Cây thuốc quanh ta hôm nay

Một số loại hoa làm Thuốc dễ nhầm lẫn

Trong kho tàng dược liệu cổ truyền, có rất nhiều cây Thuốc tên gọi giống nhau một phần hoặc giống hoàn toàn dẫn đến nhầm lẫn trong sử dụng, làm giảm hiệu quả chữa bệnh của Thuốc.
Sau đây là một số loại hoa làm Thuốc thường bị nhầm lẫn trên thực tế cũng như trong sách vở.

Hòe hoa và hoa hòe

Hòe hoa (Flos Styphnolobii imaturi) là nụ hoa đã phơi hay sấy nhẹ đến khô của cây hòe [Styphnolobium japonicum (L.) Schott. Syn. Sophora japonica L.], họ đậu (Fabaceae), còn gọi hòe mễ. Người ta thu hái nụ hoa vào vào tháng 4 - 9 và tháng 10 - tháng 1 năm sau. Sau khi thu được nụ hoa, tiến hành sao vàng nhanh để diệt men rutinase có trong nụ hoa. Nếu không, men này sẽ thủy phân biến rutin thành quercetin làm hàm lượng rutin sụt giảm.

Hoa hòe (Flos Styphnolobii) là chỉ dạng hoa đã nở. Khi đó hàm lượng rutin, hoạt chất của hòe hoa là rất thấp. Trong khi quy định của DĐVN, hàm lượng rutin phải đạt ít nhất 20%. Do vậy, trong giao thương cũng như trong các đơn Thuốc, phương Thuốc y học cổ truyền (YHCT), bao giờ cũng ghi là hòe hoa hay hòe mễ chứ không được ghi là hoa hòe.

Khi buôn bán, một số người đã dùng các cành nhỏ của cụm hoa, thái ra với kích thước tương đương nụ hoa, rồi trộn lẫn vào nụ hòe để bán, kiếm nhiều lời. Cần chú ý phân biệt.

Theo YHCT, hòe hoa có vị đắng, tính hơi hàn. Được dùng trị các chứng chảy máu nói chung như chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu; đau đầu, chóng mặt do tăng huyết áp hoặc mắt đỏ do sung huyết. Khi dùng với tính chất cầm máu, hòe mễ được dùng dưới dạng sao đen hay sao cháy.

Hoa hồng và hồng hoa

Hoa hồng: Có nhiều loại hoa hồng. Hoa hồng đỏ (Rosa chinensis Jacq.) có cánh hoa màu đỏ. Hoa hồng trắng [Rosa odorata (Andr.)Sweet] có cánh hoa màu trắng, đều thuộc họ hoa hồng (Rosaceae).

Hoa hồng có rất nhiều loài và được trồng hầu như ở tất cả các nước trên thế giới để làm cảnh hoặc trang trí. Ở Việt nam, cánh hoa hồng bạch hấp đường phèn hay mật ong, gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày để trị ho. Cánh hoa hồng đỏ cho vào nước để tắm, có tinh dầu thơm dễ chịu sẽ làm cho da tươi tắn và mịn màng.

Hồng hoa (Carthamus tinctorius L.), họ cúc (Asteraceae). Là cây loại thảo, sống hàng năm, cao khoảng 0,6-1m, có khi tới 1,5m. Thân nhẵn có vạch dọc, phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, không cuống. Cụm hoa thành đầu, mọc ở ngọn thân. Hoa màu đỏ cam, đính trên đế một đế hoa dẹt. Hồng hoa là cây vùng ôn đới, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu xuân hè ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Bộ phận dùng làm Thuốc là hoa (Flos Carthami) và mang tên hồng hoa. Theo YHCT, hồng hoa có vị cay, tính ấm được dùng trong các chứng bế kinh, đau bụng kinh, hành kinh ra huyết khối hoặc trục thai lưu.

Kim ngân hoa và hoa kim ngân

Kim ngân hoa: là nụ hoa có kèm một số lượng rất ít của hoa mới nở, phơi hay sấy khô của cây kim ngân (Lonicera japonica Thunb.) và một số loài khác cùng chi Lonicera của họ kim ngân (Caprifoliaceae). Kim ngân hoa có vị ngọt (cam), tính hàn. Dùng trị các bệnh ung nhọt, ban sởi, mày đay, lở ngứa, cảm mạo phong nhiệt, huyết lị. Như vậy, kim ngân hoa là tên của vị Thuốc có nguồn gốc từ hoa kim ngân. Trong các phương Thuốc, đơn Thuốc cổ truyền cần được ghi là kim ngân hoa, không ghi là hoa kim ngân.

Cúc hoa và hoa cúc

Cúc hoa hay cúc hoa vàng còn gọi là cam cúc, kim cúc (Flos Chrysanthemi indici), là cụm hoa đã chế biến, phơi hay sấy khô của cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.), họ cúc (Asteraceae)

Cúc hoa được YHCT sử dụng trong điều trị các bệnh cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu hoặc các chứng hoa mắt, mờ mắt, chảy nhiều nước mắt, tăng huyết áp hoặc đinh sang, mụn nhọt.

Khác với hoa cúc, chỉ các loại hoa của các loài cúc khác nhau như cúc bách nhật, cúc vạn thọ, cúc áo... được dùng chủ yếu để làm cảnh, đôi khi cũng dùng chữa bệnh như cúc áo ngậm khi đau răng...

GS.TS. PHẠM XUÂN SINH

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/mot-so-loai-hoa-lam-thuoc-de-nham-lan-n144176.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY