Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Loãng xương, căn bệnh phát triển ở tuổi trung niên với diễn tiến âm thầm nhưng để lại hậu quả nặng nề

Loãng xương là một bệnh về xương khớp thường gặp ở người trung niên, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn. Theo thông kê, mỗi năm trên thế giới có 200 triệu người mắc bệnh loãng xương, ở Việt Nam, loãng xương ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.

1. Khái niệm về loãng xương

Loãng xương là tình trạng thường gặp ở những người cao tuổi - (Ảnh: Internet).

Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương. Tên của nó xuất phát từ tiếng Latinh có nghĩa là “xương xốp”.

Bên trong xương của chúng ta có những khoảng nhỏ, giống như tổ ong. Loãng xương làm tăng kích thước của những khoảng trống này, khiến xương mất sức mạnh và mật độ. Ngoài ra, bên ngoài xương phát triển yếu và mỏng hơn.

Loãng xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Theo thông kê, mỗi năm trên thế giới có 200 triệu người mắc bệnh loãng xương, ở Việt Nam, loãng xương ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.

Những người bị loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương khi thực hiện các hoạt động thường ngày như đứng hoặc đi bộ. Các xương thường bị ảnh hưởng nhất là xương sườn, hông, xương cổ tay và xương sống.

2. Các triệu chứng loãng xương

Đau lưng có thể là triệu chứng của loãng xương - (Ảnh: Freepik).

Có thể nói loãng xương là một bệnh nguy hiểm, do diễn biến rất âm thầm và người bệnh chỉ biết mình bệnh khi đã gặp các biến chứng. Giai đoạn đầu của bệnh loãng xương không gây ra bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo nào. Trong hầu hết các trường hợp, những người bị loãng xương không biết mình mắc bệnh cho đến khi bị gãy xương.

Nếu các triệu chứng xuất hiện, người bị loãng xương có thể phát triển một số triệu chứng sớm sau:

- Tụt nướu (tụt lợi)

- Sức mạnh tay nắm yếu

- Móng tay yếu và dễ gãy

- Đau lưng do gãy hoặc xẹp đốt sống

- Mất chiều cao theo thời gian

- Tư thế khom lưng

- Xương dễ gãy hơn

Đối với những người ở lứa tuổi trung niên, loãng xương thường đi kèm với các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, thoái hoá khớp, cao huyết áp,...

3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh loãng xương

Xương bình thường cần các khoáng chất canxi và phosphate để tạo thành. Nếu cơ thể không nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống, việc hình thành các mô xương và xương có thể bị ảnh hưởng.

Xương là một cơ quan luôn trong trạng thái liên tục đổi mới, xương mới sẽ liên tục được tạo ra và xương cũ bị phá vỡ. Khi bạn còn trẻ, cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn quá trình phá hủy xương cũ, do đó khối lượng xương sẽ tăng lên. Hầu hết mọi người đạt được khối lượng xương cao nhất vào khoảng năm 30 tuổi. Khi lớn tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn tốc độ xương mới được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương.

Các nguyên nhân chính của bệnh loãng xương bao gồm

- Yếu tố tuổi và giới tính: Càng lớn tuổi, khả năng hấp thụ canxi và khoáng chất của cơ thể càng kém dần, dẫn đến xương bị thiếu nguồn dinh dưỡng phục vụ quá trình tái tạo. Nếu không được bổ sung dinh dưỡng kịp thời sẽ dẫn đến bệnh loãng xương.

Bên cạnh đó, nữ giới có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới. Nguyên nhân là do xương của phụ nữ có xu hướng nhỏ và nhẹ hơn nam giới nên khối lượng xương thấp hơn, dễ mắc bệnh loãng xương hơn. Mãn kinh là một yếu tố nguy cơ chính khác, xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 55. Do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone, hai loại hormone nữ phổ biến này giúp giữ cho xương chắc khỏe, thời kỳ mãn kinh có thể khiến cơ thể sản xuất 2 nồng độ hormone này ít hơn khiến cơ thể phụ nữ mất xương nhanh hơn. Đàn ông ở độ tuổi này cũng gặp tình trạng mất xương, nhưng với tốc độ chậm hơn phụ nữ. Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi từ 65 đến 70, tỷ lệ mất xương ở phụ nữ và nam là như nhau.

- Lối sống sinh hoạt không hợp lý, ít vận động: Một số thói quen không lành mạnh có thể là nguyên nhân gây thúc đẩy loãng xương, bao gồm: Lười vận động, lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá. Những thói quen này đều ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi của cơ thể và làm chậm quá trình sản xuất xương mới nên xảy ra loãng xương.

- Thường xuyên mang vác các vật nặng, lao động vất vả

- Có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi: Canxi cần thiết cho sự phát triển và duy trì xương chắc khỏe, do vậy thiếu hụt canxi sẽ dẫn đến loãng xương. Lượng canxi cho quá trình tạo xương lúc trẻ không được bổ sung đầy đủ, dẫn đến việc khi về già, cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh khiến cho mật độ xương giảm sút, làm cho xương giòn và yếu, giảm sức chịu lực và dễ gãy hơn.

Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương, bao gồm:

- Dùng viên nén steroid liều cao trong hơn 3 tháng

- Các tình trạng y tế khác - chẳng hạn như tình trạng viêm nhiễm, tình trạng liên quan đến hormone hoặc các vấn đề kém hấp thu

- Tiền sử gia đình bị loãng xương, đặc biệt là cha mẹ bị gãy xương hông

- Sử dụng lâu dài một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của xương hoặc nồng độ hormone, chẳng hạn như thuốc viên chống estrogen mà nhiều phụ nữ dùng sau khi bị ung thư vú

- Bị hoặc đã từng mắc chứng rối loạn ăn uống như chán ăn hoặc ăn vô độ

- Có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp.

4. Hậu quả của loãng xương

Loãng xương khiến người bệnh dễ bị gãy xương - (Ảnh: Freepik).

Hậu quả nguy hiểm nhất của loãng xương là rạn xương, nứt xương hoặc gãy xương

Nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, các hậu quả của loãng xương có thể gây ra rất nặng nề. Ở những bệnh nhân bị loãng xương nặng, chỉ cần một va chạm nhẹ cũng có nguy cơ dẫn đến gãy xương.

Do xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay, cẳng chân là những xương chịu lực và chịu tác động nhiều nhất cơ thể, nên khi bị loãng xương, đây là các xương thường bị ảnh hưởng nhất. Gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, gãy khớp háng là những bệnh lý thường gặp nhất ở bệnh nhân loãng xương người cao tuổi.

75% trường hợp gãy cổ xương đùi ở phụ nữ và 25% gãy cổ xương đùi ở nam giới trên 50 tuổi có nguyên nhân do loãng xương. Gãy xương gây biến dạng cơ thể, đau đớn, mất khả năng vận động, giảm tuổi thọ, tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo ước tính, khi bị gãy xương đùi thì nguy cơ gãy xương kế tiếp sẽ tăng 2.5 lần, 25% bệnh nhân gãy cổ xương đùi sẽ tử vong sau một năm, 60% bệnh nhân bị gãy xương bị hạn chế vận động, 40% bệnh nhân không thể đi lại và phải sống lệ thuộc người khác.

Bệnh nhân loãng xương còn tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch, biến chứng hô hấp, viêm phổi,... do phải thường xuyên nhập viện điều trị, do phải bất động vì nứt xương, gãy xương.

Một số biến chứng nguy hiểm khác của loãng xương là gãy lún cột sống, cong xương, cong ống chân, cong vẹo cột sống, giảm chiều cao.

5. Điều trị bệnh loãng xương

Điều trị loãng xương dựa trên điều trị và ngăn ngừa xương gãy, và dùng thuốc để tăng cường xương của người bệnh.

Để quyết định xem bạn có cần điều trị hay không phụ thuộc vào nguy cơ gãy xương trong tương lai. Điều này sẽ dựa trên một số yếu tố như tuổi tác, giới tính và kết quả chụp mật độ xương của bạn.

Nếu cần điều trị, bác sĩ có thể đề xuất kế hoạch điều trị an toàn và hiệu quả nhất cho bạn.

6. Phòng ngừa loãng xương

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây loãng xương mà bạn không thể kiểm soát như tuổi tác, giới tính và tiền sử gia đình bị loãng xương. Tuy nhiên, có một số yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Một số cách tốt nhất để ngăn ngừa loãng xương bao gồm:

- Nhận được lượng canxi và vitamin D được khuyến nghị hàng ngày

Canxi là khoáng chất chính được tìm thấy trong xương, và có đủ canxi như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh là điều quan trọng để duy trì xương khỏe mạnh. Đối với hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh, lượng canxi được khuyến nghị là 700 miligam (mg) canxi mỗi ngày. Và điều này, chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung từ một chế độ ăn uống đa dạng có chứa nhiều nguồn canxi.

Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi. Tất cả người lớn nên có 10 microgam vitamin D mỗi ngày. Từ khoảng cuối tháng 3/ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9, hầu hết mọi người sẽ có thể nhận đủ lượng vitamin D cần thiết từ ánh sáng mặt trời trên da.

Nhưng vì rất khó để có đủ vitamin D chỉ từ thực phẩm, nên mọi người (bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú) cần cân nhắc việc bổ sung các chất bổ sung có chứa 10 microgam vitamin D trong mùa thu và mùa đông.

- Tập các bài tập chịu trọng lượng: Tập thể dục có thể giúp cơ thể tái tạo xương chắc khỏe và làm chậm quá trình loãng xương. Bạn nên tập thể dục thường xuyên lúc còn trẻ để ngăn ngừa bệnh loãng xương khi về già.

Rèn luyện thể lực giúp tăng cường cơ và xương trên cánh tay cũng như trên xương sống. Các bài tập chịu sức nặng như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, trượt ván, trượt tuyết cũng là sự lựa chọn tuyệt vời. Bạn nên tập thể dục ít nhất 3-4 giờ mỗi tuần.

Các bài tập như đi bộ có thể làm chậm quá trình loãng xương - (Ảnh: Freepik).

- Ngừng hút thuốc: Lý do bạn nên bỏ thuốc lá khá đơn giản: những phụ nữ hút thuốc thường có mật độ xương thấp hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc lá cũng khiến bạn dễ gãy xương hơn.

Khi có các dấu hiệu đi đau mỏi ở cột sống, ở xương khớp, các xương dài, đau các cơ bắp, hay bị chuột rút, ớn lạnh ở các cơ,...cần đi khám bệnh ngay để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Không được tự ý mua thuốc giảm đau để điều trị, việc lạm dụng thuốc Corticoid có thể gây ra những hậu quả rất nặng nề, làm tình trạng loãng xương thêm nặng và khó kiểm soát.

7. Sống chung với loãng xương

Nếu được chẩn đoán mắc chứng loãng xương, bạn nên thực hiện các bước để giảm nguy cơ bị té ngã, chẳng hạn như loại bỏ các mối nguy hiểm ra khỏi nhà và kiểm tra thị lực cũng như kiểm tra thính giác thường xuyên.

Để giúp bạn phục hồi sau gãy xương, bạn có thể thử sử dụng:

- Các phương pháp điều trị nóng và lạnh như tắm nước ấm và chườm lạnh

- Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS) - nơi một thiết bị nhỏ hoạt động bằng pin được sử dụng để kích thích các dây thần kinh và giảm đau

- Sử dụng các kỹ thuật thư giãn

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh loãng xương và từ đó có cách chăm sóc sức khỏe phù hợp để giảm nguy cơ loãng xương cũng như có biện pháp sống chung lành mạnh với loãng xương. Chúc bạn luôn khỏe.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/thuoc-va-suc-khoe/thuoc-va-suc-khoe/loang-xuong-can-benh-phat-trien-o-tuoi-trung-nien-voi-dien-tien-am-tham-nhung-de-lai-hau-qua-nang-ne-31371/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY