Chuyên gia vũ khí Vũ Đình Thanh đã mang tên, nỏ tới tọa đàm khoa học Nghiên cứu phục dựng nỏ Liên Châu thời An Dương Vương để bắn thử, trước sự quan sát của các nhà nghiên cứu. Tọa đàm (ngày 6.8, tại Hà Nội) do ĐH Quốc gia, Viện Việt Nam học và phát triển, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức, có sự tham dự của các chuyên gia quân sự và lịch sử.
“Nỏ thần” mà ông Thanh thiết kế có mũi tên được làm lại đúng như mũi tên đồng Cổ Loa được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Ông cũng thiết kế một ống tre có nắp đục lỗ để xếp mũi tên vào. “Các mũi tên kích thước nhỏ được xếp trong một ống hình tròn, đầu mũi tên hướng về phía mục tiêu sẽ bắn. Lực của dây sẽ tác động lên ống hình tròn, như bắn một mũi tên to đi. Sau khi ống hình tròn đi qua phần cánh nỏ thì ống này sẽ bị dừng lại bằng cách hãm giữ. Khi ống tròn dừng lại, các mũi tên con vẫn tiếp tục bay”, ông Thanh giải thích nguyên lý của nỏ. Đây cũng chính là nguyên lý hoạt động của tên lửa container.
Cũng theo ông Thanh, nếu làm mô hình lớn hơn, các ống đựng tên lớn hơn, nỏ có thể bắn được cùng lúc 30 mũi tên, với độ bắn xa khoảng 1.000 m. Trong lần thực nghiệm này, ông bắn 9 mũi tên và độ xa đạt khoảng 100 m. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, nỏ thần ông Thanh chế hoàn toàn thủ công và kích cỡ cánh cung không lớn. Đặc biệt, mũi tên của ông Thanh hoàn toàn là mũi tên bằng đồng, dài chỉ hơn 10 cm, không hề có thân gỗ dài như những mũi tên thường thấy trên phim ảnh, đời thường.
Mũi tên Cổ Loa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
ẢNH: NGỌC THẮNG |
Điều này gợi nhớ tới mô hình phục dựng nỏ thần từng được TS Nguyễn Việt và Bảo tàng Lịch sử quân sự thực hiện trước đây. TS Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đã tham gia nhiều nghiên cứu liên quan nỏ thần. Gần đây nhất là Viện Lịch sử quân sự và Bảo tàng Lịch sử quân sự. Lúc đó, nỏ có bắn được nhưng khi bắn 4 - 5 mũi tên, nó chẳng trúng vào đâu. Hội thảo hôm nay cho thấy nỏ có bắn, bắn được. Điều này khả thi hơn”. Trung tâm của ông chính là đơn vị đang quản lý di tích thành Cổ Loa.
GS-TS Phạm Thế Long, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học kỹ thuật quân sự, nhận định độ tản mát của các mũi tên khi bắn ra khá lớn. Tuy nhiên, độ tản mát này cũng có thể chấp nhận được khi các mũi tên bắn vào đám đông. Ông cho rằng: “Cái tôi thấy ở đây chưa giải quyết được là mũi tên bay chưa đạt được độ ổn định, để với khoảng cách xa nó chắc chắn gây sát thương”.
Gần đây chúng ta đã phát hiện mũi tên đồng, chỗ đúc mũi tên ở vòng thành trong Cổ Loa, lại tìm thấy khuôn đúc 3 mang của mũi tên Cổ Loa. Nếu nguyên lý của Vũ Đình Thanh nghiên cứu hợp lý và nỏ có thể bắn như vậy thì rõ ràng nó càng chứng minh chuyện nỏ thần là có thật
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam |
GS-TS Long cho rằng để đạt cân bằng động của mũi tên bay ra là điều rất khó vì phải cân bằng được giữa thân và đầu mũi tên. Nếu đầu hơi nặng, mũi tên sẽ có xu hướng chuyển động cắm xuống đất. Nếu thân mũi tên phân bố khối lượng nặng hơn mũi tên thì xu hướng mũi tên là bay lên. “Với trình độ công nghệ thời đó, việc đảm bảo cân bằng động này thế nào, có lẽ anh Thanh cần nghiên cứu thêm. Tôi cho rằng việc đảm bảo một tỷ lệ cân đối giữa mũi tên - trọng lượng mũi tên - trọng lượng của thân rất khó. Chúng ta nhìn thấy thân mũi tên cái dài, cái ngắn, vẫn phải gắn vào đó một đoạn gỗ để kéo dài thân mũi tên ra một chút để đảm bảo độ cân”, ông Long phân tích.
GS-TS Long cũng nêu câu hỏi về thông tin ống đồng tìm thấy ở Cổ Loa dài tới 1,5 m. Giả sử ống đựng mũi tên này thì tại sao nó dài thế, mà mũi tên này chỉ ngắn vậy thôi? “Tôi nghĩ chỗ này cần xem xét thêm. Trên thực tế, ống tre của anh Thanh cỡ 25 cm. Tại sao ống đồng cần dài như vậy? Liệu nó có dài đúng bằng thân mũi tên cắm vào không?”, ông Long nói.
Ống đựng tên
ẢNH: TRINH NGUYỄN |
Chính vì thế, ông Long cho rằng: “Nếu nói rằng kết quả này là phục dựng nỏ Liên Châu An Dương Vương thì còn hơi sớm, vì chúng ta cần thêm chứng cứ lịch sử để khẳng định thêm cái chúng ta làm đây đúng là phục dựng thật. Đây là mô phỏng một khả năng về nỏ Liên Châu. Dù rất có thể là mô phỏng này rất gần với thực tế đi nữa thì cũng chưa có cơ sở để khẳng định cái này đúng là nỏ của thời đấy”.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đánh giá cao tinh thần nghiên cứu của ông Vũ Đình Thanh. “Bước đầu mô phỏng một nguyên lý có thể chứng minh, có thể thực hành, ít ra có thể tin là có một cái nỏ Liên Châu của các cụ ngày xưa. Chúng ta đã tìm ra lò đúc, khuôn đúc, kho mũi tên. Ở thành Cổ Loa còn tìm thấy hệ thống lò đúc liên hoàn, nó không chỉ đúc tên đồng mà đúc vũ khí của An Dương Vương. Tìm thấy cả những khuôn đúc lao đồng, nhưng chưa tìm được nỏ nào bắn được 10 phát, trăm phát một lúc. Nên nếu giải mã xong nỏ bắn thế nào thì câu chuyện nỏ thần sẽ trở nên rất sinh động”, ông Tín nói.
TS Việt Anh cho biết ở Cổ Loa, các đình đền đều ở giai đoạn muộn. Vì thế, nhà quản lý di sản như ông rất mong muốn có những câu chuyện, hiện vật để kết nối với du khách. Vì thế, ông sẵn sàng trưng bày nghiên cứu của ông Thanh để công chúng thử nghiệm.
GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng nỏ tuy mới chỉ bắn 9 mũi một lúc, độ xa 100 m, thí nghiệm như vậy cũng là thành công. Theo GS Ngọc, chuyện nỏ thần An Dương Vương được ghi lâu đời, từ thế kỷ thứ 4 sử Trung Quốc cũng ghi rõ, tuy nhiên có thần thánh hóa. Tại Việt Nam, bộ Việt sử lược thời Trần cũng ghi rõ chuyện này. Tuy nhiên, càng về sau, chuyện càng thêm chi tiết mới và huyền thoại hóa cao độ, đến mức quên đi lõi lịch sử. “Gần đây chúng ta đã phát hiện mũi tên đồng, chỗ đúc mũi tên ở vòng thành trong Cổ Loa, lại tìm thấy khuôn đúc 3 mang của mũi tên Cổ Loa. Nếu nguyên lý của Vũ Đình Thanh nghiên cứu hợp lý và nỏ có thể bắn như vậy thì rõ ràng nó càng chứng minh chuyện nỏ thần là có thật. Nó cũng chứng minh An Dương Vương có thật, nước Âu Lạc có thật, thời Hùng Vương dựng nước là có thật. Đó là câu chuyện lớn của lịch sử Việt Nam”, ông Ngọc nói.