Kinh tế xã hội hôm nay

Muôn tấm lòng hướng về tâm dịch

Với tinh thần “tương thân, tương ái” và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các địa phương, các ngành chức năng, còn có rất nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân góp công, góp của để “chia lửa” với các cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ tuyến đầu chống dịch cũng như hỗ trợ hàng nghìn bà con đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Lời kêu gọi từ tâm dịch

Có mặt tại ổ dịch Tân Phong xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), chị Chảo Mắn On, phóng viên Trung tâm Văn hoá - Truyền thanh - Truyền hình Nậm Pồ, cảm nhận rõ những khó khăn mà chính quyền địa phương, lực lượng y tế và bà con nơi đây gặp phải khi dịch ập về. Sáng 19/5, Điện Biên tiếp tục ghi nhận 7 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 4 trường hợp liên quan tới chùm ca bệnh tại xã Si Pa Phìn, đang thực hiện cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện. Hiện số lượng người cách ly tập trung tại Si Pa Phìn lên đến 1.000 người, trong đó có rất nhiều người già và trẻ em.

Chị chảo mắn on cho biết, giữa tâm dịch căng thẳng, số người cách ly y tế ở các khu cách ly tập trung ngày càng tăng cao, dẫn đến việc thiếu đồ dùng cá nhân, lương thực thực phẩm, vật tư y tế. bản thân chị on đã dùng facebook cá nhân để kêu gọi sự hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ của nhiều "mạnh thường quân" và các nhà hảo tâm trên cả nước.

Nhu yếu phẩm được chuyển đến khu cách ly xã Si Pa Phìn. Ảnh: Chị Chảo Mắn On cung cấp

15 chiếc tủ lạnh 2 ngăn để cất giữ thực phẩm; 1,5 tấn củ quả tươi; 110 máy đo nhiệt độ cầm tay; 1000 khẩu trang y tế N95; 100 bộ quần áo kháng khuẩn; 40 kiện sữa, mỳ tôm; 15 thùng lương khô; 25000 khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn; 5 quạt cây; 10 chiếc loa cầm tay pin sạc cho các điểm cách ly… là những nhu yếu phẩm mà chị On quyên góp được từ lời kêu gọi của mình.

Chị On chia sẻ: “Vừa phải tác nghiệp tại tâm dịch, vừa kêu gọi, tiếp nhận và chia sẻ nhu yếu phẩm rất mệt, nhưng tôi vô cùng xúc động vì tình cảm nhân dân cả nước dành cho người dân, lực lượng chống dịch ở nơi biên giới. Những ngày tới, sẽ cần rất nhiều đồ vì lượng người tại khu vực cách ly, lực lượng làm việc ở đây chưa xác định được ngày trở về”.

Tại Bắc Giang, từ chia sẻ của một bác sĩ đang chống dịch tại bệnh viện dã chiến về việc bệnh viện thiếu đồ bảo hộ và khẩu trang, quản trị (admin) nhóm Facebook Review các trường mầm non và tiểu học địa bàn Hà Nội với hơn 56.000 thành viên đã đăng trên nhóm kêu gọi: “Bắc Giang trong những ngày hè nóng nực, các y bác sĩ đang giam mình trong bộ đồ bảo hộ như lò lửa để chiến đấu không kể ngày đêm với dịch bệnh. Quần áo ướt sũng mồ hôi cũng không dám thay. Nóng ngộp mấy cũng kiên cường chịu đựng. Muốn đi vệ sinh cũng cố nhịn. Mệt quá cũng mặc nguyên bộ đồ bảo hộ mà nằm. Vì kính có thể khử khuẩn dùng lại, khẩu trang y tế cũng có thể tự thay mới, chỉ có quần áo bảo hộ cởi ra phải bỏ luôn để đảm bảo an toàn, mà tiêu chuẩn chỉ một bộ một ca, tự mua cũng rất tốn kém so với mức trợ cấp chống dịch. Đã có những ngày nóng quá, chị em bị sốc nhiệt mấy người ngất xỉu. Vì giữ một bộ đồ bảo hộ, không có một phút nghỉ ngơi.

Để cùng Bắc Giang chống lại COVID-19, chỉ với 28.000 đồng một bộ đồ bảo hộ, chúng ta đã có thể ủng hộ 5 phút nghỉ ngơi tới các y bác sĩ cùng lực lượng chống dịch. Vì Bắc Giang cũng chính là vì gia đình chúng ta!”.

Những thùng khẩu trang, đồ bảo hộ chuẩn bị chuyển đến Bắc Giang
Và chỉ sau 2 ngày kêu gọi, với sự ủng hộ của các thành viên trong nhóm (trong đó có cả những giáo viên mầm non đang gặp khó khăn do phải nghỉ làm), 1.670 bộ đồ bảo hộ y tế, 12.500 khẩu trang, hơn 600 suất bánh sữa và một số đồ dùng khác theo nhu cầu từng điểm đã đến với Bắc Giang.

Chị Đặng Diệu Linh, một trong những cá nhân đứng lên kêu gọi quyên góp ủng hộ Bắc Giang chống dịch cho biết, nhóm của chị đều là những người quê Bắc Giang đang sinh sống tại Hà Nội.

“Trước sự phức tạp của dịch bệnh tại quê nhà, những người con Bắc Giang chung tay lại, người gom đồ, người bán nông sản, người hỗ trợ vận chuyển. Tất cả các nhóm lớp, hội đồng hương, đồng niên được huy động tối đa, liên kết với nhau để hỗ trợ và phân phối hợp lý về cho từng điểm cách ly tại quê nhà: Chuyến đi thì chuyển đồ cứu trợ, chuyến về thì chở nông sản giải cứu nông dân”, chị Linh cho biết.

Bên cạnh việc hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khu cách ly, nhóm của chị Linh hiện cũng bắt đầu chiến dịch hỗ trợ giường và quạt cho các điểm điều trị.

Trong nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi HSG Tiếng Anh với gần 10.000 thành viên, khi admin thông báo kêu gọi ủng hộ lực lượng y bác sĩ chống dịch tại Hà Nam, Bắc Giang, ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của đông đảo thành viên với gần 200 triệu đồng được quyên góp chỉ sau vài ngày.

Nhóm Đồng hành trao hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2

Chị Cao Thị Hoàn, một trong những admin của nhóm cho biết, với tinh thần tương thân tương ái, sự chung sức của các phụ huynh, học sinh, nhóm đã chuyển đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Bắc Giang (nơi chuyển thành bệnh viện dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19) 500 bộ đồ bảo hộ, 5000 khẩu trang y tế cùng với 500 khẩu trang vải và hàng nghìn mũ chống giọt bắn.

Học sinh Trường THCS Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội làm kính chắn giọt bắn gửi tới vùng dịch

Nhóm cũng chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam và Bệnh viện K mỗi nơi 500 bộ đồ bảo hộ; 200 khẩu trang N95; 1.000 khẩu trang y tế. Chị Hoàn cho biết, việc hỗ trợ các bệnh viện sẽ được tiếp tục triển khai trong những ngày tới.

Tình người trong dịch

Xã biên giới Si Pa Phìn vốn đã khó khăn, nay thêm nhiều gian nan bởi dịch COVID-19. Khó khăn trăm bề, nhưng sự quan tâm chia sẻ, động viên, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần từ nhân dân đã tạo nên sức mạnh đồng lòng chống dịch ở nơi đây.

Người dân tiếp đồ vào khu cách ly

Chị Chảo Mắn On chia sẻ, tại Si Pa Phìn, nhiều người phải đi cách ly, nên cảnh “vườn không nhà trống” đang khá phổ biến trong khu dân cư nơi ổ dịch. Người may mắn không phải đi cách ly đỡ sốt sắng vì dịch bệnh nhưng cũng tất bật chăm lo nhà cửa, vật nuôi của hàng xóm, họ hàng đang thực hiện cách ly. Chị em phụ nữ bản Nà Sự 2, xã Chà Nưa, thay vì nóng lòng ngóng tin, đã gửi hết tâm tư tình cảm của hậu phương bằng những chiếc bánh chưng gửi vào khu cách ly.

Cùng với những sự hỗ trợ về vật chất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, với tinh thần có ít góp ít, không có của thì góp công, nhân dân khắp các xã, bản trong huyện Nậm Pồ đang hướng về Si Pa Phìn với tâm thế đồng lòng chống dịch.

Anh ngô quốc anh, trưởng một nhóm thiện nguyện tại điện biên khi đi quyên góp ủng hộ chống dịch covid-19 đã chia sẻ: “người dân vùng cao họ thế đấy, lá rách đùm lá nát, chuẩn con cháu cụ hồ. tương thân tương ái hỗ trợ khu vực cách ly, ai còn gì thì cho đấy. cứ nhúm nhúm một, vài cành củi một mà sao cảm thấy ấm áp đến khó tả. trong khi ở nhà họ chắc con cái vẫn ăn cơm với muối. tuyệt vời, đồng bào ơi”.

Người dân góp củi cho khu cách ly

Bản thân anh Quốc Anh cũng đã mang đấu giá một tác phẩm bonsai anh ưng ý nhất để lấy tiền phòng dịch.

“Ai ủng hộ gì tôi nhận hết: 5000, 10.000 đồng cũng được, quả trứng con gà cũng được, bà con nhân dân và các cháu nhỏ đang cần rất nhiều thứ. Tầm giờ thì ít cũng quý mà bao nhiêu cũng không thừa”, anh Quốc Anh chia sẻ.

Người nổi tiếng vào cuộc

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng đã kêu gọi và ủng hộ vật chất, tiền của để giúp đỡ các địa phương trên cả nước chống dịch.

Mới đây, ca sĩ Tùng Dương và những người bạn đã quyên góp và thu được 400 triệu đồng để ủng hộ cho tỉnh Bắc Giang chống dịch COVID-19. Số tiền này sẽ được chia ra làm nhiều đợt. Đợt 1 được chi trả để mua 2.500 bộ quần áo bảo hộ các loại và 2.400 chai nước (tổng trị giá 200 triệu đồng) vận chuyển đến Bắc Giang từ ngày 19/5.

MC, diễn viên Đại Nghĩa kêu gọi quyên góp hơn 1,2 tỷ đồng để ủng hộ bộ đội biên phòng, y bác sĩ... trong đợt dịch này. Nam nghệ sĩ đã dùng số tiền trên mua khẩu trang, thiết bị sinh hoạt và nhu yếu phẩm hỗ trợ bộ đội biên phòng chống dịch ở huyện Tân Châu và Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Trước đó, anh và ê kip cũng gửi hàng nghìn bộ đồ bảo hộ, găng tay y tế... đến bệnh viện dã chiến tỉnh Bắc Giang. Nhóm thiện nguyện của anh cũng đến các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)... để gửi quà ủng hộ các y bác sĩ.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng gửi 500 triệu đồng từ tiền bán vé đêm nhạc của mình để ủng hộ quỹ vaccine COVID-19.

NSƯT Xuân Bắc tới các nơi cách ly để đưa đồ cứu trợ. Ảnh Facebook nhân vật

NSƯT Xuân Bắc thì trực tiếp tới các nơi cách ly để đưa đồ cứu trợ: "Những món đồ nhỏ thể hiện sự quan tâm và đồng lòng chống dịch của chúng tôi đối với những người nơi tuyến đầu. Mong các anh chị luôn bình an và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đối với những người đang phải cách ly, đây cũng là một giai đoạn khó khăn, hãy cố gắng - chúng ta sẽ thắng trận này và... đồng lòng thì trận nào cũng thắng!", nghệ sĩ chia sẻ trên trang cá nhân.

Có thể thấy, những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều xuất phát từ trái tim với tinh thần ‘lá lành đùm lá rách”. Những lúc khó khăn như thế này là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần “tương thân tương ái” vốn có của dân tộc Việt Nam. Công tác chống dịch còn nhiều gian lao, chúng ta cùng đồng lòng để chiến thắng.

Theo Baochinhphu.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/muon-tam-long-huong-ve-tam-dich-611850.html)

Chủ đề liên quan:

covid-19 Tâm dịch tình người

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY