Kinh tế xã hội hôm nay

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại quần đảo Trường Sa

Chiều ngày 16/4/2019, tại sân bay tàu KN 490, Đoàn Công đoàn Y tế Việt Nam tham gia Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14/3/1988. Lễ tưởng niệm diễn ra tại vùng biển đảo Cô Linh, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, hình ảnh thiêng liêng của anh đã trở về trong trái tim của các đại biểu trong Đoàn công tác.

5h30 chiều 16/4, khi mặt trời còn chiếu những tia nắng cuối cùng trong ngày trên vùng biển đảo tại Cô Linh, Len Đao và Gạc Ma. Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh tại quần đảo Trường Sa đã diễn ra trên sân bay tàu KN 490.

Mười thành viên thuộc công tác Công đoàn Y tế Việt Nam cùng hơn 250 đại biểu đến từ bộ ngành, tỉnh thành, 55 bà con Việt kiều đến từ 19 quốc gia trên thế giới và tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu tham gia Lễ tưởng niệm.

Đảo chìm Len Đao nhìn từ tàu KN 490

Đoàn đại biểu tại sân bay tàu KN 490 làm Lễ tưởng niệm

Tại buổi Lễ, Đại tá Đào Ngọc Quỳ, Chính ủy Cục Hậu cần - Trưởng đoàn Công tác số 5 năm 2019 phát biểu: "Giờ này, Đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ tàu Kiểm Ngư 490 đang có mặt trên vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Nơi đây, hơn 30 năm về trước vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải Quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù để bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Trong giờ phút thiêng liêng, xúc động này, với tấm lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn công tác xin kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh hùng đã hiến trọn đời mình vì chủ quyền của biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc."

Trong phát biểu, Đại tá Đào Ngọc Quỳ đã ôn lại lịch sử truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Tiếp theo, Đại tá ôn lại trận chiến lịch sử trên quần đảo Trường Sa ngày 14/3/2019, trong đó có đoạn "Dẫu biết rằng có thể hi sinh, nhưng trước sự đe doạ, cũng như những hành động dã man của Trung Quốc. Các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu hi sinh. Từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83 Hải Quân".

Vòng hoa và bàn thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Nói trong nước mắt, Đại tá Quỳ nghẹn ngào, "Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông- Phó Lữ đoàn 146, anh hùng liệt sĩ Đại uý Vũ Phi Trừ- Thuyền trưởng tàu HQ 604, anh hùng liệt sĩ Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên biển đảo. Trước lúc hi sinh anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội không được lùi bước, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân. Đó là anh hùng Thuyền trưởng Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Linh để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm..."

Kết thúc bài phát biểu có đoạn: "Với lòng thành kính biết ơn và thương tiếc vô hạn, chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí. Xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các liệt sĩ, nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lí tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mong anh linh các anh chứng giám, tiếp thêm cho dân tộc ta, quân đội ta sức mạnh; cho chúng tôi ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó".

Sau bài phát biểu, tất cả các đại biểu đã giành phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, Vào thời điểm này, nước mắt đã rơi, cảm xúc dâng trào, lòng tiếc thương vô hạn các anh cứ ùa về trong trái tim và tâm hồn của họ.

Bên bàn thờ các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ trên tàu Kiểm Ngư Việt Nam 490 lần lượt dâng hương, lúc này nước mắt và tiếng khóc nghẹn ngào của các đại biểu làm rung động một vùng biển đảo của Tổ quốc.

Các đại biểu dâng hương trong Lễ tưởng niệm

Kết thúc buổi tưởng niệm, vòng hoa và bàn thờ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh được các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ trên tàu KN 490 thả trôi trên mặt biển. Sóng biển đã mang tình cảm, lời tri ân sâu sắc của các đại biểu dành các anh hùng liệt sĩ cứ trôi dần, trôi dần phía đảo Gạc Ma.

Vòng hoa và bàn thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thả trên mặt biển

Gia Thiên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/le-tuong-niem-cac-anh-hung-liet-si-da-hi-sinh-tai-quan-dao-truong-sa-n156291.html)

Tin cùng nội dung

  • Nếu là lực lượng nước ngoài chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, nhưng khi nghe tiếng miền Bắc kêu gọi đầu hàng, chúng tôi đã buông súng, Thiếu tướng Mai Năng nhắc lại lời một viên chỉ huy Việt Nam Cộng hòa bị bắt làm tù binh ở Trường Sa năm 1975.
  • “Em biết đến facebook Bộ trưởng Kim Tiến chỉ là sự tình cờ và gửi trong thư cả niềm tin và những hi vọng. Không ngờ Bộ trưởng đã phản hồi ngay và mang đến cho em cơ hội thay đổi cuộc sống”, em Phan Thị Trang (Diễn Châu, Nghệ An), con gái liệt sỹ Gạc Ma kể lại.
  • Ông được phong tặng danh hiệu Thầy Thu*c ưu tú, xứng đáng là người con của liệt sĩ
  • Sang ngày thứ 7, tàu của chúng tôi chính thức đặt chân lên Cô Lin, điểm đảo chỉ nhỏ như một vết chấm trên bản đồ, song đã đi vào lịch sử nước nhà
  • Mình hiểu tâm trạng của một người vợ cảnh sát biển đang công tác tại nơi đầu sóng ngọn gió, nơi Trường Sa thân yêu
  • Chồng hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma khi chị đang mang thai cậu con trai út. 27 năm qua, chị một mình thờ chồng, nuôi các con khôn lớn nên người.
  • Khi bước chân lên đảo Song Tử Tây, một hòn đảo lớn ngự phía cực Bắc quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên khiến tôi reo lên một cách ngỡ ngàng...
  • Giữa muôn trùng sóng gió, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn tràn đầy niềm tin canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
  • Vượt ra ngoài ranh giới của Thánh địa Mỹ Sơn, của văn hóa Chăm, khèn Saranai đã đến với mảnh đất Trường Sa hết sức tình cờ. Chính sự tình cờ này đã tạo nên một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa và đặc biệt.
  • Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa Lớn là những người không thể thiếu trong việc góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY