Tâm sự hôm nay

Tự hào lắm, Trường Sa!

Giữa muôn trùng sóng gió, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn tràn đầy niềm tin canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Vào những ngày giữa tháng 5/2014, theo hải trình Hải quân vùng 4, vượt hàng ngàn hải lý, chúng tôi đã được đến với các điểm đảo thuộc quần đảo trường sa, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây, giữa muôn trùng sóng gió, quân và dân huyện đảo vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ, tràn đầy niềm tin, vững tay súng canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Xúc động chạm tay vào bia chủ quyền thiêng liêng

Gần hai ngày đêm, xuất phát từ cảng Cát Lái - TP. Hồ Chí Minh, vượt qua hàng trăm hải lý, 5 giờ sáng 17/5/2014, con tàu HQ 571 chở đoàn công tác số 12 đã đến điểm đảo đầu tiên - đảo trường sa Lớn. Nhìn từ xa, trường sa Lớn hiện lên trong ánh bình minh bằng một màu xanh dịu mát giữa biển cả mênh mông, bốn bề sóng vỗ. Mọi người đổ dồn lên boong tàu, với một cảm giác lâng lâng, ánh mắt ai cũng hướng về đảo trường sa Lớn đầy tự hào. Tự hào bởi phần lớn những thành viên tham gia chuyến đi lần này đều là lần đầu tiên đến với quần đảo trường sa, từ những già làng, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, đến những cán bộ các cơ quan tại Trung ương và các địa phương trên toàn quốc. Đặc biệt, chuyến đi này trùng vào thời điểm Trung Quốc đã cố tình hạ đặt giàn khoan trái phép và có những hành động gây hấn trên vùng biển Việt Nam. Mặc dù đã được “nhắc nhở” ngồi trên boong tàu sẽ dễ bị say sóng nhưng rất đông người đã không chịu giam mình trong phòng, mọi người đều muốn lên boong để ngắm cảnh biển trời bao la của Tổ quốc.

6 giờ sáng, tàu HQ 571 cập cầu cảng đảo trường sa Lớn - đảo duy nhất tàu HQ 571 cập cảng được trong toàn bộ hải trình. Đoàn công tác chúng tôi dừng lại nơi đây hơn một ngày để gặp mặt, thăm hỏi tặng quà và động viên cán bộ, chiến sĩ; thắp hương tại chùa trường sa Lớn, viếng các liệt sĩ đã hy sinh trên các đảo và thềm lục địa phía Nam tại Đài tưởng niệm liệt sĩ, viếng Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tổ chức giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo. Ấn tượng nhất đối với tôi là những nụ cười của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, bất cứ ai tôi gặp, tất thảy đều cười rất tươi, thắm thiết như người thân lâu ngày mới gặp lại. Tất cả những điều đó làm cho tôi cảm thấy như mình đang ở trên đất liền chứ không phải là một hòn đảo phải đi tới gần hai ngày đêm mới đến. Nhiều đại biểu rất xúc động khi lần đầu tiên trong đời được chạm đôi bàn tay mình vào bia chủ quyền thiêng liêng trên đảo trường sa Lớn, được thỏa mắt ngắm biển đảo, một phần máu thịt của Tổ quốc xanh lung linh dưới nắng sớm và cuộc sống căng tràn trên đảo.

Thắm đượm tình quân dân

Tới các điểm đảo, từ đảo nổi tới các đảo chìm hay nhà giàn DK1, câu chuyện tôi được nghe nhiều nhất là sự giúp đỡ của bộ đội và người dân trên đảo với các ngư dân. Ốm đau, thiếu lương thực, nước uống..., ngư dân coi đảo như những trạm cứu hộ trên biển để trông cậy. Cứu ngư dân gặp nạn, cung cấp nước ngọt cho những tàu thuyền lỡ đường, ngư dân lên sống trên đảo những lúc giông tố hàng chục ngày trời... là chuyện thường ngày ở đảo. Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy, BS. Huỳnh Thanh Bình - Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo trường sa Lớn cho biết, đội ngũ quân y chúng tôi đã được trang bị kiến thức chuyên môn, đảm bảo đủ cơ số Thu*c để đảm nhận cấp cứu và cứu chữa thương bệnh binh trên đảo cũng như ngư dân của các tàu thuyền. Trong những năm vừa qua, bệnh xá trên đảo trường sa Lớn đã hoàn thành tốt công tác khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ người dân và ngư dân. Trong năm 2013 và quý 1/2014, bệnh xá đã khám chữa bệnh cho hơn 700 lượt người cấp cứu thành công những ca nguy kịch có thể ảnh hưởng tới tính mạng như những bệnh nhân bị chấn thương sọ não, viêm ruột thừa, chấn thương do T*i n*n lao động,... Hiện tại, đảo trường sa Lớn đã được trang bị hệ thống chẩn đoán trực tuyến qua vệ tinh (Telecom Medicine), kết nối với các Bệnh viện 175, 108, 103... nối liền biển đảo với đất liền giúp cho cán bộ quân y trên đảo được cập nhật những kiến thức mới, đồng thời giúp khắc phục những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Trước đây, nếu có một ca bệnh khó, chuyển từ đảo về đất liền sẽ gặp không ít những khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, nhưng với hệ thống chẩn đoán trực tuyến qua vệ tinh hiện nay, các bác sĩ có sự hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành từ đất liền giúp chẩn đoán đúng hướng, điều trị dễ dàng hơn.

Rời trường sa Lớn, con tàu HQ 571 tiếp tục hải trình đưa đoàn công tác chúng tôi đến những điểm đảo tiếp theo với phần lớn là những đảo chìm. Trên tất cả các đảo chìm, các chiến sĩ đều rất tự hào giới thiệu với các đại biểu về những vườn rau nhỏ xinh nhưng lúc nào cũng tươi xanh mơn mởn. Ở đây, mùa nào thức nấy, dù ít ỏi nhưng bữa ăn người lính đảo không còn thiếu rau xanh như trước nữa. Để làm được điều đó, lính đảo chìm phải chắt chiu từng nhúm đất mang ra từ đất liền, từng giọt nước ngọt cho vườn rau xinh xắn hiện diện giữa biển khơi. Khó khăn là vậy nhưng đảo chìm lại là chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân giữa biển khơi. Thuyền bè của ngư dân ra đánh cá ở trường sa, khai thác hải sản đều được lính đảo tạo điều kiện và hỗ trợ thuận lợi nhất. Có khi hũ gạo, âu nước ngọt của đảo không còn nhiều nhưng lính đảo vẫn sẵn sàng chia sẻ với bà con ngư dân.

Tự hào người chiến sĩ hải quân

Điểm cuối hành trình của đoàn công tác số 12 là nhà giàn DK 1/11, ngay từ sáng sớm, trước khi xuống tàu lên nhà giàn DK1/11, đoàn công tác đã làm lễ tưởng niệm và thả hoa xuống biển để tưởng nhớ đến những cán bộ nhân viên của các nhà giàn đã hy sinh. Trong giờ phút thiêng liêng, xúc động, đọc diễn văn tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Đại tá Vũ Hồng Quế - Quân chủng Hải quân nghẹn ngào: Mặc dù Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước đã dành nhiều sự quan tâm, chăm lo, nhưng vào những năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000, do thiên nhiên hung dữ và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số nhà giàn - nơi mà cán bộ, chiến sĩ Hải quân chúng ta đang có mặt thực hiện nhiệm vụ...Vào thời khắc mà ranh giới giữa sự sống và cái ch*t chỉ còn trong gang tấc, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn đã nêu cao lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội và Quân chủng Hải quân anh hùng; kiên cường bám trụ đến cùng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc. Một cái ch*t để muôn ngàn lần sống, một cái ch*t rực khí phách kiên cường, sáng lên lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội; trong trắng, thủy chung, sáng ngời. Chúng ta cảm phục sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông, chiều ngày 4/12/1990... Xin ghi lòng, tạc dạ gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 năm 1998, nhà giàn bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội... nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy. Với ý chí “còn người, còn nhà trạm, quyết bám trụ đến cùng”... các anh đã bình tĩnh, dũng cảm chống lại những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng, nhưng sức người thì có hạn... Ba sĩ quan của chúng ta là Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn hóa thân vào biển mặn...

Đặt chân lên đất liền tại cảng Cát Lái trong cái nắng cháy bỏng của mùa hè miền Nam, những hình ảnh: biển cả mênh mông, những đảo nổi, đảo chìm, những Nhà giàn DKI và những gương mặt sạm nắng gió của các chiến sĩ hải quân vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Tạm chia tay, chưa biết ngày được gặp lại các anh - những anh hùng trong thời bình, thầm lặng hy sinh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của Tổ quốc. Chúng tôi rất tự hào về các anh!

Bài và ảnh: Anh Tuấn

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tu-hao-lam-truong-sa-5637.html)
Từ khóa: trường sa

Chủ đề liên quan:

trường sa

Tin cùng nội dung

  • Chiều ngày 16/4/2019, tại sân bay tàu KN 490, Đoàn Công đoàn Y tế Việt Nam tham gia Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14/3/1988. Lễ tưởng niệm diễn ra tại vùng biển đảo Cô Linh, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, hình ảnh thiêng liêng của anh đã trở về trong trái tim của các đại biểu trong Đoàn công tác.
  • Xuất phát từ cảng Quốc tế Cam Ranh, sau 36 giờ lênh đênh trên biển cùng con tàu Kiểm ngư Việt Nam KN 490. Sáng sớm ngày 15/4, Đoàn công tác Công đoàn Y tế Việt Nam rời tàu đến thăm, giao lưu và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca
  • Mới học đến lớp 7, nhưng bà Hoàng Thị Sửu (TP Đồng Hới, Quảng Bình) mạnh dạn mở xưởng đóng tàu công suất đến nghìn mã lực, vươn khơi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
  • Vào 10h ngày 3/9, tổ bay trực thăng Mi 171 từ Trường Sa do thượng tá phi công Ngô Vi Sơn, Chủ nhiệm bay, lái chính Trung đoàn Không quân 917 đã hạ cánh xuống khu vực quân sự sân bay Tân Sơn Nhất
  • Nếu là lực lượng nước ngoài chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, nhưng khi nghe tiếng miền Bắc kêu gọi đầu hàng, chúng tôi đã buông súng, Thiếu tướng Mai Năng nhắc lại lời một viên chỉ huy Việt Nam Cộng hòa bị bắt làm tù binh ở Trường Sa năm 1975.
  • Sang ngày thứ 7, tàu của chúng tôi chính thức đặt chân lên Cô Lin, điểm đảo chỉ nhỏ như một vết chấm trên bản đồ, song đã đi vào lịch sử nước nhà
  • Mình hiểu tâm trạng của một người vợ cảnh sát biển đang công tác tại nơi đầu sóng ngọn gió, nơi Trường Sa thân yêu
  • Khi bước chân lên đảo Song Tử Tây, một hòn đảo lớn ngự phía cực Bắc quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên khiến tôi reo lên một cách ngỡ ngàng...
  • Vượt ra ngoài ranh giới của Thánh địa Mỹ Sơn, của văn hóa Chăm, khèn Saranai đã đến với mảnh đất Trường Sa hết sức tình cờ. Chính sự tình cờ này đã tạo nên một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa và đặc biệt.
  • Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa Lớn là những người không thể thiếu trong việc góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY