Tại Trung Hoa vào thời cổ đại, có một "nghề nghiệp" hết sức đặc biệt từng tồn tại. Đó chính là nghề làm thái giám.
Để bước chân vào thứ "nghề" này, những người đàn ông lựa chọn con đường ấy sẽ phải trải qua quá trình tịnh thân (thiến) đầy đau đớn và nguy hiểm.
Cũng bởi vậy mà con đường của các hoạn quan, tại Trung Hoa xưa không phải là lối đi mà nhiều người sẽ lựa chọn nếu như không bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng.
Thế nhưng trái ngược lại với suy nghĩ cho rằng đây là một nghề nghiệp thấp kém, trên thực tế, các thời xưa lại sở hữu tiền đồ được cho là rộng mở với mức lương bổng mà ít ai có thể tưởng tượng tới.
Từ thời nhà Tần đến thời nhà Thanh, thái giám đã trở thành một tầng lớp không thể thiếu trong hoàng cung của các vương triều phong kiến Trung Hoa.
Trên thực tế, tầng lớp này phải chịu sự gò bó rất khắt khe về phân chia cấp bậc. Bởi vậy mà những hoạn quan, thái giám mới nhập cung đều phải bắt đầu leo lên từ vị trí áp chót.
Thế nhưng chỉ cần biết ăn nói, biết lấy lòng chủ tử, tiền đồ của họ có thể xem là tương đối xán lạn và rộng mở. Minh chứng cho nhận định này chính là những "đại thái giám" nắm trong tay đại quyền khét tiếng của lịch sử Trung Hoa.
Năm xưa nhờ vào tài lấy lòng cũng như thủ đoạn của mình, Triệu Cao chẳng những được Tần Thủy Hoàng tín nhiệm mà còn có thể chi phối cả vị Hoàng đế thứ hai của vương triều này là Tần Nhị Thế.
Tương tự như vậy, một đại thái giám khác xuất hiện vào cuối thời nhà Minh là Ngụy Trung Hiền thậm chí còn được không ít người gọi là "Cửu Thiên Tuế".
Do đó, mặc dù bị xem là tầng lớp nô bộc trong hoàng cung, thế nhưng các thái giám thời xưa cũng có không ít cơ hội để thu về tiền bạc, quyền lực, địa vị, hay thậm chí là còn đem lại vinh quang cho gia tộc của mình.
Tất nhiên, điều đáng nói hơn cả còn nằm ở chỗ, ngay cả khi không có cơ hội trở thành những đại thái giám quyền khuynh thiên hạ thì mức lương bổng và những nguồn thu ngoài luồng khác của hoạn quan thời xưa cũng chưa bao giờ có thể xem là thấp.
Về thu nhập của tầng lớp thái giám bình thường, ta có thể lấy quy định của Thanh triều nói riêng để làm ví dụ.
Thực tế, Đại Thanh trước khi nhập quan vốn không có thái giám. Tuy nhiên sau này nhờ kế thừa kinh nghiệm cai trị của người Hán, Thanh triều cũng đã bắt đầu chiêu mộ tầng lớp này để làm việc trong hoàng cung.
Thế nhưng vết xe đổ của thái giám Ngụy Trung Hiền khuynh đảo nhà Minh vẫn còn đó, cho nên hoàng tộc Mãn Thanh luôn ra sức đề phòng tình trạng hoạn quan chuyên quyền, thậm chí còn tiến hành áp chế nghiêm khắc đối với tầng lớp này.
Bấy giờ, các thái giám trong hoàng cung nhà Thanh được chia làm 20 cấp bậc. Dù có lên được phẩm cấp cao nhất thì quyền lợi của họ cũng chỉ tương đương với chức quan tứ phẩm thời ấy.
Cũng bởi vậy mà trong suốt triều dài của lịch sử Đại Thanh, ngoại trừ trường hợp thái giám Lý Liên Anh dưới thời Từ Hi Thái hậu thì không tồn tại một hoạn quan nào có khả năng khuynh đảo triều chính như những vương triều trước đó.
Mặc dù có tới 20 cấp bậc khác nhau, nhưng nếu phân chia một cách tổng quát thì tầng lớp thái giám Thanh triều chủ yếu gồm 3 loại: Thái giám bình thường, thái giám thủ lĩnh và thái giám tổng quản.
Thái giám tổng quản lương tháng là 8 lượng bạc và 8 đấu gạo. Đối với thái giám thông thường thì con số này ở mức 2 lượng bạc và 2 đấu gạo.
Vào thời nhà Thanh, 1 lượng bạc tương đương khoảng 500 nhân dân tệ ngày nay, mỗi đấu gạo xấp xỉ 15 tệ. (Theo Qulishi).
Nếu quy đổi dựa trên con số này, thì thu nhập của thái giám tổng quản Thanh triều sẽ là 4000 NDT (xấp xỉ khoảng 13 triệu 600 ngàn tiền Việt) cho mỗi tháng.
Tương tự như vậy, thu nhập của thái giám bình thường sẽ vào khoảng hơn 1000 NDT, tức là xấp xỉ khoảng hơn 3 triệu 400 ngàn Việt Nam đồng.
Thế nhưng sự thực là nguồn thu của các thái giám không chỉ dừng lại ở lương bổng công khai. Trên thực tế, họ còn được xem là cầu nối giữa các nhân vật trong bộ máy thống trị. Do đó cơ hội để có các khoản thu ngoài luồng là không hề ít.
Nếu có thể hoàn thành nhiệm vụ mà chủ tử giao cho, những thái giám này sẽ còn có cơ hội được thưởng tiền hoặc tài vật.
Đặc biệt, thái giám còn được biết tới là người truyền tin của hoàng thượng đến với các đại thần. Vì vậy mỗi lần đi truyền thánh chỉ, tầng lớp này cũng sẽ có nguồn thu nhập không công khai nhưng vô cùng hậu hĩnh.
Ví dụ như ở thời nhà Thanh, khi các quan đại thần phạm sai lầm, nhà vua sẽ phái thái giám tới phủ đệ của họ để tuyên đọc thánh chỉ trách phạt.
Mỗi lần như vậy, các quan viên này đều sẽ biếu thái giám tiền trà nước để duy trì mối quan hệ, dò hỏi thông tin hoặc nhờ họ nói đỡ dăm ba câu với nhà vua. Số tiền trà nước này có khi lên tới 400, 500 lượng bạc, hoặc ít thì cũng khoảng 40, 50 lượng.
Từ đó không khó để nhận thấy, chỉ nhờ vào tuyên đọc 1 đạo thánh chỉ, các hoạn quan thời xưa đã có thể thu về tới 20 vạn nhân dân tệ, bằng với mức thu nhập cả năm của một trí thức bình thường tại Trung Quốc ngày nay.
Có lẽ đúng như câu nói bỏ ra càng nhiều thì thu về càng lớn, các hoạn quan, thái giám thời xưa tuy phải trải qua tịnh thân mới có thể bước đi trên con đường này, thế nhưng nếu khôn khéo thì họ có thể kiếm được khối gia tài mà thường dân bách tính thời ấy cả đời cũng không dám mơ tới.
Chủ đề liên quan:
27 năm sau ảnh minh họa Bỏ túi Cậu bé 8 tuổi bị mù sau ca phẫu thuật có thể của các điều không ai ngờ đến đã xảy ra khổng lồ lịch sử trung hoa Lý Liên Anh người đàn ông phong kiến trung hoa tần thủy hoàng thái giám thời cổ đại thời nhà thanh thu nhập Trần Quỳnh vết xe đổ