Holly J. Mitchell, Giám sát viên hạt Los Angeles cho biết: "Mục tiêu là đưa ra định hướng cho các cơ quan của quận bắt đầu giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm việc tác động đến môi trường và khí hậu do các giếng dầu khí đang hoạt động và không hoạt động này gây ra".
Hiệp hội Dầu khí Độc lập California đã chống lại kết quả cuộc bỏ phiếu, nói rằng điều này sẽ khiến hàng trăm người mất việc làm, tăng giá tại các trạm bơm và làm tăng sự phụ thuộc của California vào dầu nước ngoài.
Tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ hiện nhập khẩu khoảng 70% lượng dầu mà họ cần. Đây cũng là nơi tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay lớn nhất cả nước. California chiếm 17% mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay phản lực của Mỹ và 11% mức tiêu thụ xăng vào năm 2019, theo dữ liệu của EIA.
Được biết, California cũng là bang lớn thứ ba của Mỹ về công suất lọc dầu tính đến đầu năm 2020, trong khi các nhà cung cấp dầu nước ngoài, bao gồm Ả Rập Xê-út, Iraq, Ecuador và Colombia, cung cấp hơn một nửa lượng dầu thô được tinh chế ở California vào năm 2019.
California có lẽ là tiểu bang có các mục tiêu khử carbon tham vọng nhất và là bang tích cực nhất trong việc cố gắng đạt được các mục tiêu đó.
Hồi đầu năm, Thống đốc Gavin Newsom, người gần đây vừa vượt qua một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm, đã nói với Bộ phận Quản lý Năng lượng Địa chất California (CalGEM) bắt đầu hành động theo quy định để chấm dứt việc cấp giấy phép khai thác mới vào tháng 1/2024.
Ngoài ra, ông Newsom cũng yêu cầu Ban Tài nguyên California xem xét loại bỏ hoàn toàn việc sản xuất dầu trong tiểu bang.
"Khi chúng tôi nhanh chóng tiến tới việc khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải và tạo ra một tương lai lành mạnh hơn cho con cái chúng tôi, tôi đã nhấn mạnh rằng tôi không thấy vai trò của 'hoạt động fracking' trong tương lai đó và tin rằng California cần phải vượt ra ngoài dầu mỏ", ông Newsom cho biết hồi tháng 4.