Kinh tế xã hội hôm nay

Lợi dụng tín ngưỡng để kinh doanh, trốn thuế?

Đi lễ đầu năm, đi vãn cảnh chùa đầu xuân là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt từ trước đến nay để hướng đến chân thiện mỹ.

Nhưng hiện nay nhiều nơi lợi dụng tâm linh, thúc đẩy mê tín dị đoan để thu lời.

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp đang đổ xô vào xây chùa với quy mô lớn, diện tích lên đến hàng nghìn héc-ta. Chùa xây sau luôn cố gắng làm to hơn chùa trước. Ngôi chùa xây trước với kỷ lục nhất Đông Nam Á thì ngôi chùa xây sau phải “nhất thế giới”. Họ cố tạo ra những cái nhất, thổi vào đó tính linh thiêng để gây tâm lý tò mò, dụ khách đến để thu tiền, nhưng điều cốt lõi là lịch sử và truyền thống của những ngôi chùa đó thì không có. Họ nhìn thấy lợi nhuận từ việc kinh doanh tâm linh nhiều hơn là lễ phật, điều đó đi ngược lại truyền thống của người Việt và giáo lý nhà Phật. Bây giờ chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà gắn liền với du lịch. Thực chất nếu làm khu du lịch đơn thuần thì khó thu hút khách, cho nên người ta xây thêm vào khu du lịch đó một ngôi chùa, quàng vấn đề tâm linh vào đó để dễ thu hút khách. Những dự án đó đón đầu cho một trào lưu mới đang rất phát triển, du lịch tâm linh, một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận.

Du lịch tâm linh đã và đang phát triển rất mạnh, một phần vì cuộc sống phát triển, càng nhiều biến đổi, càng nhiều bất an trong cuộc sống nên người dân lo sợ. Ra đường thì lo bị T*i n*n giao thông, đi xe thì sợ xe lật, đang ngủ thì xe ôtô cũng lao vào tận nhà, công nhân lo mất việc làm... Tất cả những vấn đề đó tạo nên một xã hội bất an, người dân đành phải bấu víu vào thánh thần, đức phật để cầu mong bình an cho người thân và gia đình. Chính vì vậy mà hiện tượng xây chùa như hiện nay sẽ còn phát triển rất mạnh trong tương lai, rồi tiếp đến sẽ xây đền, xây nhà thờ, xây miếu...

Hiện nay, tâm lý đám đông và một bộ phận lớn trong xã hội đang mê muội như lên đồng, kéo theo cả một cộng đồng lớn đi theo những cái bị mê hoặc một cách không có căn cứ, sự mê muội trong những hoạt động tâm linh ngày càng trở nên nặng nề. Nếu đặt đúng tên cho vấn đề thì đó chính là kinh tế tâm linh. Khá nhiều lễ hội mời lãnh đạo về dự để quảng bá cho tính chính thống và sự thu hút. Một trong những ví dụ điển hình là việc khai ấn đền Trần. Ngày xưa làm gì có việc đó, đây không phải ấn của nhà vua mà là của nhà đền. Theo các chuyên gia lịch sử, ấn chương cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, chiếc ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính mà chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ. Do vậy, ấn không mang lại lợi lộc trong thăng quan tiến chức như nhiều người lầm tưởng. Nhà tổ chức đã có một nguồn lợi lớn thu hút khách đến xin ấn. Vào khoảng cuối những năm 1980, người ta đã thổi tính thiêng vào để mọi người hiểu theo ý nghĩa khai ấn là thăng quan tiến chức và lũ lượt kéo đến xin, thực chất là mua ấn. Đây rõ ràng là kinh doanh tâm linh.

Chùa giờ đây là hạt nhân chính quyết định sự sống còn của các khu du lịch mà cụ thể là chùa Bái Đính, khu du lịch Tràng An, chùa Tam Chúc... là một ví dụ thực tế. Các nhà đầu tư đã tỏ ra khôn khéo khi gắn yếu tố tâm linh vào việc khai thác du lịch, đồng thời đi kèm là một loạt các dịch vụ khác như coi xe, cho thuê chỗ bán hàng, cho thuê xe điện... rất nhiều các dịch vụ siêu lợi nhuận. Nhiều người tin rằng nên đến đó một lần trong đời để cầu cho bản thân và gia đình, thậm chí có người tự huyễn hoặc rằng đã đến xin rồi thì nên đến lễ tạ, cũng vì thế những khu du lịch đó ngày càng đông khách. Thậm chí đã có những nơi khách phải trả tiền vé mới được vào thăm chùa và một loạt những chi phí dịch vụ khác, nhưng họ vẫn vui vẻ chấp nhận vì tin rằng khi cầu xin thì thần linh sẽ chấp nhận, sẽ phù hộ cho họ. Theo truyền thống thì những ngôi chùa ở Việt Nam đều có niên đại và bề dày văn hóa gắn liền với sự tích và tín ngưỡng khác hẳn với những ngôi chùa mới chỉ được cái to xác và chỉ là điểm nhấn cho quần thể du lịch với mục đính chính kiếm tiền.

Hiện chúng ta đang khuyến khích mô hình hợp tác công tư, nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Nhà nước đầu tư làm đường, đầu tư đủ thứ nhưng không được gì cả, mà lẽ ra nguồn thu đó phải được đưa vào công ích xã hội. Tài nguyên danh lam thắng cảnh là tài nguyên của quốc gia nhưng dân sử dụng lại bị thu tiền. Thăm thắng cảnh Hạ Long phải trả không ít tiền. Vào chùa Hương mất phí. Đến khu di tích Huế mỗi điểm tham quan hay vào công viên, vào chùa cũng phải trả tiền. Tây Yên Tử ở Bắc Giang không thu tiền, lên cáp treo xong sang chùa Đồng lại mất tiền vé. Hà cớ gì tất cả những nơi là tài sản quốc gia, tài nguyên du lịch mà người ta mang ra bán vé? Cho đến những năm gần đây hiếm có đơn vị nào báo cáo doanh thu bao nhiêu từ những nguồn thu vào di tích danh lam thắng cảnh. Đền Trần không nói, Bà Chúa kho bao nhiêu không nói. Kinh doanh có nguồn thu nhưng không ai biết là bao nhiêu. Thực tế hiện nay thì thu tiền không phải là xấu, nhưng người thu phải đóng thuế minh bạch, công khai, đúng mức phải đóng đó mới là điều quan trọng.

Đơn cử hiện nay có rất nhiều ngôi chùa mới, họ thổi phồng sự linh thiêng của chùa đó lên làm cho các phật tử đua nhau công đức, đó cũng là một nguồn lợi không nhỏ. Trong luật di sản thì chùa hoặc di tích đó phải được trùng tu bằng nguồn thu này, chứ không phải để chia nhau hưởng lợi. Các nhà đầu tư, công ty quản lý bình thường thì phải minh bạch tiền thu chi, rồi tính toán lợi nhuận, để đóng thuế. Còn đầu tư vào chùa thì không kiểm toán nổi, ai mà biết được tiền cúng, tiền công đức thật là bao nhiêu? Mà chùa thì tất nhiên không phải đóng thuế. Đầu tư vào chùa siêu lãi như thế, mà tiền ra vào lại tù mù, miễn thuế, khỏi thanh tra, kiểm toán, thì đây đúng là thiên đường trốn thuế.

Bích Nga

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/loi-dung-tin-nguong-de-kinh-doanh-tron-thue-n153958.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY