Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Làm sao để nhận biết viêm amidan?

Chắc hẳn rằng viêm amidan không hề xa lạ với mỗi chúng ta, và đặc biệt căn bệnh này thường phổ biến ở trẻ nhỏ. Dưới đây là những dấu hiệu mà bạn có thể nhận biết bệnh amidan.

Viêm amidan được chia theo 2 cấp độ:

1. Dấu hiệu viêm amidan cấp tính:

Sốt cao đột ngột: Đây là dấu hiệu khởi phát viêm amidan kèm theo tình trạng cơ thể mệt mỏi, uể oải, nhức đầu, chán ăn. Nhưng dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm do vậy cần căn cứ vào những triệu chứng đi kèm khác.

Ảnh minh họa

Chảy nước mũi: Chảy nước mũi, xuất hiện dịch nhầy trong mũi cũng là triệu chứng bị viêm amidan. Việc viêm nhiễm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi dịch mũi chảy xuống phế quản gây ra những cơn ho kèm theo hiện tượng khàn tiếng. Không chỉ vậy, triệu chứng của bệnh viêm amidan còn khiến miệng bệnh nhân bắt đầu khô hơn và lưỡi xuất hiện các màu trắng bẩn, amidan sưng to và có thể kèm mủ khiến cho người bệnh luôn có cảm giác gợn họng, khó chịu.

Đau rát họng, nuốt vướng: Amidan gia tăng kích thước khi bị viêm khiến người bệnh cảm thấy vướng víu, cản trở việc ăn uống. Bên cạnh đó, khi nuốt và ho, bệnh nhân có cảm giác đau rát cổ họng, đôi khi đau nhói lên tai.

Khó thở, ngáy to: Hô hấp cũng bị ảnh hưởng khi tổ chức amidan bị viêm. Tình trạng ngáy to nhất là vào ban đêm và đường thở bị cản trở là điều có thể dễ nhận thấy.

2. Dấu hiệu viêm amidan mãn tính

Nhiều trường hợp, viêm amidan có thể tự khỏi bệnh khi cơ thể đủ sức đề kháng hoặc có biện pháp đối phó kịp thời. Tuy nhiên không ít trường hợp vì thế mà chủ quan hoặc không điều trị dứt điểm khiến tình trạng trên tái đi tái lại nhiều lần, lúc này gọi là viêm amidan mãn tính. Dưới đây là một số dấu hiệu viêm amidan mãn tính:

Hay sốt vặt: Bệnh nhân thường hay sốt vặt, ngây ngấy sốt lúc chiều. Ngoài ra, cơ thể sẽ gầy gò, xanh xao, thể trạng giảm sút nhanh, nhất là đối với trẻ em.

Hơi thở hôi: Mặc dù vệ sinh răng miệng rất sạch sẽ nhưng hơi thở thường xuyên có mùi hôi khó chịu.

Ho: Thường là ho khan từng cơn, nhiều nhất vào buổi sáng khi mới ngủ dậy. Đau rát họng, nuốt khó và giọng nói thay đổi cũng là điều dễ nhận thấy lúc này.

Ảnh minh họa

Amidan sưng to: Thường gặp nhất ở trẻ em. Hai amidan to, niêm mạc họng đỏ nhẹ, trụ trước đỏ sẫm; trong các hốc có thể thấy mủ trắng.

Amidan xơ chìm: Thường gặp nhất ở người lớn. Hai amidan nhỏ, bề mặt không nhẵn mà gồ ghề, lỗ chỗ, chằng chịt những xơ trắng; trụ trước, trụ sau dày và đỏ sẫm. Khi ấn vào amidan có thể thấy mủ chảy ra từ các hốc.

Trúc Đào

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/lam-sao-de-nhan-biet-viem-amidan-23393/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY