Những ngày này, hàng vạn gia đình đang vui mừng đón người thân lầm lỡ được hoàn lương, trở về nhờ chính sách của Nhà nước về đặc xá, tha tù trước thời hạn, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9. Cánh cửa làm lại cuộc đời đã mở ra với hơn 18.000 phạm nhân, nhưng con đường tái hòa nhập cộng đồng phía trước với họ cũng còn lắm chông gai, thử thách nếu như không có bàn tay bao dung của cả xã hội.
Tại các trại giam, các phạm nhân được đề nghị đặc xá và sắp chấp hành xong án phạt tù đã được tham gia lớp tập huấn tái hòa nhập cộng đồng. Những kiến thức được trang bị đã trở thành hành trang vô cùng thiết yếu để những phạm nhân trở thành những công dân thực sự ngoài xã hội.
Thực tế, không phải khi được đặc xá, các phạm nhân mới được tiến hành tổ chức các lớp học, mà quá trình chấp hành án, phạm nhân đã được học các lớp đào tạo nghề. Đặc biệt khi sắp tái hòa nhập cộng đồng, họ được đào tạo kiến thức quan trọng về pháp lý liên quan và các kỹ năng biết kiềm chế, tìm việc làm, xóa bỏ mặc cảm, tự ti... Bằng những gì đã được học tập, tu dưỡng trong những năm phải ở tù cũng như quyết tâm của bản thân, nhiều người sau khi được đặc xá đã được chính quyền địa phương tin tưởng, tạo điều kiện để họ được có công ăn làm việc nhằm ổn định đời sống. Có thể ban đầu đồng lương không nhiều, nhưng với việc giúp đỡ cho những người được đặc xá đã giúp họ xóa bỏ những mặc cảm, tự ti để vươn lên trong cuộc sống, làm người có ích cho xã hội.
Mong muốn là vậy, tuy nhiên, trong những người được tha tù trước thời hạn, không phải ai cũng có bản lĩnh và may mắn như thế. Bước ra bên ngoài cánh cổng trại giam là cơ hội làm lại cuộc đời của bao người, nhưng kèm theo đó vẫn còn những ánh mắt dò xét, kỳ thị, lo sợ họ làm xáo trộn sự bình yên ngoài xã hội...
Theo các cơ quan chức năng, người được tha tù về trước thời hạn cần phải có công ăn việc làm, nếu như không có, họ lại nhàn rỗi sinh ra tái phạm. Do đó, quan trọng nhất là các tổ chức cộng đồng và gia đình phải giúp họ cụ thể như thế nào. Từ hỗ trợ cho vay vốn nếu hoàn cảnh khó khăn, đồng thời phải chia sẻ, tạo cho họ công việc cụ thể. Nếu không tình hình sẽ phức tạp hơn bởi đối với những phạm nhân khi trở về, nếu tái phạm thì tính chất, hành vi sẽ nghiêm trọng hơn khi họ phạm tội lần đầu, bởi trạng thái tâm lý bị bức xúc, hoàn cảnh dồn nén, bản thân họ thiếu đi nghị lực phấn đấu vươn lên... Do đó, nếu chúng ta không làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm người này, sẽ trở thành vấn đề lớn để bảo đảm an ninh trật tự.
Vì thế, để chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta thực sự hiệu quả, ngoài sự nỗ lực phục thiện của các phạm nhân... rất cần có sự quan tâm, động viên thường xuyên của các tổ chức, chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền về pháp luật, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc của họ khi về hòa nhập với cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện cho họ xây dựng và phát triển kinh tế.