại, ngoan lắm, không khóc lóc mè nheo gì cả, vì như vậy mẹ ở xa sẽ buồn. Nhưng ngày tựu trường, ngày khai giảng đầu tiên của con, cô không được đưa con đi học, vì phải lo lên chuẩn bị cho học trò trên núi. Trường cách nhà bằng đường ra thủ đô Hà Nội, phải lên sớm cho kịp. “Vậy là trước đó mấy ngày, tôi dẫn cháu đến trường Tiểu học Hưng Dũng 1 (TP Vinh) và chỉ cho con: Đây là trường của con sẽ học, rồi lần lượt giới thiệu đâu là lớp học, đâu là nhà vệ sinh, đâu là nơi rửa tay cho sạch sẽ. Vào trong lớp, tôi hướng dẫn đây là bảng, là phấn, con sẽ ngồi ngay ngắn như thế này, mở vở ra, tập đọc, tập viết… Rồi tôi nói con tự đi bộ về nhà, cho quen đường. Còn mẹ giả vờ lên xe máy về trước. Thế mà cháu tự về được đến nhà. Thương lắm, mà mẹ không dám khóc. Mẹ cũng là giáo viên dạy tiểu học, mà không được dạy con. Thôi thì trông cậy vào các thầy cô giáo khác, đồng nghiệp với mẹ, sẽ dạy dỗ, chăm sóc con”.

Dù đã lường trước, nhưng cô Nguyễn Thị Thu Hiền không ngờ rằng đường đến trường lại bị cắt đứt, nhiều đoạn xóa sổ hoàn toàn như thế. “Chúng tôi phải đi bộ đến trường, không dám đi lẻ mà hẹn nhau thành từng nhóm”, cô nói. Con đường độc đạo từ Mường Xén qua Tà Cạ, để vào Mường Típ, Mường Ải chạy dọc theo dòng sông Nậm Típ, khi lũ về cuồn cuộn đã phá hủy, cắt đứt hoàn toàn. Có những đoạn hơn nửa quả đồi sạt hết xuống sông, chúng tôi phải trèo lên tận đỉnh để vượt qua. Cũng có đoạn phải bám lấy nhau đi qua đoạn suối nước chảy xiết.

Chân mỏi rũ, quần áo bết bùn đất. Cho đến đoạn qua bản Xốp Phong, thì cô Hiền bị ngã xuống vực. Bám được rễ cây rừng, cô nhích lên từng chút, các đồng nghiệp đi trước vội quay lại, giúp kéo cô lên. Nơi cô ngã là ở bản Xốp Phong, nơi có một quả đồi bị sạt lở, đổ ụp xuống và cuốn trôi 2 người dân trong bản. “Khi lên khỏi miệng vực, biết mình còn sống, cả mấy anh chị em ôm nhau vừa mừng, vừa tủi thân, vừa hoảng sợ”. Chúng tôi cũng sợ lắm chứ, nguy hiểm, gian nan, nhưng “hoàn hồn” xong thì đứng dậy đi tiếp, dặn nhau phải cẩn thận hơn”, cô kể lại, giọng vẫn còn run run.

Sau 2 ngày ròng rã, thì cô Hiền và các thầy cô khác cũng vào đến được trường Tiểu học Mường Típ 1. “Chúng tôi cảm giác như mình đã làm được một điều phi thường, và hoàn toàn kiệt sức sau đó. Nhìn thấy trường lớp ngổn ngang, có nơi bị san phẳng, ai cũng trào nước mắt. Nhưng không hiểu sao lúc ấy, lại như khỏe lên, như có một động lực thôi thúc lao vào làm việc. Mỗi người một tay, dọn dẹp, vệ sinh và đẩy đống bùn đất ra khỏi sân trường.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền hiện dạy tại điểm bản Na Mỳ, nằm ngay ở mép suối. Nhưng sau 2 trận lũ, lớp học, gian nhà ở tạm của giáo viên và cả nhà văn hóa cộng đồng đều bị nước lũ đánh sập, cuốn trôi. Các cô chuyển sang ở hết tại điểm chính ở bản Văng Phao. Không điện, không nước sạch, thiếu thực phẩm. Bữa cơm của các cô những ngày này chỉ là cá khô và măng rừng. Gạo cũng dính nước mốc xanh, lấy muối xát đi xát lại vẫn không trắng được.

10 năm đi dạy ở Mường Típ, cô tưởng chừng đã quen với cái khổ rồi, không còn ngại gì nữa. Cô cũng đã từng trải qua những đợt lũ lịch sử của năm 2011 nhưng chưa năm nào lũ lại dồn dập như năm này. Thầy cô lao động cật lực, nhưng cứ vừa dọn dẹp xong thì bùn đất từ trên núi theo nước lũ lại tống xuống đầy sân trường lớp học. Chỉ biết động viên nhau: Ngày hôm nay không xong, thì ngày mai, ngày kia làm tiếp.

Cô hỏi thăm bà con, họ lắc đầu ngơ ngác: “Năm nay chắc chắn là đói rồi cô giáo ạ. Kho lúa cất dự trữ trên rẫy, bị lũ cuốn trôi hoặc ngâm nước hỏng hết rồi. Mùa khoai sọ chưa kịp thu hoạch cũng bị phá hủy”. Dân đói, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục. Chính vì vậy, dù khó, dù khổ đến mấy, các cô cũng cố gắng được, điều duy nhất mà cô Hiền cũng như cả nhà trường sợ là sợ mất học trò.

Thầy Nguyễn Quốc Trí – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Típ cho biết: Năm học này điểm Na Mỳ có tất cả 31 cháu, số học sinh lớp 1, 2, 3 sẽ được bố trí học tạm ở phòng học của mầm non. Còn số lớp 4, 5 sẽ chuyển sang điểm trường chính tại bản Văng Phao cách đó 2km. Nhưng hiện tại, quãng đường từ Na Mỳ sang Văng Phao cũng bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn cho học sinh đi học.

Giờ này, các thầy cô giáo đều đã có mặt ở các điểm trường, đón học sinh, tổ chức dạy học. Thiếu em nào sẽ đến nhà vận động, khuyến khích các em đi học. Những nơi còn nguy hiểm, thì nhà trường chấp nhận để học sinh mất một số buổi học đầu năm. Nhưng khi giao thông, lớp học ổn định, sẽ ngay lập tức bước vào dạy học, và dạy bù những buổi vắng trước đó.

Cô Hiền tâm sự “Dù thế nào đi nữa, an toàn của học sinh vẫn là trên hết”. Khó khăn nhiều lúc đến nản là có thật, nhưng chẳng lẽ vì thế mà bỏ cuộc!? Để lại tiếp tục cố gắng như đã từng cố gắng. Để đủ sức kéo giữ học sinh đến trường, không bỏ học giữa chừng. Để lũ chồng lũ qua đi, lại là những bàn tay trước khi cầm phấn sẽ cầm cuốc, xẻng dọn dẹp, sắp đặt lại mọi thứ. Vì nếu không có các thầy cô, trường học sẽ tan hoang lắm.

Nguồnbaonghean.vn

Link bàigốc

Copy linkhttps://e.baonghean.vn/khong-ngai-kho-chi-so-mat-hoc-tro/

Mạng Y Tế
Nguồn: Khỏe 365 (http://khoe365.nguoiduatin.vn/khong-ngai-kho-chi-so-mat-hoc-tro-71458.html)

Chủ đề liên quan:

Không ngại khổ

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY