Các ngân hàng như SHB, ACB vốn có tỷ trọng cao và thanh khoản giao dịch tốt trên sàn HNX, tuy nhiên đồng loạt muốn chuyển lên sàn HSX. Bởi việc này có thể giúp cho các cổ phiếu có thể lọt vào rổ chỉ số của HSX với tỷ trọng đáng kể như VN30, VN Dinamond. Từ đó có thể giúp làm tăng giá trên thị trường.
Sau 3 năm giao dịch trên sàn UPCOM, Ngân hàng Quốc tế VIB cũng quyết định niêm yết lên sàn có chuẩn cao nhất là HSX. Chia sẻ về điều này, đại diện VIB cho biết: "Để có được cái mức độ thanh khoản của cổ phiếu cũng như độ rộng của thị trường nó được tốt hơn đáp ứng tốt hơn cho các cái nhà đầu tư và các cổ đông hiện hữu của VIB và cái theo quy hoạch này chúng tôi đã bắt tay vào việc thực hiện các cái bước đầu tiên trong việc làm thủ tục để cấp phép và dự kiến đến tháng 11 này chúng tôi sẽ niêm yết trên sàn HSX”
Muốn lên sàn HSX thì doanh nghiệp phải đáp ứng hoạt động kinh doanh 2 năm liền trước có lãi, nhiều hơn 1 năm so với HNX. Và doanh nghiệp cũng phải có tối thiểu 300 cổ đông không phải có đông nắm giữ ít nhất 20% cổ phần có quyền biểu quyết của các công ty. Các ngân hàng cũng đã lên kế hoạch hút vốn cùng với.
Nói thêm về điều này, đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) cho biết: "Cùng với việc mà chúng tôi chuyển sàn niêm yết lại chúng tôi cũng đã xin đại hội đồng cổ đông năm 2020 phê duyệt đó là chúng tôi sẽ nới room ngoại thêm 4,99% lên mức tối đa là 9,99% để nâng cao cái giá trị của cổ phiếu và mang lại lợi ích cao hơn cho cổ đông".
Việc các ngân hàng lên kế hoạch chuyển sàn ở một góc độ khác còn giúp thỏa mãn cơn khát minh bạch thông tin liên quan. Đây thực sự là điều cần thiết trong bối cảnh nhiều đại hội cổ đông của các ngân hàng còn lập lờ thông tin.
Nhấn mạnh về điều này, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó TGĐ Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết cho biết: " Việc các ngân hàng tiến tới niêm yết tại sàn có tiêu chuẩn cao hơn rồi tuân thủ những quy định về công bố thông tin một cách rất là nghiêm ngặt chặt chẽ của các doanh nghiệp niêm yết của các công ty đại chúng đấy là những cái chuyển biến mà tôi nhận thấy rằng là qua một mùa đại hội cổ đông có nhiều mâu thuẫn sau đó thì nó lại có cái sự tiến bộ như vậy".
Hiện trong hệ thống ngân hàng đã có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Trong đó, 10 cổ phiếu niêm yết trên HOSE (VCB, CTG, BID, TCB, MBB, HDB, TPB, VPB, EIB, STB); 3 cổ phiếu niêm yết trên HNX (ACB, SHB, NVB) và 5 cổ phiếu trên UpCOM (LPB, VIB, VBB, BAB, KLB).
Ngoài ra, theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Quy định này giới hạn thời gian thực hiện đến hết năm 2020 cũng buộc nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam… đẩy mạnh kế hoạch niêm yết trong năm nay.
Chủ đề liên quan:
Một số ngân hàng hướng đến sàn giao dịch HSX