Lấp lánh những vần thơ muối |
Trong số 54 bài thơ ngắn in trong tập “Lời của chim hải âu”, đáng chú ý có phần “Phác thảo biển” giống như một trường ca mini, với 5 phần phác thảo. Tuy là phác thảo biển, nhưng cũng chính là phác thảo một đời sống, một đời thơ, và một đời gắn với biển của tác giả.
Ở “Phác thảo 1”, với những câu thơ hoài niệm nhung nhớ, vẽ lên bức tranh biển xưa xa, khi tác giả còn là một cậu bé sinh ra vùng biển miền Trung nắng rang cát cháy “Tôi bới tìm tôi trong cát trắng trưa hè”. Chỉ một câu ấy thôi cũng gợi lại cả khung cảnh thuở ấu thơ thương nhớ, sinh ra trong cát và lớn dần lên nhờ cát. Cát là thực tại khô khốc, cũng là cuộc sống mịn màng dưới bàn chân ấu thơ, nhưng biển xanh qua kẽ tay, cánh buồm nâu no gió lại chính là ước mơ cao xa của cậu bé miền biển. Cả vùng biển ấy với cảnh sắc nên thơ và giàu có, với thực tại khốc liệt đều hội đủ trong “Phác thảo 1” đầy sinh sắc.
Với “Phác thảo 2” tác giả nén cả giai đoạn thanh xuân đẹp đẽ nhưng cũng đầy thách thức và giông bão cuộc đời mình, gắn với cả đồng bằng và biển khơi. Nhưng ngay cả khi tiến những bước trên cánh đồng, thì hướng bước chân của nhà thơ vẫn quay về phía biển bởi “Hồn mải mê sải theo cánh Hải âu”. Và ở tuổi lập thân, nhà thơ đã sẵn sàng “lại gồng mình trong những cơn thịnh nộ/Đại Tây Dương sát hạch đời mình”. Có lẽ, được sống như thế một đời, thì ai cũng ước mơ, cho dù phải dấn thân cùng bão tố. Không phải ai cũng dũng mãnh tạo nên được một thời của chính mình, gắn với biển khơi, để có thể tự hào như nhà thơ:
“Vượt qua mắt bão
Vượt qua Biscay
Tôi đã thành sói biển
để trở về ngoan ngoãn trong em…”
Trong “Phác thảo 3” và “Phác thảo 4”, tác giả trải ra những dòng thơ thời trung niên tráng kiện trên từng trang viết. Sự trưởng thành của đời sống qua nhiều thăng trầm, va đập, kết tinh lại vị mặn long lanh của muối. Muối càng mặn, thì dưới ánh nắng càng long lanh. Nhà thơ đã có thể tự hào, rằng mình: “Giữ bản quyền vị mặn/Giữ bản quyền xanh biếc mênh mông”. Niềm tự hào đó, quyền lực cao mạnh đó, mấy ai dám tuyên bố trên đời?! Chỉ có những trái tim đã rộng mở bao la qua nhiều lần sóng dập, bão dồn, chỉ có ý chí thép và tấm lòng đủ bao dung như biển mới có quyền tuyên ngôn đó.
Tất cả những dữ dội đó, những cao trào đó trong 4 phác thảo, đã dâng lên để rồi dồn xuống thật thấp trong “Phác thảo 5” khi tác giả đã cập bến tuổi xưa nay hiếm, đã trải nghiệm qua một thời trở về với đất liền, trên bục giảng, với những trang giáo án tĩnh lặng, mà trong lòng dẫu thế vẫn cồn cào biển khơi. Người ta từng nói “Chiến tranh đã chấm dứt, nhưng người chiến sĩ vẫn còn chiến đấu”, thì với nhà thơ Nguyễn Đình Tâm, dù thời biển đã qua đi nhưng trong lòng ông vẫn mặn mòi muối, vẫn dập dồn những đợt sóng cả. Đó không đơn giản chỉ là nỗi hoài nhớ một thời biển cả, một thời chí khí dâng cao, một thời dấn thân vào miền sóng xanh mê mải, mà còn là sự day dứt trước nỗi đời với những bon chen, những điều nhỏ nhặt khiến tâm hồn nhà thơ lại chỉ muốn bứt tung mọi ràng buộc để bay trên những cánh buồm, lướt cùng sóng xanh. Dẫu biết: “Chân trời thôi miên/ Chân trời thách thức/tôi như con thiêu thân bất lực…”
Nhưng khi trở về, cho dù cuộc sống trên đất liền có như thế nào, cho dù với quy luật tự nhiên không ai có thể ở mãi với thanh xuân, thì nhà thơ biển Nguyễn Đình Tâm vẫn giữ nguyên cho mình những ký ức đẹp đẽ nhất về biển, như tài sản quý báu nhất trong tâm hồn ông:
“Ngọt ngào cùng mây bay
Biển quên mình đang mặn
Tôi quên mình tóc trắng
Xanh miệt mài theo sóng điệp trùng khơi”.
Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm sinh tại Thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Hiện sinh sống tại Hải Phòng. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch “Văn học Nanum” Hàn Quốc tại Việt Nam từ năm 2019. Ông đã đoạt 5 giải thưởng văn học trong nước và quốc tế. Đã xuất bản 7 tập thơ. |