Khoa học hôm nay

Lý giải nguyên nhân ngập úng kéo dài tại Đại lộ Thăng Long

(HNMO) - Trong khi các điểm úng ngập khu vực nội đô (thuộc lưu vực sông Tô Lịch) sau khoảng 35-40 phút hết mưa nước đã rút hết, thì tại lưu vực Long Biên, khu vực Đại lộ Thăng Long (lưu vực sông Nhuệ), nước tiêu thoát chậm khiến úng ngập kéo dài, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

(hnmo) - từ ngày 22-5 đến 24-5, trên địa bàn thành phố hà nội đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây úng ngập nhiều tuyến phố nội đô, khu vực đại lộ thăng long, long biên...

Trong khi các điểm úng ngập khu vực nội đô (thuộc lưu vực sông Tô Lịch) sau khoảng 35-40 phút hết mưa nước đã rút hết, thì tại lưu vực Long Biên, khu vực Đại lộ Thăng Long (lưu vực sông Nhuệ), nước tiêu thoát chậm khiến úng ngập kéo dài, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới về nguyên nhân úng ngập kéo dài tại các khu vực nói trên, cũng như giải pháp xử lý thoát nước của đơn vị.

- Xin ông cho biết, tổng lượng mưa của đợt mưa từ ngày 22-5 đến nay và nguyên nhân khiến nhiều vị trí xảy ra úng ngập?

- Trong hai ngày qua, mưa lớn đã xảy ra trên địa bàn thành phố; lượng mưa đo được gần 500mm được ghi nhận là bất thường so với trung bình hằng năm. Đối với Hà Nội, lưu vực sông Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5km2, khu vực đã được triển khai các dự án thoát nước) có thể chịu được trận mưa trên 300mm/2 ngày. Khu vực phía Tây Hà Nội (lưu vực sông Nhuệ, diện tích khoảng 110km2), hệ thống thoát nước đô thị tại lưu vực này chỉ có thể chịu được mưa 50mm/ngày.

Lượng mưa lớn như trên đã gây quá tải hệ thống thoát nước. Thêm và đó, khu vực phía Tây Nam có 3 dự án tiêu thoát nước thì hiện mới có dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đang triển khai. Nước vẫn chủ yếu tự tiêu, tự chảy, phụ thuộc nhiều vào mực nước sông Nhuệ. Khi mực nước sông Nhuệ dâng cao, cốt mặt nước cao hơn cốt mặt đường tại nhiều vị trí trên Đại lộ Thăng Long và các hầm chui dân sinh, khiến nước không kịp tiêu thoát, thậm chí chảy ngược trở lại, gây ra tình trạng úng ngập cho khu vực.

Lưu vực Long Biên (diện tích 62km2) cũng vậy, có hai dự án tiêu thoát nước cho khu vực là Trạm bơm Gia Thượng và Trạm bơm Cự Khối. Tuy nhiên, cả hai trạm bơm này hiện chưa được đầu tư nên chủ yếu vẫn tự tiêu, tự chảy. Hệ thống thoát nước khu vực nội đô Long Biên thoát ra hệ thống thoát nước nông nghiệp qua sông Cầu Bây. Song, sông Cầu Bây đang triển khai dự án cải tạo, gây thu hẹp dòng chảy.

- Công ty đã triển khai các giải pháp gì để giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ tại các khu vực này, thưa ông?

- Trong khi chờ các dự án thoát nước triển khai và khớp nối đồng bộ, để giải quyết tình trạng úng ngập cục bộ, Công ty Thoát nước Hà Nội đã báo cáo Sở Xây dựng và triển khai các công việc: Thực hiện duy trì nạo vét, bảo đảm hệ thống thoát nước, các nguồn tiêu thông thoáng trước mùa mưa. Đối với các trạm bơm, chúng tôi cũng đã bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm trạm bơm sẵn sàng vận hành.

Bên cạnh đó, công ty cũng phối hợp với các đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án cải tạo sông Cầu Bây, kênh La Khê - nối sông Nhuệ với Trạm bơm Yên Nghĩa thực hiện thanh thải, phá đường công vụ, dẫn dòng nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước.

Đối với các đơn vị liên quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thủy lợi, chúng tôi cũng đã đề nghị phối hợp trong công tác vận hành các trạm bơm nông nghiệp tiêu úng, thoát nước trong trường hợp có mưa lớn, mực nước sông dâng cao.

Tại các điểm xảy ra ngập, công ty triển khai ứng trực, thực hiện tua vớt rác tại các miệng thu, bơm cưỡng bức, cũng như phối hợp với các lực lượng để hướng dẫn giao thông, hướng dẫn người dân lưu thông qua và tránh các điểm úng ngập.

- Đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế. Theo ông, về lâu dài, để giải quyết bài toán thoát nước cho Hà Nội, cần triển khai các giải pháp gì?

- Thoát nước cho Hà Nội căn bản vẫn là bài toán khó. Về lâu dài, tôi cho rằng cần đầu tư các dự án thoát nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm bơm đầu mối, đặc biệt là phía Tây Nam Hà Nội, phía Long Biên.

Trong trường hợp chưa giải quyết được các điểm úng ngập khi các trạm bơm tiêu úng và hệ thống kênh dẫn kết nối chưa triển khai, cần có những giải pháp cục bộ. Điển hình như khu vực Đại lộ Thăng Long chưa có trạm bơm và hoàn toàn tự tiêu, tự chảy đổ về sông Nhuệ. Theo quy hoạch, khu vực này có một trạm bơm nhưng chưa được đầu tư. Đối với khu vực này, cao độ công trình mặt bằng thấp, nhiều vị trí còn thấp hơn mực nước sông Nhuệ nên úng ngập rất dễ xảy ra.

Công ty đã đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, UBND thành phố tách dự án, giao một đơn vị nghiên cứu phương án đầu tư ngay tuyến cống thoát nước dọc Đại lộ Thăng Long và trạm bơm Đào Nguyên để giải quyết úng ngập cục bộ tại khu vực.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/1032884/ly-giai-nguyen-nhan-ngap-ung-keo-dai-tai-dai-lo-thang-long)

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY