Đây là khẳng định của TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) khi đánh giá hệ lụy nếu để văn hóa tụt lại phía sau sự phát triển kinh tế.
Năm 2021 đánh dấu 35 năm công cuộc Đổi mới đất nước. Bức tranh tổng thể của văn hóa sau 35 năm đổi mới theo ông đã đạt được những thành tựu nổi bật gì?
Có thể nói sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: kinh tế tăng trưởng, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Những công trình văn hóa, tiêu biểu không chỉ là minh chứng cho sự phát triển kinh tế mà còn là những kết tinh của những tiến bộ văn hóa thế giới. Trong ảnh là cầu Vàng - Đà Nẵng (Ảnh: Reuters). |
Riêng về văn hóa chúng ta cũng đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, quan trọng nhất là tư duy, nhận thức về văn hóa cũng đạt những tiến bộ vượt bậc.
Đảng ta nhận thức ngày càng rõ hơn vị thế, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, coi văn hóa là cái đích cần đạt được bên cạnh những thành tựu về kinh tế. Đồng thời đặt văn hóa là yếu tố nền tảng, là động lực, là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, Đảng ta xác định con người là yếu tố cốt lõi, là động lực của sự phát triển, đặt nhiệm vụ trọng tâm là từng bước xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Cùng với nhận thức lý luận mới về văn hóa, Đảng ta cũng chú trọng yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với văn hóa, tôn trọng, phát huy quyền tự do sáng tạo cá nhân.
Về thực tiễn, sau 35 năm đổi mới, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên.
Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Chúng ta không chỉ giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn tiếp thu những tinh hoa của thế giới.
TS Nguyễn Viết Chức |
Những công trình văn hóa lớn, tiêu biểu không chỉ là minh chứng cho sự phát triển kinh tế mà còn là những kết tinh của những tiến bộ văn hóa thế giới. Hình ảnh con người, đất nước Việt Nam trên trường quốc tế cũng ngày càng được cải thiện, yêu mến. Đây là những thành tựu rất đáng tự hào!
Đảng ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Nhưng theo ông, vì sao ở thời điểm này, văn hóa, đạo đức xã hội lại đang bị đánh giá là xuống cấp, thậm chí văn hóa vẫn bị xem nhẹ, cho là hoạt động bề nổi?
Trước hết, phải thấy rằng xuyên suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn có quan điểm nhất quán về vị trí, vai trò quan trọng của lĩnh vực văn hóa.
Năm 1943, Đảng ta ra đề cương văn hóa, đây là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân. Ngay trong lúc kháng chiến gay go, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tổ chức hội nghị văn hóa lần thứ nhất (năm 1946) và lần thứ 2 (năm 1948).
Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho văn hóa, coi đó là động lực phát triển xã hội dưới ánh sáng của tiến hóa, tiến bộ và nhân văn. Bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chín năm toàn dân - toàn diện - trường kỳ (1946-1954), một lần nữa văn hóa được đề lên thành một mặt trận "Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến".
Khi cuộc kháng chiến đã chuyển sang tình thế, cục diện mới, Người càng quan tâm đến mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng quan trọng. Người gọi các văn nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa. "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Trong suốt những năm qua, Đảng ta cũng luôn xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, đáng tiếc là trong quá trình đổi mới, nhiều nơi còn để tư tưởng "kinh tế đi trước một bước" mà chưa thực sự chú trọng đến việc bồi đắp, xây dựng và phát triển văn hóa. Kinh tế đi trước không có nghĩa là quên văn hóa, để văn hóa tụt lại phía sau.
Chính điều này đã dẫn đến tình trạng văn hóa bị xem nhẹ chưa được đánh giá đúng với vị trí, vai trò, dẫn đến tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội, rồi các hiện tượng tham nhũng, cực đoan... ở nhiều nơi vẫn còn nhức nhối.
Thực tế, bất cứ quốc gia nào nếu phát triển kinh tế mà không coi trọng văn hóa cũng sẽ đều phải đối mặt với những hệ lụy khôn lường.
Sau 35 năm, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy. (Ảnh Lễ hội Tịch Điền - Đọi Sơn, Hà Nam: Tiến Tuấn). |
Cụ thể, việc văn hóa chưa được đặt đúng vị thế sẽ dẫn đến những hệ lụy gì cho sự phát triển chung của đất nước, thưa ông?
Văn hóa là một bộ phận cấu thành không thể tách rời đối với kinh tế, chính trị. Nếu văn hóa không được đặt đúng tầm, không được đầu tư tương xứng với đầu tư cho kinh tế thì sẽ xảy ra sự mất cân đối, việc phát triển cũng sẽ không hiệu quả, lệch lạc, khiếm khuyết.
Tôi lấy ví dụ ngay trong việc phát triển đội ngũ cán bộ. Hội nghị Trung ương 4 vừa qua cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược và người đứng đầu phải đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm với nhiệm vụ. Để làm được điều này thì gốc rễ chính là việc xây dựng, bồi đắp các phẩm chất về văn hóa. Một người cán bộ giỏi đến đâu nếu không có văn hóa thì cũng không thể giải quyết được việc gì.
Nếu yếu tố văn hóa được đặt lên hàng đầu, cán bộ thường xuyên được bồi đắp, trau dồi, thì sẽ hiếm xảy ra tình trạng chạy chức chạy quyền, tham ô hối lộ. Nếu có văn hóa, có tự trọng thì khi không hoàn thành nhiệm vụ, không xứng đáng với vị trí được giao họ sẽ có "văn hóa từ chức".
Văn hóa ở đây chính là con người, xây dựng con người phải được đặt lên hàng đầu. Có như thế mới xây dựng được đất nước phát triển bền vững, toàn diện.
Trong bản Đề cương văn hóa năm 1943 nêu 3 nguyên tắc của văn hóa Việt Nam đó là "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng", trong bối cảnh mới hiện nay, chúng ta nên có cách tiếp cận như thế nào để vừa phù hợp với tình hình mới nhưng vẫn giữ được nguyên tắc đó thưa ông?
Tính "dân tộc" trong bản đề cương chính là tinh túy, bản sắc đặc trưng của văn hóa dân tộc. Tính dân tộc không chỉ thể hiện ở sự giữ gìn, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp phù hợp với điều kiện mới. Tính "Khoa học" là sự tiên tiến, hiện đại bắt nhịp với thời đại. Còn "Đại chúng" là nền văn hóa ấy phục vụ nhân dân, phù hợp nguyện vọng của nhân dân và do nhân dân xây dựng.
Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là "nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", 3 nguyên tắc trong bản Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn được giữ nguyên qua các thời kỳ chỉ có điều cách đặt vấn đề, thuật ngữ thì được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Kỳ vọng của ông về hội nghị đặc biệt quan trọng của ngành văn hóa tới đây là gì?
Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Sự kiện lần này thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và nhà nước, khẳng định Đảng đã đặt trong thực tế vị trí quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng đất nước, thể hiện tinh thần "nói đi đôi với làm".
Tôi hy vọng, hội nghị sẽ rút ra những bài học thành công, cũng như nhìn thẳng vào các khuyết điểm, yếu kém trong phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đồng thời, các nhà khoa học, quản lý sẽ cùng tìm ra các giải pháp hữu hiệu đạt được những hiệu quả tốt đẹp nhất để xây dựng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tôi cũng kỳ vọng hội nghị có những hành động cụ thể, thiết thực để văn hóa sẽ được đặt đúng với vị trí, vai trò, trở thành nền tảng, động lực, nguồn nội sinh cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Xin cảm ơn ông!